Những trùm ma túy mang gương mặt trí thức

28/10/2011 15:39

Đều là những sinh viên có tương lai sáng lạn, nhưng vì một phút sai lầm, nông nổi, cuộc đời của những trí thức đó đã bước sang một trang khác khi gia nhập những đường dây buôn bán ma túy, để rồi hủy hoại tất cả những gì tốt đẹp mà họ có, trở thành một kẻ tội phạm bị cả pháp luật và đạo đức xã hội lên án.

Nữ sinh viên đi BMW buôn ma túy

Khi cô gái trẻ ngoài 20 tuổi Trần Thị Thu Điệp bị bắt trong đường dây buôn bán hơn 700 bánh heroin do các điều tra viên Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy bóc gỡ, bạn bè, thầy cô của Điệp ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đều vô cùng ngỡ ngàng. Không ai tin cô sinh viên xinh đẹp, ăn chơi, sành điệu nổi tiếng của trường lại là một bà trùm trong đường dây ma túy liên tỉnh được xếp vào hàng cỡ bự trong các đường dây ma túy được khám phá vài năm trở lại đây.

Ngày 08/09/2009, đoàn công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an) đã phối hợp với các trinh sát Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành bắt giữ đối tượng Hà Ngọc Lương (28 tuổi, quê ở Mai Châu - Hòa Bình) khi hắn cùng với tên Trần Lê Quang (38 tuổi, quê ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang vận chuyển 5 bánh heroin trên chiếc xe ô tô biển Hà Nội do Hà Ngọc Lương lái từ huyện Mai Châu (Hòa Bình) về Hà Nội.

Theo lời các trinh sát tham gia chuyên án, khi bị lực lượng công an chặn đường kiểm tra xe, hai tên này đã chống đối quyết liệt bằng cách lao thẳng xe vào lực lượng công an đang đứng chắn phía trước. Nhưng vì đã lường trước được tình huống đó, nên các trinh sát đã chủ động đối phó với các đối tượng và buộc chúng phải khuất phục. Sau vụ bắt giữ này, chân tướng của những đối tượng trong đường dây bắt đầu lộ diện, với một hệ thống vận chuyển, buôn bán ma túy quy mô từ Mai Châu, Hòa Bình xuống Hà Nội rồi lên các tỉnh biên giới.

Điều khiến tất cả mọi người bất ngờ là trong đường dây có một cô sinh viên 20 tuổi trẻ trung, xinh đẹp, con nhà giàu và nổi tiếng ăn chơi trong giới trẻ Hà thành. Không ai có thể tin, một cô gái trẻ như thế lại là một bà trùm của đường dây. Tất cả những đầu mối đó đã bị lộ sau khi đối tượng Hà Ngọc Lương sa lưới.

Lương sinh ra ở Mai Châu, Hòa Bình, một mảnh đất "nổi tiếng" vì có nhiều ông trùm ma túy lớn của cả nước. Không phải ngẫu nhiên mà một chàng trai trẻ như Lương lại có thể trở thành một ông trùm tầm cỡ như thế. Có thể nói, việc Lương ngày một lún sâu vào con đường này là bởi hắn sinh ra trong một gia đình có "truyền thống" buôn bán ma túy.

Theo các trinh sát tham gia phá vụ án buôn bán hơn 700 bánh heroin này, thì mẹ và anh chị em của Lương trước đây đều có dính líu đến các đường dây ma túy và đã bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Bản thân Lương khi đó vì đã có thái độ thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra nên đã được cơ quan Công an giáo dục về tư tưởng, đạo đức, để ngỏ cho Lương một con đường để phấn đấu thoát khỏi bi kịch của gia đình. Nhưng những bài học nhãn tiền đó đã không làm Lương tỉnh ngộ.

Hậu quả mà những người ruột thịt của Lương gặp phải khi nhúng tay vào những đường dây ma túy đã không đủ để khiến Lương chùn tay sợ hãi. Một thời gian sau, Lương đã nhanh chóng trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy, kiếm những đồng tiền phi pháp để có một cuộc sống giàu sang, phú quý hơn người.

