Những điều cần biết về thuốc an thần gây ngủ (BENZODIAZEPINE)

05/01/2012 08:10

Benzodiazepine là một nhóm gồm các thuốc thuộc nhóm an thần nhẹ thường được gọi tắt là “benzo”. Những loại thuốc này thường được các bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân có vấn đề lo âu và khó ngủ. Có khoảng 30 loại thuốc Benzodiazepine (gọi là các thuốc gốc). Mỗi loại thuốc này được bán với tên một vài biệt dược khác nhau, thực ra cùng là một loại, nhưng được sản xuất bởi các công ty dược khác nhau. Thuốc thường được sản xuất dưới dạng viên hoặc dạng con nhộng.

Một số benzo thường được người dùng heroin sử dụng như seduxen, thường được gọi là “sen”. Một số người lạm dụng thuốc an thần, nghĩa là sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ (sử dụng liều cao hơn chỉ định của bác sĩ, hoặc tự ý sử dụng mà không có đơn của bác sĩ). Một số người dùng heroin sử dụng thêm cả benzo để tăng hiệu quả của heroin. Lạm dụng benzo rất nguy hiểm vì người dùng có nguy cơ sốc thuốc quá liều, chính vì vậy, việc sử dụng các thuốc này cần phải được kiểm soát.

Trong bảng dưới đây là một vài ví dụ về tên thuốc gốc và tên biệt dược của nhóm Benzodiazepine này:

Tên thuốc

Tên hãng

Diazepam

Valium, Ducene, Antenex, Seduxen

Oxazepam

Serepax, Murelax, Alepam

Nitrazepam

Mogadon, Alodorm

Temazepam

Euhypnos, Normison, Temaze

Lorazepam

Ativan

Flunitrazepam

Rohypnol, Hypnodorm

Bromazepam

Lexotan

Clonazepam

Rivotril

Thuốc an thần gây ngủ được sử dụng làm gì?

Các loại Benzo làm chậm các hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương. Các thuốc này được sử dụng trong y tế với tác dụng giảm lo lắng, giúp bệnh nhân ngủ tốt hơn và có thể thư giãn cơ thể. Chỉ được sử dụng Benzodiazepine khi có đơn của bác sĩ và dùng trong một thời gian ngắn. Nguyên tắc điều trị này cần được tuân thủ để ngăn ngừa bệnh nhân có thể trở nên lệ thuộc vào thuốc chỉ sau một thời gian ngắn, thậm chí chỉ 4 tuần sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. (Xem phần dung nạp và lệ thuộc).

Dung nạp và lệ thuộc

Bất cứ ai cũng đều có thể có hiện tượng dung nạp với benzo cũng như các chất gây nghiện khác. Dung nạp có nghĩa là phải liên tục tăng liều để có thể đạt được cảm giác “phê” mà trước đây đã có thể đạt được chỉ với một liều dùng nhỏ. Quá trình dung nạp này diễn ra nhanh chóng đối với người sử dụng thuốc benzo.

Lệ thuộc benzo có nghĩa là nó luôn luôn hiện hữu trong ý nghĩ, tình cảm và mọi hoạt động của người sử dụng. Việc ngừng sử dụng hoặc kiểm soát liều dùng trở lên vô cùng khó khăn. Lệ thuộc có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau, từ sức khỏe, tiền bạc, pháp luật, công việc đến các mối quan hệ xã hội.

Không phải tất cả những ai đã từng sử dụng benzo đều lệ thuộc vào thuốc. Tuy nhiên, việc lệ thuộc vào thuốc dễ dàng xảy ra, thậm chí chỉ trong vòng 4 tuần sử dụng.

Tác động của Benzodiazepine

Các loại benzo khác nhau sẽ có những tác động khác nhau lên cơ thể và theo mức độ thời gian khác nhau.

Một số người sử dụng loại thuốc an thần này đồng thời với heroin, rượu hoặc các loại chất gây nghiện khác. Việc sử dụng kết hợp như vậy rất nguy hiểm vì dễ gây sốc thuốc, có trường hợp dẫn tới tử vong. (Xem “Quá liều và sốc thuốc”).

Thuốc an thần được sản xuất ở dạng viên để bệnh nhân sử dụng theo đường uống. Vì vậy, nếu tiêm chích sẽ gây tổn thương ven nghiêm trọng, gây nên hoại tử chi - mất tay, chân do tắc mạch máu, tổn thương nội tạng và tắc mạch máu não.

