Nhiều kết quả tích cực trong xây dựng xã, phường không ma túy

21/01/2016 10:33

Triển khai từ năm 2013, dự án Xây dựng xã, phường không ma túy (Chính phủ giao Bộ Công an là cơ quan quản lý dự án, trong đó chọn 12 xã, phường, thị trấn thuộc 6 địa phương là: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, An Giang làm thí điểm) đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuyên truyền vận động người dân tích cực đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy - Ảnh: Internet

Cụ thể, 20 lớp tập huấn được tổ chức cho trên 4.000 lượt cán bộ ở cơ sở các kiến thức cơ bản về tác hại của ma tuý, cách thức nhận biết người nghiện ma tuý, cây trồng có chứa chất ma tuý và các kỹ năng phòng chống ma túy (PCMT) ở địa phương. 19.000 cuốn hành sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác PCMT ở cơ sở được cấp phát cho các xã, phường, thị trấn trong cả nước. Đoàn kiểm tra công tác PCMT tại các địa phương được thành lập nhằm đánh giá kết quả đạt được và chỉ ra mặt hạn chế từ đó bàn cách tháo gỡ. Dự án có sự phối hợp thường xuyên giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ khâu chọn địa bàn, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cùng sự đầu tư thoả đáng về kinh phí đã tạo hiệu quả chuyển biến rõ rệt ở các địa bàn trọng điểm về ma tuý như: Phường Phương Lâm (TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình), phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) và phường An Hải Tây (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng).

Đặc biệt một số tỉnh còn đầu tư xây dựng mô hình “Huyện không có tệ nạn ma tuý” tại các huyện: Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) và Lạc Thuỷ (tỉnh Hoà Bình), đã góp phần làm giảm mức độ phức tạp của tệ nạn ma tuý trên địa bàn. Công an các tỉnh ký hợp đồng trách nhiệm với những đơn vị có liên quan, giao chỉ tiêu cụ thể trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người sau cai tái hoà nhập cộng đồng, tuần tra địa bàn, phá nhổ cây trồng chứa chất ma tuý nhằm xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, trường học không có tội phạm, tệ nạn ma tuý.

Chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền bằng việc gắn kết với các sinh hoạt đoàn thể, khu dân cư, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường. Các địa phương đã thu hút trên 2,5 triệu lượt người tham gia hoạt động mít tinh, ra quân  PCMT, cắt dán trên 46 triệu khẩu hiệu, băng rôn, phát hành 1,5 triệu tờ rơi, phát sóng 620.550 tin, bài tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở và động viên người dân ký cam kết xây dựng khu dân cư, trường học, gia đình không có tệ nạn ma tuý.

Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn kiện toàn tổ công tác cai nghiện ma tuý, phân công trách nhiệm cho tổ viên tham gia tư vấn, giúp đỡ người sau cai phục hồi sức khỏe, nhân cách để tái hòa nhập cộng đồng. Điển hình như mô hình cai nghiện tại gia đình ở TP. Nam Định, cai nghiện theo cụm xã ở tỉnh Lào Cai, cảm hóa giúp đỡ người nghiện tại phường Cẩm Phố, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, cai nghiện tại cộng đồng kết hợp với cai nghiện tại trung tâm của tỉnh Sơn La…

Điển hình, trong 5 năm qua, Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP. Hà Nội đã lập hồ sơ đưa 8.882/11.500 lượt người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, đạt 77,2% chỉ tiêu đề ra. TP. HCM lập hồ sơ đưa 14.105/20.188 người nghiện đi cai bắt buộc, 5.126 lượt người nghiện đưa vào quản lý, giáo dục tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy luôn được Công an các địa phương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp với Công an các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm địa bàn, theo dõi di biến động đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Qua đó, lực lượng Công an đã đấu tranh, triệt xóa 3.141 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Nhiều địa phương đã thành lập chốt tuần tra, canh gác, thiết lập 58.600 “hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy” và 4.783 “đường dây nóng” tiếp nhận kịp thời nguồn tin tố giác do người dân cung cấp.

Điển hình như tỉnh Sơn La duy trì nhóm liên gia tự quản về ANTT gắn với quản lý người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng, TP. Đà Nẵng với mô hình “Khu dân cư 3 không” (không tội phạm, không ma túy, không cờ bạc), mô hình “Khu dân cư an toàn về ANTT” ở tỉnh Thanh Hóa, hay tỉnh Bắc Giang có sáng kiến xây dựng Quy ước bảo vệ ANTT, duy trì hoạt động của tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, đội thanh niên xung kích làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở.

Ban chỉ đạo ở địa phương cử cán bộ xuống từng bản làng vận động các hộ gia đình ký cam kết không trồng và cung cấp thông tin tố giác đối tượng trồng loại cây này. Tính đến tháng 6/2015 có 22/63 tỉnh, thành phố không phát hiện tình trạng trồng cây có chất ma túy. Các địa phương đã phá nhổ, tiêu hủy trên 1,1 triệu m2 cây thuốc phiện và 129 nghìn m2 cây cần sa. Phát hiện 763 vụ trồng cây có chứa chất ma túy, trong đó xử lý hình sự 20 vụ, xử lý hành chính 476 vụ với số tiền phạt là 447 triệu đồng. Số vụ còn lại đều giải quyết theo hướng cảnh cáo, răn đe, yêu cầu người vi phạm ký cam kết không tái trồng.

Dự án Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy đã giúp một số địa phương có số địa bàn trọng điểm về ma tuý loại I và II giảm, số tụ điểm, điểm phức tạp về ma tuý được giải quyết dứt điểm tạo niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, mục tiêu giảm số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma tuý không đạt do số người nghiện ma tuý vẫn gia tăng hàng năm, trong khi hiệu quả công tác cai nghiện còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa đa dạng, hiệu quả mang lại chưa cao. Việc quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn bất cập, thiếu điều kiện vật chất và cán bộ có chuyên môn, việc hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người sau cai còn hạn chế. Tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện và cần sa tuy xảy ra không nhiều nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp...

Top