Trong khoảng thời gian 3 năm, Lương đã tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy lớn từ Hòa Bình về Hà Nội, Quảng Ninh rồi mang sang Trung Quốc tiêu thụ. Lương được phân công lên Mai Châu lấy hàng của anh em đối tượng Hà Công Khánh, sau đó chuyển về cho Vũ Đức An để hắn phân bổ đến các chân rết của mình. Bọn chúng vận chuyển với tần suất dày đặc, đều đặn trên dưới 20 bánh. Tính đến thời điểm bị bắt, nhóm này đã vận chuyển, tiêu thụ 720 bánh heroin.

Khi đã giàu có vì lợi nhuận khổng lồ do ma túy đem lại, Lương nhanh chóng cặp bồ với Điệp, cô sinh viên sau đó nhanh chóng trở thành một mắt xích trong đường dây. Điệp, 20 tuổi sinh ra trong một gia đình khá giả ở Cẩm Phả, Quảng Ninh. Trước khi quen biết với Lương, Điệp là một nữ sinh có lối sống khá lành mạnh.

Gia đình có điều kiện nên khi đi học Điệp được bố mẹ chu cấp đầy đủ để có cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với những bạn bè sinh viên khác. Nhưng khi bước chân vào đại học, Điệp bắt đầu tỏ ra mải chơi, đua đòi, thích những thú vui xa xỉ của dân chơi đất Hà thành. Đúng thời điểm đó, Điệp gặp Lương và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Lương bởi vẻ ngoài xinh xắn của mình.

Lúc này, Lương đã là một "thiếu gia" vung tiền không tiếc tay, nên việc gặp Lương với Điệp như cá gặp nước. Choáng ngợp trước sự giàu có, hào phóng của Lương, Điệp nhanh chóng ngã vào vòng tay và trở thành người tình của Lương. Là người tình của một trùm ma túy, Điệp được Lương hết lòng chiều chuộng, cung phụng. Lương không bao giờ tiếc tiền chi cho người tình trong việc mua sắm, chơi bời. Vì thế, dù là dân "tỉnh lẻ" nhưng Điệp thường có mặt ở những nơi ăn chơi xa xỉ nhất Hà Nội, những quán bar, vũ trường về đêm và chưng diện những bộ quần áo đắt bằng mấy tháng tiền tiêu của một sinh viên bình thường.

Là một kẻ chịu chơi, Lương còn rộng tay chi hẳn 75 ngàn USD để mua một chiếc BMW làm quà sinh nhật cho người tình. Lóa mắt trước những cám dỗ đó, Điệp đã dọn về sống chung với Lương rồi dần dần được Lương đưa vào con đường buôn bán ma túy lúc nào không hay. Kiếm tiền bất hợp pháp một cách dễ dàng, nên đôi tình nhân này tiêu tiền như rác và sống rất vương giả. Tiền tiêu bình quân mỗi tháng của hai đối tượng này lên tới 50 - 60 triệu. Đó là con số mà người làm ăn lương thiện bình thường nghe xong phải lắc đầu lè lưỡi. Nhưng cái giá phải trả cho cuộc sống vương giả đó không hề rẻ, khi Lương bị bắt đã khai ra đồng phạm, cũng là người tình của mình.

Ở trường đại học, Điệp nổi đình nổi đám bởi ngoài gương mặt xinh đẹp, ăn chơi, Điệp còn thường xuyên đến trường với chiếc xe BMW đắt tiền nên ai cũng nghĩ Điệp thuộc hàng "tiểu thư" con của một "đại gia" nào đó. Không ai hình dung ra cô sinh viên này là một "bà trùm" trong đường dây ma túy lớn. Khi Điệp bị bắt, mọi người đều ngỡ ngàng và tiếc cho cô sinh viên lầm đường lạc lối, chỉ vì kim tiền mà hủy hoại tương lai, danh dự, nhân phẩm của mình. Chính các trinh sát trực tiếp bắt Điệp cũng tiếc cho cuộc đời cô gái, với việc tham gia mua bán 30 bánh heroin, ai cũng hiểu điều gì đang đợi Điệp phía trước.

