Nhìn lại một năm 'nóng' trong công tác phòng chống ma tuý

08/01/2020 14:23

Không chỉ "nóng bỏng" trên mặt trận đấu tranh của các lực lượng chức năng, ma tuý cũng là vấn đề "nóng" trong dư luận xã hội cũng như nghị trường Quốc hội, kỳ họp HĐND các địa phương trong năm vừa qua.

Ảnh minh hoạ

Vấn nạn ma tuý đã tồn tại từ lâu không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới. Trong năm 2019, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn ma tuý ở nước ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiểm họa ma túy lại có dấu hiệu bùng nổ và nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nhiều người cảm thấy bàng hoàng khi số lượng ma túy buôn bán hiện nay không còn tính theo kg như trước đây mà lên tới hàng tấn, các chủng loại ma túy hết sức đa dạng, xuất hiện nhiều loại ma túy mới mà chưa kịp cập nhật để đưa vào diện xem xét, xử lý. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng nhiều, len lỏi trong nhiều tầng lớp xã hội, các tụ điểm quán bar, karaoke thậm chí là nhà nghỉ, khách sạn cũng trở thành nơi tổ chức sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều băn khoăn trong công tác cai nghiện và quản lý người nghiện… đòi hỏi công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và công tác cai nghiện ma tuý cần quyết liệt hơn nữa..

Nóng bỏng mặt trận đấu tranh với tội phạm ma tuý

Năm 2019 - một năm có thể nói là hết sức khốc liệt trên trận tuyến đấu tranh với tội phạm ma túy. Những chuyên án lên tới cả nghìn bánh heroin, lượng ma túy tổng hợp bị bắt giữ, tăng gấp 5 lần so với năm 2018 đã cho thấy, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, trong năm 2019, lực lượng Công an đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 23.328 vụ, với hơn 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy. Thu giữ hơn 1.222 kg heroin; 6.253 kg 1.053.099 viên ma túy tổng hợp, hơn 614 kg thuốc phiện và 768 kg cần sa. Đáng lưu ý là số lượng ma túy tổng hợp tăng đột biến, cao hơn gấp 5 lần so với năm 2018, là năm thu giữ lượng ma túy nói chung, ma túy tổng hợp nói riêng lớn nhất từ trước đến nay.

Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng mạnh, nhất là ma túy tổng hợp (MTTH). Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy trái phép với số lượng rất lớn.

Sở dĩ có tình trạng như vậy do đây là tuyến chịu tác động trực tiếp của tình hình sản xuất, mua bán trái phép ma túy từ khu vực “Tam giác vàng”; dọc tuyến biên giới còn tồn tại nhiều “điểm nóng” về ma túy và tội phạm ma túy có xu hướng dịch chuyển mạnh sang các địa bàn miền Trung, Tây Nguyên, nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn được thiết lập có sự cấu kết của các đối tượng người Việt Nam với các đối tượng người nước ngoài.

Khu vực phía Nam, nhất là tại địa bàn TPHCM, tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến đặc biệt phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy của Việt Nam trong năm qua.

Xuất hiện tình trạng các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, chính sách thuận lợi của nhà nước đối với thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu với danh nghĩa là du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng rất lớn. Đáng chú ý, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động của các doanh nghiệp để “núp bóng” tổ chức sản xuất trái phép MTTH.

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia, tuyến đường hàng không vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.  Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, đây là tuyến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động mạnh, do phạm vi rộng và hết sức khó khăn trong việc kiểm soát.

Quyết liệt dẹp ma tuý “núp bóng” cơ sở kinh doanh dịch vụ

Cũng trong năm 2019, tình hình tổ chức sử dụng và chứa chấp sử dụng trái phép ma túy tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, đáng chú ý nổi lên là tình trạng tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng trái phép các chất MTTH tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, dịch vụ nhạy cảm có chiều hướng gia tăng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là mức xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều cơ sở sẵn sàng chấp nhận phạt để tồn tại. Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện mình quản lý sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Số tiền phạt này chẳng thấm vào đâu so với mức thu nhập mà hoạt động kinh doanh mang lại. 

Tuy nhiên, qua hơn một năm thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về tập trung phòng ngừa, đấu tranh với tình trạng lợi dụng cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm để tổ chức sử dụng ma túy trên bình diện toàn quốc đã đạt được những kết quả nhất định. Công an các địa phương đã đồng loạt ra quân triệt phá nhiều tụ điểm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, qua kiểm tra nhanh số người dương tính với ma túy lên đến con số hàng trăm.

Điển hình như Công an tỉnh Quảng Ninh, đến tháng 11/2019, đã khởi tố tổng số 14 vụ, hàng chục đối tượng liên quan đến “ma túy vũ trường”, đặc biệt là đã khởi tố được nhiều đối tượng, trong đó có cả chủ cơ sở về các tội danh mua bán, tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Tại TPHCM, lãnh đạo TPHCM cũng đã cho thí điểm lắp camera ở quận 1, quận 3 trong quán bar, vũ trường để giám sát việc sinh hoạt trong các cơ sở này; tăng cường các giải pháp kiểm tra, quản lý. Công an TPHCM đã phối hợp tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý nhiều vụ. Có trường hợp đã xử lý hình sự tội chứa chấp sử dụng ma túy, chứ không chỉ xử lý hành chính hành vi sử dụng ma túy. 

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 (có hiệu lực từ tháng 9/2019) quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường (thay cho Nghị định số 103/2009/NĐ-CP về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng) hứa hẹn mang đến những chuyển biến tích cực, lành mạnh hóa dịch vụ này. Theo các nhà quản lý, Nghị định 54 đã quy định các biện pháp, chế tài đủ mạnh để quản lý như yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục vi phạm hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh. 