Tác động của benzo đối với người dùng phụ thuộc vào các yếu tố sau:

- Liều lượng sử dụng (bao nhiêu viên);

- Chiều cao, cân nặng của người dùng;

- Tình trạng sức khỏe của người dùng;

- Tình trạng tâm lý của người dùng;

- Trải nghiệm sử dụng thuốc trước đây của họ;

- Họ có sử dụng thuốc an thần với các loại chất gây nghiện khác không;

- Sử dụng một mình hay với người khác, hoặc nhiều người khác, sử dụng ở nhà hay ở chỗ tiệc tùng;

- Cách sử dụng (theo đường uống hay tiêm chích).

Sử dụng thuốc an thần với rượu hay các chất gây nghiện khác rất nguy hiểm

Tác động tức thì

Tác động của thuốc benzo có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày, phụ thuộc vào loại thuốc benzo được sử dụng. Tác dụng tức thì của thuốc làm cho người sử dụng:

- Cảm thấy thư giãn;

- Cảm thấy buồn ngủ, ngủ và mệt mỏi;

- Giảm sinh lực;

- Cảm thấy lẫn lộn hoặc chóng mặt;

- Cảm giác thực sự sảng khoái;

- Tâm trạng thay đổi/dao động;

- Nói líu lưỡi, nói không rõ lời, nói lắp;

- Mất khả năng xác định được khoảng cách và cử động chính xác;

- Nhìn không rõ, hoặc nhìn một thành hai;

- Không nhớ được những sự việc dù vừa mới xảy ra.

Việc sử dụng kết hợp liều benzo rất cao với các loại ma túy khác có thể dẫn đến tình trạng hôn mê và tử vong.

Hậu quả lâu dài

Nếu sử dụng benzo thường xuyên và lâu dài sẽ làm cho người sử dụng:

- Trở nên thờ ơ, không còn nhiệt tình, hoặc quan tâm đến những việc thường ngày vẫn làm;

- Dễ nổi cáu;

- Đau bụng, khó chịu;

- Đau đầu;

- Gặp ác mộng;

- Mất dần ham muốn hoặc ảnh hưởng đến khả năng tình dục;

- Nổi mẩn ngứa;

- Cảm thấy đói và tăng cân;

- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (đối với nữ);

- Bị trầm cảm.

Cách sử dụng thuốc benzo cũng có thể gây ra một số vấn đề:

- Tiêm chích benzo dạng viên hoặc con nhộng là loại chỉ dùng để uống chứ không phải để tiêm chích có thể gây tổn thương ven nghiêm trọng, từ đó dẫn đến mất chi – hoại tử chân, tay do tắc mạch, tổn thương các cơ quan bộ phận cơ thể, hoặc gây tắc mạch máu não;

- Sử dụng đồng thời benzo với các loại thuốc an thần ức chế thần kinh trung ương khác như rượu, heroin, methadone, hoặc một số các thuốc được kê đơn khác rất nguy hiểm. Việc sử dụng kết hợp như vậy có thể gây bất tỉnh, ngưng thở, làm cho người sử dụng rơi vào trạng thái hôn mê sâu và có thể tử vong;

- Tiêm benzo bằng các dụng cụ đã sử dụng, hoặc dụng cụ bẩn làm tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan B, C, HIV, nhiễm trùng máu (vi khuẩn ào ạt xâm nhập theo dòng máu đến các cơ quan trong cơ thể) và áp xe da. Vì vậy, để tránh các nguy cơ này, KHÔNG BAO GIỜ sử dụng chung các dụng cụ tiêm chích (bơm và kim tiêm), thìa, hũ, bông lọc, băng,v.v…

Khi được bác sĩ kê đơn benzo, hãy nói cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng để họ có thể điều chỉnh liều cho phù hợp. làm như vậy sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ các thuốc tương tác với nhau.

Hội chứng cai/cắt cơn

Nhiều người lệ thuộc vào thuốc benzo thấy rằng việc cố gắng ngưng sử dụng, hoặc giảm liều dùng là rất khó khăn do xuất hiện các hội chứng cai, tức là các biểu hiện khó chịu xuất hiện do ngưng sử dụng đột ngột. Hội chứng cai có thể gây nguy hiểm. Vì vậy muốn ngừng sử dụng thuốc, người sử dụng cần phải có sự hỗ trợ và giảm liều từ từ nếu trước đó đã sử dụng benzo thường xuyên hoặc sử dụng liều cao.