Bài học đắt giá của những kiều nữ nhẹ dạ

Nếu như cô sinh viên Điệp sa vào con đường tội lỗi là do sự ăn chơi, đua đòi của chính mình, thì lý do phạm tội của Hà Thị Ngô, cô sinh viên người dân tộc Mường lại khiến nhiều người xót xa, tiếc nuối, bởi sự nhẹ dạ, cả tin và ngờ nghệch của cô gái trẻ trước những cạm bẫy cuộc đời.

Ngô là con gái út trong một gia đình dân tộc Mường ở thành phố Buôn Mê Thuật. Mồ côi cha từ nhỏ, nhưng là con út nên Ngô được mẹ và các anh chị yêu thương, cưu mang, lo lắng cho cô học hành đến nơi đến chốn. Thi đỗ vào trường Kiến trúc, từ mảnh đất Tây Nguyên, cô gái trẻ hăm hở xuống Thành phố Hồ Chí Minh trọ học với ước mơ về một tương lai tươi sáng. Nhưng cuộc sống thành phố không là màu hồng như những gì Ngô đã tưởng. Ở giữa nơi phồn hoa đô hội, cô gái dân tộc từ một tỉnh miền núi xuống đã không ngờ mình là nạn nhân của một cái bẫy hoàn hảo do những tên trùm ma túy từ nước ngoài sang Việt Nam tạo ra, với mục đích biến cô trở thành một thứ "cửu vạn" xách thuê ma túy cho chúng.

Thời gian ở Thành phố Hồ Chí Minh, qua những lần chát trên mạng, Hà Thị Ngô đã quen với Kelvin, một người đàn ông gốc Phi đang sống ở Việt Nam. Hắn tự giới thiệu là Giám đốc công ty may để "ra oai" với cô sinh viên trẻ. Sau một thời gian trò chuyện, quen biết, khi thấy mối quan hệ đã dần trở nên thân mật, Kelvin đã đề nghị Ngô sang Singapore lấy hàng may về làm mẫu cho hắn, và hứa hẹn một mức thù lao xứng đáng, đủ khiến cho cô sinh viên tỉnh lẻ choáng ngợp và gật đầu đồng ý không chút đắn đo.

Hà Thị Ngô và Nguyễn Thị Phước

Nhưng trong quá trình đi lấy hàng và vận chuyển quần áo, Ngô phát hiện ra thứ "hàng hóa" mà Kelvin và những người bạn nhờ là ma túy chứ không phải đồ may mặc như đã nói. Không chấp nhận tiếp tay cho cái ác, Ngô đã kiên quyết từ chối và trở về Việt Nam mà không đem theo số ma túy các đối tượng này "nhờ" vận chuyển. Tuy nhiên, cô sinh viên ngây thơ đã không chịu nổi áp lực của nhóm đối tượng côn đồ này.

Thấy Ngô ngoan cố không chịu vận chuyển hàng cho, nhóm côn đồ cùng hội cùng thuyền với Kelvin đã tìm mọi cách tra tấn tinh thần cô gái trẻ. Chúng tổ chức đánh đập, hăm dọa cô để làm Ngô sợ, chúng còn đe dọa sẽ làm hại cả gia đình cô ở Tây Nguyên. Đúng vào lúc hoảng loạn nhất thì Kelvin đã làm một hành động "cao thượng" đó là đứng ra bảo vệ cô trước sự đe dọa của đồng bọn. Quá ngây thơ, nên Ngô không ngờ đây chỉ là mưu kế của băng đảng tội phạm. Cảm kích trước hành động "hào hiệp" của Kelvin, kể từ đó Ngô đã ngoan ngoãn nghe theo sự chỉ bảo của Kelvin, trở thành "tay sai" của đường dây buôn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tháng 7/2009, Ngô theo lệnh Kelvin đã sang Ấn Độ để vận chuyển một số mẫu hàng hóa, trang sức về Việt Nam (nhưng trên thực tế là vận chuyển ma túy) với thù lao 500 USD. Sang đến Ấn Độ, Kelvin còn sai đồng bọn ở đó dẫn Ngô đi mua sắm. Trước khi về, các đối tượng này đưa cho Ngô một cuốn sách, trong đó có giấu ma túy. Biết rõ điều đó, nhưng Ngô vẫn ngoan ngoãn vận chuyển số ma túy đó, như một cách "trả ơn" Kelvin.

