Những đứa trẻ tận khổ vì ma túy

16/12/2011 13:46

Chuyện về 15 đứa trẻ mồ côi khốn khó đang sống nhờ sự cưu mang của các thầy cô giáo phòng Giáo dục huyện Điện Biên Đông - tỉnh Điện Biên, khiến chúng ta không chỉ xót xa! Một viễn cảnh thê thảm đang chờ đợi nhiều gia đình nghèo có người nghiện ma túy mới là nỗi đau, nỗi lo thực sự!

15 em nhỏ - một cảnh đời

Đến từ nhiều bản làng vùng cao khác nhau, nhưng 15 đứa trẻ dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 5-14 tuổi này lại có hoàn cảnh giống nhau là cùng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Khi chưa được các thầy cô giáo cưu mang thì chúng sống dựa vào sự chở che của người dân trong bản. Có đứa hàng ngày lang thang khắp nơi tự kiếm miếng ăn cho mình. 

Đám trẻ đã thay đổi hoàn toàn sau 3 tháng sống với các thầy cô giáo của huyện Điện Biên Đông

Cậu bé Giàng A Xìa, 8 tuổi, người dân tộc Mông của bản Cang, huyện Điện Biên Đông. Người đi đường phát hiện ra thì Xìa đã kiệt sức vì đói, vì lạnh và đang nằm gọn trong ống cống sát đường đi. Tỉnh dậy tại Trung tâm y tế của huyện sau khi được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời, Xìa ăn liền một hơi hết 6 chén cơm đầy. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong cuộc đời Xìa được ăn no, mà lại là ăn cơm có thịt. Theo lời kể của Xìa thì bố mẹ em bị bệnh nên đã chết cách đây hai năm để lại 3 anh em Xìa côi cút, không người thân thiết. Anh cả là Xìa khi đó mới 6 tuổi nên không đủ lớn khôn để chăm lo cho 2 đứa em 4 tuổi và 3 tuổi của mình. Sự cưu mang của dân bản cũng không thể giúp anh em Xìa thoát khỏi cơn đói khát hàng ngày. Xìa lang thang khắp nơi trong bản xin ăn. Trước khi được đưa về đây thì Xìa đã 4 ngày không được ăn cơm, chỉ uống nước và ăn lá cây rừng. Hai đứa em của Xìa hiện vẫn đang ở trên bản và không biết sống chết thế nào.

Hoàn cảnh của 2 anh em Tòng Văn Hiến, 14 tuổi và Tòng Thị Hảo, 9 tuổi, người dân tộc Thái bản Na Son lại càng xót xa hơn. Bố đi tù (vì buôn bán ma túy) từ khi Hảo chưa kịp chào đời và hiện không biết còn sống hay đã chết? Khi Hảo vừa tròn 5 tuổi thì mẹ lại bỏ hai anh em ra đi vì căn bệnh AIDS. Tuy có 2 anh trai lớn cùng mẹ khác cha, nhưng cả hai đều đang đi tù vì tội trộm cắp và nghiện hút. Ban đầu hai anh em Hiến và Hảo sống cùng với chị dâu cả, hàng ngày Hiến cùng chị dâu đi làm nương rẫy, Hảo ở nhà canh chừng 2 đứa trẻ con. Và không biết bao nhiêu trận đòn roi của người chị dâu trút lên người Hảo vì để cháu ngã, vì suốt ngày nằm ngủ, nằm khóc mà không chịu trông cháu…

Thương em, Hiến dắt em ra khỏi nhà chị dâu sau hơn 1 năm sống cùng. Hai anh em lại tìm đến sự cưu mang của người dân bản. Thấy em cứ suốt ngày nằm ngủ mê mệt, người mọc nhiều mụn ngứa. Hiến đưa em đi khám tại trạm y tế xã thì phát hiện em bị lây nhiễm căn bệnh chết người từ mẹ. Hiện cũng đang ở giai đoạn cuối của AIDS…