Các biểu hiện của hội chứng cai bao gồm:

- Co giật;

- Khó ngủ;

- Lo lắng, hồi hộp, hoặc căng thẳng;

- Lẫn lộn và trầm cảm;

- Cảm giác lo sợ, hoặc nghĩ rằng người khác muốn làm hại mình;

- Hoảng sợ và cảm thấy vô cùng lo lắng;

- Xa lánh, không muốn gần gũi với những người khác;

- Nhạy cảm hơn hoặc cảm giác thay đổi (ví dụ như cảm thấy mọi âm thanh nghe đều lớn hơn bình thường);

- Chân tay run rẩy;

- Đau, chuột rút, co cứng cơ, đau cơ;

- Triệu chứng giống như mắc cảm cúm;

- Đối với phụ nữ, kinh nguyệt nhiều hơn và đau ngực.

Quá liều và sốc thuốc

Quá liều là tình trạng xảy ra khi liều dùng vượt quá khả năng dung nạp của cơ thể. Nếu chỉ sử dụng đơn thuần thuốc benzo thì hiếm khi xảy ra quá liều benzo, nhưng nếu sử dụng kết hợp với các chất gây nghiên khác như rượu, heroin, hoặc methadone, thì dễ xảy ra sốc thuốc và tử vong. Các dấu hiệu của sốc thuốc quá liều bao gồm:

- Không thể đánh thức được;

- Hôn mê;

- Thở rất chậm;

- Nhịp tim rất chậm;

- Da lạnh, ẩm;

- Môi tím tái.

Khi ai đó bị sốc thuốc, người bên cạnh cần phải tỉnh táo và thực hiện những thao tác sau:

- Gọi ngay cấp cứu 115 đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời;

- Luôn ở bên cạnh nạn nhân;

- Cố gắng bình tĩnh, không hoảng sợ;

- Tìm cách giữ cho nạn nhân tỉnh, dìu nạn nhân đi lại, nói chuyện với nạn nhân, lay, gọi tên nạn nhân;

- Nếu bệnh nhân bất tỉnh, kiểm tra xem nạn nhân có còn thở không. Việc quan trọng là phải làm thông thoáng đường thở cho nạn nhân;

- Nếu bệnh nhân đã ngưng thở, hỗ trợ thở bằng cách thổi vào miệng nạn nhân (hô hấp nhân tạo). Nếu ngừng tim, phối hợp hô hấp nhân tạo với xoa bóp tim ngoài lồng ngực;

- Khi bệnh nhân có thể tự thở trở lại, đặt nạn nhân nằm nghiêng theo tư thế hồi sức, chờ xe cấp cứu đến.

Benzo và mang thai

Benzo được sử dụng trong quá trình mang thai có thể đi qua rau thai vào thai nhi và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Trẻ sinh ra từ bà mẹ sử dụng benzo dễ mắc các vấn đề như:

- Hay ốm đau trong một vài tuần đầu, hoặc lâu hơn;

- Có các dấu hiệu của hội chứng cai sau khi được sinh ra vì không còn nhận được thuốc an thần từ máu của người mẹ. Các biểu hiện bao gồm khó thở, khó bú, kém điều hòa nhiệt độ cơ thể, và kém điều hòa trương lực cơ;

Phụ nữ mang thai đang sử dụng thuốc benzo cần thông báo cho bác sĩ biết họ đang sử dụng loại thuốc nào để được hỗ trợ trong việc chăm sóc thai nhi và trẻ sau khi sinh.

Phụ nữ mang thai không nên sử dụng thuốc an thần

Sử dụng benzo và Luật pháp

Benzo được sử dụng trong y tế vì mục đích điều trị. Sử dụng benzo theo đơn của bác sĩ là hợp pháp. Tuy nhiên lạm dụng benzo, nghĩa là sử dụng không theo đơn của bác sĩ hoặc sử dụng quá liều chỉ dẫn của bác sĩ, là bất hợp pháp và có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho sức khỏe. Do đó, việc sử dụng benzo phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Bênh nhân phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ. Các hiệu thuốc chỉ bán benzo cho những bệnh nhân có đơn bác sĩ theo quy định.

Sử dụng thuốc an thần và điều khiển phương tiện giao thông

Thuốc an thần benzo làm ức chế hoạt động của não bộ và cơ thể, vì thế, nếu đang bị tác động bởi benzo, người điều khiển các phương tiện giao thông như lái ô tô, xe máy… có thể gây tai nạn, hay gặp nguy hiểm.

Top