Ngáo đá gây án, lái xe sử dụng ma tuý gây nhức nhối dư luận

Năm 2019 cũng ghi nhận việc xuất hiện nhiều chất ma túy cực mạnh mới có ở Việt Nam. Theo đó, nhiều chất ma túy chưa có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73 của Chính phủ. Có những chất như metinphenildat, FUV144 có tác dụng gây ảo giác cực mạnh lần đầu tiên phát hiện ở nước ta. Đáng sợ hơn nữa, bằng thủ đoạn tinh vi, thủ phạm còn sử dụng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sau khi uống vào cơ thể viên nén giải phóng ra chất ma túy.

Tình trạng sử dụng trái phép MTTH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tâm sinh lý người sử dụng, nhiều người sử dụng MTTH trong thời gian dài dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi (ngáo đá) gây ra các vụ án mạng, tai nạn giao thông hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến TTATXH.

Đặc biệt là vấn đề tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây ra cũng đang gây nhức nhối trong dư luận. Đây là vấn đề mới trong hoạt động của các loại tội phạm. Số vụ án những người tâm thần, sử dụng ma túy dẫn đến ngáo đá có tăng lên trong thời gian qua. Điểm chung của các vụ án này là sự việc diễn ra bất ngờ, không thể lường trước được, đối tượng hành vi gây án thường có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thiết với nạn nhân như con giết cha, mẹ; anh, chị, em giết nhau; vợ giết chồng…Qua khảo sát, người bị bệnh tâm thần có khả năng gây án cao khoảng 6-7 lần người bình thường, tập trung ở dạng tâm thần phân liệt, tâm thần hoang tưởng, tâm thần trầm cảm.

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019 của Ban chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an luôn xác định “ma túy là tội phạm của các loại tội phạm”, khi đối tượng nghiện ma túy đã lên cơn nghiện thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để có ma túy sử dụng. Điều đáng lo ngại hiện nay là số lượng người nghiện ma túy ở Việt Nam tiếp tục gia tăng, mỗi năm khoảng 5.000 người. Một phần lớn số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội, làm nhân dân rất lo lắng và bất an. Nhưng chính gia đình người nghiện ma túy lại cũng là những người lo lắng và bất an nhất khi không biết điều gì đang xảy ra với gia đình mình.

Điển hình như vụ đối tượng Hoàng Văn Chín giết 5 người trên Thái Nguyên, đây là đối tượng nghiện ma túy, đang thực hiện quyết định của UBND xã về việc thực hiện cai nghiện tại gia đình. Song việc gia đình quản lý rất khó khăn.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa đối với người nghiện. Bộ Công an đã đề nghị Bộ LĐTB&XH tham mưu Chính phủ chỉ đạo tổng kết đánh giá các hình thức cai nghiện hiện nay theo tinh thần Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị, từ đó đề xuất các hình thức cai nghiện hiệu quả nhất, nhất là coi trọng hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung.

Trong khi chờ tổng kết công tác tìm ra giải pháp mới, Bộ Công an đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp có biện pháp quản lý chặt chẽ người nghiện đang ở ngoài xã hội nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm.

Đối với lái xe sử dụng ma tuý cũng đặt ra vấn đề trong việc kiểm tra sức khoẻ tài xế; các cơ quan chức năng liên ngành lập chốt chặn trên đường kiểm tra, xử lý tài xế sử dụng ma túy; tăng chế tài xử phạt; trách nhiệm cụ thể của các đơn vị chủ quản, chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế nghiện ma túy...

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, mức độ xử phạt  đối với người điều khiển xe ô tô và xe máy mà trong cơ thể có chất chất ma tuý được tăng gấp đôi so với trước đây. Cụ thể, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đối với xe mô tô, xe gắn máy, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Xem xét hình sự hoá hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý

Nghị trường Quốc hội và kỳ họp HĐND các địa phương trong vừa qua đã không ít lần sôi sục vì vấn nạn ma túy. Dù Quốc hội không bàn về việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy trong năm nay nhưng chủ đề này lại được các đại biểu liên tục đề cập đến.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng vấn nạn ma túy trở nên nghiêm trọng và đáng báo động như hiện nay. Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất chính là do sự thay đổi trong quy định của pháp luật về hình sự, chúng ta không còn xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Khi người sử dụng ma túy không phải là tội phạm, thủ tục đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, nhất là đối tượng đưa vào trại cai nghiện ma túy rất rườm rà, phức tạp, khó thực hiện.

Việc xử lý hành chính đối với hành vi sử dụng chất ma túy hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện theo trình tự thủ tục quá chặt chẽ và mất nhiều thời gian. Điều này dẫn đến việc xử lý chậm trễ, đối tượng vẫn sống trong cộng đồng và gây nguy hiểm cho xã hội.

Từ đó, rõ ràng khi nhìn nhận tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm trong bối cảnh hiện nay, rất cần thiết phải xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 4/6/2019, Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận, hiện nay có những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, trong đó quy định người sử dụng ma túy không phải tội phạm bị xử lý hình sự theo Điều 199 của Bộ luật Hình sự trước bây giờ đã bỏ ra ngoài, gián tiếp gây ra sự phức tạp khi xử lý với đối tượng này. Đồng thời nhấn mạnh sẽ sẽ tổng kết và đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy của Quốc hội, trong đó có quy định về tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Về lộ trình nghiên cứu sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính về xử lý tội phạm này, Bộ Công an đang báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội lộ trình sẽ xây dựng vào năm 2020. Kế hoạch sẽ đưa ra tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, dự kiến thông qua sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 đầu năm 2021.

Top