Những câu chuyện đời cảm động kể bằng hình ảnh

15/12/2011 10:13

Có những giọt nước mắt khi chứng kiến những câu chuyện cuộc đời được kể bằng hình ảnh của các nhân vật trong cuộc đối thoại đầy vật vã giữa cơn say ma túy với cuộc sống đời thường. Đó là cuộc đấu tranh giằng xé của những người từng lạc lối trong cuộc hành trình trở về từ cõi u mê…

Trở lại với đời thường (Ảnh: Phạm Hoài Thanh)

50 câu chuyện của 50 nhân vật đã và đang nghiện ma túy ấy được kể nhân dịp kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống ma túy (26/6). Hơn 200 bức hình trong gian phòng 29 Hàng Bài, Hà Nội bắt đầu được trưng bày từ 21/6 tới 26/6 trong một triển lãm mang tên “Đối thoại với ma túy.”

Chuyện về 50 cảnh đời

Với mong muốn góp một phần vào công cuộc đấu tranh với ma túy, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh cùng 50 “cộng sự” đặc biệt của mình đã dành hơn một năm để thực hiện cuộc triển lãm ảnh đầu tiên về cuộc sống của những người nghiện ma túy.

Câu chuyện của họ đề cao sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, ghi nhận tác động và hiệu quả của các chương trình truyền thông thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý, trao đổi bơm kim tiêm và điều trị nghiện bằng methandone… và đặc biệt là phong trào tự nguyện của những người sử dụng ma túy.

Qua ống kính của Hoài Thanh, dưới hình thức đối thoại, các nhân vật kể về những vấn đề họ phải đương đầu và những đóng góp của chính họ vào công cuộc phòng chống, giảm thiểu tác hại của ma túy.

“Chuyện được kể ra, không phải để biện hộ cho những quyết định từng là sai lầm, hay đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Những thông tin từ nhiều góc độ trong bộ ảnh hy vọng sẽ đem lại cho người xem cái nhìn rõ ràng, khách quan hơn về vấn đề nóng bỏng này của xã hội và góp phần tác động đến thái độ và cách ứng xử đối với những người đang trực tiếp bị ảnh hưởng bởi ma túy,” Phạm Hoài Thanh chia sẻ.

Chính những người trong cuộc cũng rất xúc động khi được là một phần trong câu chuyện kể mang ý nghĩa nhân văn ấy. Chị Hà Thị Nhâm rưng rưng nước mắt nói: “Tôi thực sự rất xúc động khi được là một nhân vật trong cuộc triển lãm và cuốn sách ảnh Đối mặt với ma túy."

Chị Nhâm kể, sau nhiều lần tái nghiện và cai nghiện thành công, khi chị trở về được với xã hội thì mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. "Có những lúc tôi tưởng rằng mình không thể vượt qua nổi, sẽ mãi mãi phải phụ thuộc vào ma túy. Nhưng thật sự may mắn đối với tôi khi không chỉ có nghị lực của bản thân mà tôi còn nhận được sự quan tâm của cộng đồng, của gia đình và các bạn”.

"Hiện nay tôi đang làm cho một nhóm tự lực ở Hà Nội, công việc của tôi là hỗ trợ và giúp đỡ những người đã và đang sử dụng ma túy…” chị Nhâm chia sẻ.

Không đơn độc

Nói về cuộc triển lãm ảnh đặc biệt này, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng bác sĩ Khuất Thị Hải cho biết, bộ ảnh “Đối mặt với ma túy” không chỉ góp phần làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sử dụng ma túy, mà còn động viên những người nghiện ma túy sống tích cực và để họ hiểu rằng, họ không đơn độc trong cuộc đấu tranh chống lại các tác động tiêu cực của ma túy.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XII Dương Ngọc Ngưu cũng đồng cảm: “Những người nghiện chính là nạn nhân của ma túy, họ cần được giúp đỡ, điều trị chứ không phải là trừng trị. Bằng chứng là năm 2008 Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng chống ma túy nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của phòng chống ma túy đồng thời ban hành một số đạo luật khác có liên quan nhằm đảm bảo sức khỏe của cộng đồng...”

Trong bối cảnh công tác phòng, chống ma túy đang được đẩy mạnh trên toàn quốc, Phó Cục trưởng cục Phòng chống tệ nạn Lê Đức Hiển bày tỏ tin tưởng vào sự hoàn lương của những con người từng một thời lầm lỡ. “Bằng sự chung tay của xã hội và cộng đồng và bản thân người nghiện thì họ vẫn có thể làm lại cuộc đời và giúp ích cho xã hội,” ông Hiển nói.

Giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Francis A.Donovan cho biết, chúng ta đều biết nhóm những người tiêm chích ma túy là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất của đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, chúng tôi đã và đang hợp tác với chính phủ Việt Nam để có thể phòng chống sự lây lan của HIV trong cộng đồng này.

Qua cuộc triển lãm, những người sử dụng ma túy cũng như gia đình của họ có thể nhìn vào những hình ảnh đó để thấy rằng họ không đơn độc. Họ có thể nhìn thấy rất nhiều những số phận như mình, những câu chuyện cuộc đời như mình ở trong cuộc chiến đấu với ma túy và đã vượt qua.

“Điều quan trọng cuốn sách này sẽ dành cho những người còn chưa biết đến những tác hại của việc sử dụng chất ma túy thấy được phần nào những thử thách, khó khăn của người đã sử dụng ma túy ở Việt Nam đang gặp phải và trải qua... Từ đó tránh xa ma túy. Có thể nói đây là những hình ảnh rất có ý nghĩa mà nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh đã thực hiện được,” ông Francis A.Donovan nói. 

Top