Nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất của TP.HCM về công tác cai nghiện

31/10/2014 14:17

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi Quốc hội kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Đã có nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và cả của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên ủng hộ đề xuất này.

Đề xuất áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện

Theo Đoàn ĐBQH TP.HCM, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, quy định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định, nhưng khi thực hiện rất khó khăn nên đến nay chưa thực hiện được.

Số người nghiện ma túy ở TP.HCM đến nay là 19.000 người, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó có hơn 60% từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý. Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc… còn phức tạp.

Khám chữa bệnh tại Trung tâm cai nghiện

Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3 - 6 tháng. Tiếp đó, nếu không được thì giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho tòa án quyết định… Trong khi đó, gia đình của người nghiện không cư trú ở thành phố, còn “tổ chức xã hội” lại không quy định là tổ chức nào hay phải thành lập ra một tổ chức mới. Từ đó, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm.

Do đó, Đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nghiên cứu, xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại TP.HCM.

Về kiến nghị Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có các cuộc họp thảo luận về vấn đề này, từ đó kiến nghị Quốc hội cho phép TP.HCM quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.

Đây là vấn đề hết sức cấp bách, vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là “bước đệm” quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân.

Nhiều ý kiến ủng hộ

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, nghiện ma túy được xác định là bệnh lý, tuy nhiên từ bệnh lý lại sinh ra tội phạm. Vì vậy, những người nghiện phải được quản lý, để ngăn chặn những hành vi trộm cắp, phá hoại, gây thương tích cho xã hội.

“Với kiến nghị của TP.HCM, tới đây các cơ quan chức năng phải ngồi với nhau để xử lý một phương pháp thực thi. Về mặt pháp luật, tôi nghĩ các cơ quan chức năng sẽ cơ bản ủng hộ. Vấn đề là bàn cách thức tổ chức thực hiện ra sao để bảo đảm nhanh gọn, không trái luật. Có thể ngay trong kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đứng ra làm trung gian để mời các cơ quan chức năng thảo luận về kiến nghị của TPHCM.”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở cho rằng, thực tiễn các cơ quan thực thi pháp luật rất khó khăn trong vấn đề xử lý cai nghiện ma túy và giáo dục tại cộng đồng nên cần tính toán lại.

Theo ông Trương Văn Vở, từ tình hình thực tiễn, Quốc hội không cần phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính mà có thể có nghị quyết để điều chỉnh vấn đề này.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng cũng đồng tình với đề xuất của TP.HCM và cho rằng nếu thực thi kiến nghị đó thì không có gì ảnh hưởng đến vấn đề nhân quyền. Có một cơ chế để xử lý vấn đề cai nghiện sẽ tốt cho TP.HCM cũng như một số địa phương khác khi có quá nhiều người nghiện gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và làm người dân bất an.

“Phải làm thế nào để đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung với thủ tục đơn giản mà vẫn bảo đảm nhân quyền là một vấn đề không chỉ của riêng TPHCM mà còn cả ở Hà Nội.”- Đại ĐBQH Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho biết.

Trả lời báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng ủng hộ đề xuất của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM khi cho rằng đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung sớm là cách để bảo vệ họ.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, Thủ tướng đang chỉ đạo các ngành tiếp tục nghiên cứu về vấn đề của TP.HCM trong bối cảnh phải thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ tháng 1/1/2014. TP.HCM đã đề xuất trên tinh thần làm thí điểm, rồi tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm để chọn ra một mô hình phù hợp mà không phải sửa luật.

Top