Không chỉ có Ngô là nạn nhân của nhóm buôn ma túy người nước ngoài này. Nguyễn Thị Phước (một cô gái làm nghề hướng dẫn viên du lịch) cũng phải chịu chung cảnh ngộ cay đắng với Ngô khi quá tin vào những lời đường mật và bản lý lịch bóng bẩy mà Kelvin tạo ra khi bắt quen với Phước qua mạng. Tất cả mưu kế, thủ đoạn đó mới được vỡ lẽ cho đến khi các cô gái này bị bắt.

Theo lời Phước khai thì cô cũng quen với tên Kelvin qua mạng. Giống như với Ngô, Kelvin cũng tìm cách tán tỉnh Phước. Được một người đàn ông "giàu có" theo đuổi, Phước đã nhanh chóng siêu lòng. Khi Kelvin ngỏ lời muốn kết hôn với mình, Phước đã bỏ việc ở Đà Nẵng vào trong Thành phố Hồ Chí Minh theo tiếng gọi của "tình yêu".

Khi vào đến Thành phố Hồ Chí Minh, thay vì làm đám cưới như đã hứa hẹn, Kelvin lại đề nghị "vợ sắp cưới" đi sang Trung Quốc lấy hàng may mặc về làm mẫu với thù lao 500 USD. Trước khi đi, hắn còn đưa cho Phước một đôi dép để… đi cho thoải mái. Biết đôi dép có ma túy, nhưng Phước vẫn đồng ý đi. Khi làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, Phước đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Từ lời khai của Phước, cơ quan điều tra đã tìm ra những đầu mối phạm tội của Ngô và Kelvin, tuy nhiên đánh hơi thấy nguy hiểm, nên tên tội phạm nước ngoài gian xảo này đã nhanh chóng cao chạy xa bay, để lại hai cô gái đã bị hắn đưa đẩy vào con đường phạm tội ngơ ngác trước những gì mình sắp phải đối mặt.

Khi được đưa ra tòa xét xử, trước vành móng ngựa, cả hai cô gái bật khóc nức nở kể về lý do khiến mình phạm tội. Tuy biết rõ cả hai đối tượng chỉ là nạn nhân của đường dây này, nhưng vì biết rõ việc phạm pháp mà vẫn làm nên cả Ngô và Phước đều bị tòa xử với bản án nghiêm khắc là 20 năm và 18 năm tù. Cuộc đời của hai cô gái trẻ đã nhanh chóng xoay chuyển chỉ vì một phút nhẹ dạ, cả tin và quá choáng ngợp trước sự hào nhoáng giả tạo của một tên tội phạm đội lốt doanh nhân.

Cái giá của những đồng tiền bất chính

Khi bước chân vào giảng đường đại học, rất nhiều sinh viên phải đối mặt với cuộc sống xa nhà, với những lo toan cơm áo gạo tiền khi mà điều kiện gia đình không khá giả và cả cuộc sống cám dỗ ở các thành phố lớn. Không ít các bạn trẻ vì thế mà sa ngã, trở thành những kẻ phạm tội một cách hoàn toàn chủ động. Như trường hợp của Trần Xuân Hà, sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Với việc buôn bán, tiêu thụ 152 bánh heroin, là cánh tay đắc lực cho người chú ruột đang bị truy nã, Hà có thể coi như một "ông trùm" ma túy gắn mác sinh viên ở đất Sài thành.