Đám trẻ tranh nhau lựa chọn quần áo cho mình do các nhà từ thiện gửi tới

Khi được các thầy cô giáo phát hiện ra hoàn cảnh của hai anh em và muốn đưa Hiến về sống cùng đám trẻ mồ côi tại phòng giáo dục để Hiến được đi học, Hiến cứ tha thiết xin cho em gái được đi cùng để có điều kiện chăm sóc em những ngày tháng cuối đời, nhưng mong ước đó không được chấp nhận. Vì các thầy cô sợ các em không biết giữ gìn sẽ bị lây nhiễm HIV từ Hảo. Dù không muốn xa em, nhưng cuộc sống không còn sự lựa chọn, Hiến đành gửi em sống cùng một người tốt bụng trong bản để xuống trường học, cuối tuần em lại đi bộ 5 km về với em gái…Và trong một lần về thăm em, Hiến đã không quay trở lại trường. Sốt ruột, thầy cô lên bản tìm thì mới biết chuyện em gái của Hiến do không chịu nổi sự ghẻ lạnh, hát hủi của những người xung quanh, do sự mệt mỏi vì căn bệnh AIDS hành hạ… vài ngày trước, Hảo đi vào rừng lấy lá ngón ăn để được đi cùng mẹ, để “cháu không bị mệt và ngứa nữa…”.

Lúc chúng tôi ghé thăm, Hảo đang nằm thiêm thiếp trong góc, với hai quầng mắt sưng mọng, mụn ngứa dầy đặc từ chân lên đến hai vành tai. Thấy Hiến dùng tay gãi ngứa cho em, tôi nói “cháu không sợ bị lây HIV từ em sao”? Chẳng cần suy nghĩ, Hiến đáp: “Em cháu sắp chết rồi. Cháu thương em lắm nhưng không biết làm sao cho em bớt đau, bớt ngứa. Cháu chỉ ước gì có tiền để đưa em đi khám và mua thuốc điều trị để nếu có chết thì em cháu cũng được chết thanh thản và không đau đớn…”. Điều mong ước của Hiến không biết có trở thành sự thật?

Tất cả chỉ vì ma túy

Ai cũng biết, mồ côi là bất hạnh, là thiệt thòi. Thế nhưng, đối với trường hợp của 15 đứa trẻ này thì điều đó chưa hẳn đã đúng. Vì khi còn cha, còn mẹ, chúng làm sao dám mơ đến những bữa cơm no, dù chỉ là cơm rau, hay thậm chí là cơm chan với nước. Bây giờ sống với các thầy cô, chúng không chỉ được đi học chữ mà còn được ăn ngày 3 bữa cơm. Cuộc sống này những đứa trẻ hiện đang sống trên bản dù có mơ cũng không được.Theo lời kể của thầy Hoàn - Trưởng phòng giáo dục huyện Điện Biên Đông: “Hiện còn rất nhiều trẻ em trên các bản làng xa trung tâm huyện mồ côi cả cha lẫn mẹ đang cần sự cưu mang, giúp đỡ nhưng điều kiện hiện nay của phòng giáo dục huyện chưa thể đón hết các em về đây được”.

Qua tìm hiểu về hoàn cảnh của 15 em nhỏ mồ côi, chúng tôi được biết, cha mẹ các em đều chết do ma túy và bệnh AIDS. Toàn tỉnh có khoảng 45 vạn dân nhưng Điện Biên có đến gần 8 nghìn người nghiện ma túy. Đây chưa hẳn là con số chính xác khi mà tỉ lệ người nghiện hút vẫn gia tăng hàng năm ở các đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng cao. Hiện, Điện Biên đang là tỉnh có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS đứng đầu cả nước, với hơn 5.800 người. Nếu theo cách tính của các giáo sư, bác sĩ tại hội nghị phòng, chống HIV/AIDS thì cứ 1 người nhiễm HIV được phát hiện sẽ có thêm ít nhất 2 đến 3, thậm chí là 5 người bị nhiễm theo. Như vậy, nếu nhân với cấp độ 3 thì toàn tỉnh Điện Biên ước có khoảng gần 18 nghìn người nhiễm HIV/AIDS.