Trần Xuân Hà là người Nghệ An. Học hết cấp 3, vào Thành phố Hồ Chí Minh luyện thi đại học rồi đỗ cao đẳng, cuộc sống với chàng sinh viên trẻ gặp không ít khó khăn khi gia đình không có điều kiện, lại phải sống giữa một thành phố đắt đỏ như Thành phố Hồ Chí Minh. Chính trong lúc cuộc sống khó khăn đó, Hà đã đến gặp người chú ruột của mình là Trần Xuân Báo (đang bị truy nã) với nguyện vọng "xin việc", dù biết chú mình là ông trùm cầm đầu một đường dây ma túy lớn.

Lúc đầu, Báo còn khuyên bảo cháu từ bỏ ý định, chuyên tâm học hành để sống một cuộc sống lương thiện, nhưng sau khi cân nhắc, Báo không những đồng ý cho Hà tham gia vào đường dây ma túy xuyên quốc gia của mình, mà thậm chí còn nhanh chóng nâng cháu mình thành cánh tay phải đắc lực trong các phi vụ vận chuyển ma túy. Kể từ thời điểm đó, Hà được chú giao "trọng trách" đi nhận hàng do các "đối tác" bên Lào và Campuchia chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh lo phân phối, tiêu thụ đến các đầu mối nhỏ trong toàn thành phố. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, nên Hà thực hiện các công việc mà chú giao cho rất trôi chảy nên chẳng mấy chốc chiếm được lòng tin của chú và dần giữ vị trí quan trọng trong đường dây (thậm chí chỉ sau Báo).

Chỉ trong thời gian một năm, Hà đã mang về Thành phố Hồ Chí Minh 50kg heroin (tương đương 150 bánh) và mang số ma túy này đi tiêu thụ. Còn quá trẻ tuổi, lại đang trong cơn "say" vì kiếm được quá nhiều tiền, Hà đã lao vào con đường tội ác như một con thiêu thân, dù nhận thức rõ hành vi của mình sẽ để lại những hậu quả trầm trọng như thế nào. Đáng tiếc cho người thanh niên trẻ, nếu không phạm tội Hà sẽ có cuộc sống bình thường và một sự nghiệp ổn định. Nhưng một phút mụ mẫm vì đồng tiền đã hủy hoại tất cả, đẩy Hà phải tra tay vào còng số tám và bước ra vành móng ngựa, đối mặt với sự nghiêm trị của luật pháp.

Điều rất đáng buồn là dù đều tham gia vào đường dây ma túy, nhưng khi hành vi bị phát giác, chỉ có Hà tỏ thái độ thành khẩn, còn người chú đều đây đẩy tìm cách chối tội, thậm chí đổ vấy toàn bộ tội lỗi lên người cháu của mình. Nhưng trước những chứng cứ quá rõ ràng do cơ quan điều tra thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, đối tượng này cuối cùng cũng phải cúi đầu nhận tội.

Trong phiên tòa xét xử vụ án, có một điều ám ảnh những người tham dự phiên tòa chính là gương mặt hiền khô của Hà - gương mặt của một cậu sinh viên trong sáng nhưng đã sa chân vào con đường tội lỗi trong một phút nông nổi. Có lẽ vì thấm thía tội lỗi của mình, nên khi bị tuyên mức án cao nhất, Hà tỏ ra rất bình thản, chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên. Chính Hà đã nói trong phiên xử: "Tội của bị cáo đáng chết". Nguyện vọng cuối cùng của "ông trùm" ma túy sinh viên này là sau khi chết, được hiến nội tạng cho người nghèo. Dù nguyện vọng của Hà có thể không thành hiện thực, nhưng đó cũng là một điều ghi nhận sự hối cải của Hà với những tội lỗi đã phạm phải.

Khôi Nguyên (Nguồn CAND)

Top