Sở dĩ tỉnh Điện Biên có tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao như vậy là do thói quen hút thuốc phiện của người dân tộc thiểu số từ nhiều đời nay. Nếu có dịp đến với các bản làng vùng cao của Điện Biên, bạn sẽ rất khó tìm ra được một gia đình người Mông không có người nghiện ma túy. Thậm chí, nhiều gia đình có đến 3-4 thế hệ cùng làm bạn với bàn đèn (dụng cụ dùng để hút thuốc phiện). Bởi vậy người Mông nơi núi cao đã dành phần lớn diện tích nương rẫy trồng cây thuốc phiện. Đàn ông chỉ ngày ngày làm bạn với thuốc phiện. Cái ăn, cái mặc cho gia đình, con cái đổ hết lên đôi vai của những người đàn bà. Hết gạo, hết sắn, họ phải vào rừng tìm củ mài, rau rừng sống qua ngày. Từ khi chính phủ có chủ trương cấm trồng cây thuốc phiện thì người nghiện nơi đây bắt đầu biết đến tiêm chích. Khi xưa, thuốc phiện là thứ trồng ra được. Bây giờ muốn thỏa mãn cơn nghiện thì phải mua bằng tiền. Bởi vậy, khi cơn nghiện lên, người ta sẵn sàng đánh đổi cả miếng ăn của con cái để lấy thuốc. Bản làng đã nghèo nay càng thêm nghèo. Nếu có một cuộc thống kê về tỉ lệ trẻ em đói và suy dinh dưỡng thì có đến 90% trẻ em vùng cao nằm trong số đó. Đây cũng chính là khởi đầu cho căn bệnh HIV/AIDS sinh sôi. Và số lượng trẻ mồ côi cứ tăng lên hàng ngày.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đa số người dân vùng cao không hề biết đến các biện pháp phòng tránh thai, phòng ngừa sự lây nhiễm HIV từ những người nghiện ma túy. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu (tiêm chích) ở tỉnh Điện Biên chiếm tới 77,4% và tập trung ở nam giới. Kết quả giám sát trọng điểm trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 42,5%.

Một thực tế rất đau lòng là hiện nay số phụ nữ dân tộc thiểu số bị nhiễm HIV/AIDS ngày một tăng nhanh, do lây nhiễm từ chồng. Thế nhưng, ngay cả khi chết đi, hoặc khi sắp chết họ cũng không biết mình bị mắc bệnh gì (?). Và cứ người chồng này chết đi, họ lại lấy chồng khác một cách dễ dàng. Bởi đa phần đàn ông nơi đây đều là những người nghiện ma túy và nhiễm HIV. Rồi những đứa trẻ cứ lần lượt nối tiếp nhau ra đời mà bố mẹ chúng không hề biết rằng con mình đã bị nhiễm HIV. Khi cha mẹ chết đi thì chúng trở thành kẻ bơ vơ, không chỉ đói ăn mà còn một mình chống chọi với căn bệnh HIV như em Tòng Thị Hảo.

Thầy giáo Hoàn nói trước khi chia tay chúng tôi: Hiện nhà nước mới chỉ có chính sách xây dựng làng trẻ SOS tại các tỉnh, thành phố và tại các trung tâm lớn. Như trường hợp của 15 em nhỏ này, Phòng giáo dục huyện mới xin được chế độ cho mỗi em là 120 ngàn đồng/tháng. Số tiền này dù có ăn cơm với muối thì cũng không đủ cho các em sống qua ngày, bởi các em ăn rất khỏe. Hiện các em đang sống nhờ sự cưu mang của các nhà hảo tâm. Nếu như có một chính sách cụ thể đối với trẻ mồ côi nơi vùng cao thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều các em nhỏ khác trên khắp các rẻo núi cao, được đến trường, được cứu sống. Qua bài viết này, rất mong các nhà hảo tâm đoái hoài đến số phận của 15 trẻ mố côi này.

Top