Người quản giáo “cứu” tử tù thoát án tử hình

18/01/2015 12:12

Bị kết án tử hình vì vận chuyển trái phép 2 bánh heroin trong một đường dây ma túy lớn, tử tù Nguyễn Thế Huệ (SN 1975), quê quán ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đợi ngày thi hành án. Và trong giây phút cuối cùng trước khi đi thi hành án tử, tử tù Nguyễn Thế Huệ đã bất ngờ xin khai ra đồng bọn, kẻ đứng sau và cũng là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành đường dây ma túy để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đến nay đã gần 15 năm trôi qua, nhưng câu chuyện về tử tù Nguyễn Thế Huệ vẫn khắc sâu trong tâm trí Thiếu tá Đặng Trọng Khánh, bởi chính ông là người quản giáo “tác động” tử tù này trong những ngày ở phòng biệt giam; và chính ông là người tử tù này xin được gặp trước lúc bị đưa đi thi hành án.

Thiếu tá Đặng Trọng Khánh

Linh cảm của người quản giáo

Khi chúng tôi tìm gặp, Thiếu tá Đặng Trọng Khánh đã nghỉ hưu ở cương vị Phó Giám thị Trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ An. Câu chuyện cũ, chính Thiếu tá Đặng Trọng Khánh là người đã trực tiếp đấu tranh, thức tỉnh lương tâm của tử tù Nguyễn Thế Huệ để y có đủ dũng khí khai ra kẻ đứng đằng sau đường dây ma túy lớn ngay trước thời khắc bị dẫn giải đi thi hành án; và cũng chính lời khai này đã làm thay đổi số mệnh của tử tù này khi Nguyễn Thế Huệ được xem xét giảm án.

Những ngày cuối cùng của thế kỷ trước, dãy buồng khu biệt giam Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An do Thiếu tá Đặng Trọng Khánh quản lý, khi đó ông mới mang quân hàm Đại úy, tiếp nhận một tử tù mới. Chuyện này không lạ với những cán bộ quản giáo như ông, bởi lẽ tử tù vào đây đợi đến ngày thi hành án phần nhiều phạm những tội liên quan đến ma túy. Nguyễn Thế Huệ cũng không phải ngoại lệ, y bị kết án tử hình vì tội vận chuyển 2 bánh heroin từ Lào về Việt Nam. Trong ký ức của Thiếu tá Đặng Trọng Khánh, tử tù mới là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ, vẻ mặt khắc khổ và đậm chất nông dân. Thời điểm đó, từ cán bộ điều tra đến các cán bộ quản giáo đều có sự nghi hoặc rằng Nguyễn Thế Huệ khó là kẻ chủ mưu trong vụ vận chuyển khối lượng ma túy lớn xuyên quốc gia thế này. Liệu Nguyễn Thế Huệ chỉ là một chân rết? Và còn ai nữa đứng đằng sau “điều hành”?...

Thiếu tá Đặng Trọng Khánh nhớ lại, những ngày đầu ở phòng biệt giam, như những tử tù khác, Nguyễn Thế Huệ cũng hoang mang, lo lắng và khủng hoảng tâm lý một cách trầm trọng, y tuyệt vọng đến không chịu ăn uống. Mặc dù các cán bộ quản giáo đã hết sức động viên nhưng Huệ vẫn im lặng, nhất mực không khai ra kẻ đứng đằng sau đã nhờ mình xách hàng. Nhiều ngày sau đó, Huệ vẫn tỏ ra ngang bướng, lì lợm, trước sau như một luôn khai rằng nhận xách hàng cho một người lạ mặt không quen biết. Nhưng là người có kinh nghiệm trông coi, tiếp xúc với tử tù được nhiều năm, Thiếu tá Đặng Trọng Khánh lúc đó đã có linh cảm rằng Nguyễn Thế Huệ không phải là kẻ chủ mưu. Và bước ngoặt “đánh” vào tâm lý tử tù này sau lần thăm gặp của người thân. Từ chỗ sợ hãi, Huệ đã dần bình tâm, tỏ ra vui vẻ, lạc quan trở lại. Sự thay đổi rõ rệt này không nằm ngoài sự quan sát của Thiếu tá Đặng Trọng Khánh, trong ông xuất hiện một câu hỏi, hẳn phải có một sự tác động nào đó rất lớn về phía gia đình mới khiến tử tù này có niềm tin vào sự sống đến như vậy? Có điều gì bất bình thường ở đây?...

“Đánh án” trong phòng biệt giam

Thời gian sau đó, tử tù Nguyễn Thế Huệ đã dần mở lòng hơn và kể với cán bộ quản giáo là Thiếu tá Đặng Trọng Khánh rất nhiều chuyện, từ gia đình đến quá trình sa ngã. Nguyễn Thế Huệ xuất thân từ gia đình nông dân, bản thân y có vợ và 3 đứa con nhỏ. Để có tiền nuôi con, vợ chồng Huệ ở nhà quần quật chăm lo mấy sào ruộng ngoài đồng nhưng vẫn bữa đói bữa thiếu không đủ để nuôi các con. Được người bà con giới thiệu, Huệ đã đưa ra một quyết định là xa gia đình khăn gói lên đường sang Lào làm thuê kiếm sống. Công việc phu hồ tại xứ người cũng chẳng nhàn nhã hơn là mấy, nhưng đổi lại vợ con Huệ ở nhà đã bớt nhọc nhằn hơn chuyện cơm ăn, áo mặc. Niềm vui của Huệ luôn lóe lên môi khi vào năm học mới không phải nơm nớp quay quắt tiền đóng học cho con, thế là y lại lao vào làm việc. Nhưng với tâm lý muốn giàu lên một cách nhanh chóng đã khiến Huệ sa chân vào ma túy và bị bắt, bị kết án tử hình… Tuy nhiên, mấu chốt ai đã lôi kéo Huệ vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam để đi vào “con đường chết” thì tuyệt nhiên y không hé răng nửa lời.

Và việc tử tù Nguyễn Thế Huệ không chịu khai nhận thêm đồng bọn đã gây khó khăn cho việc mở rộng điều tra của Ban chuyên án; và khi biết khó có thể khai thác thêm ở tử tù này để phục vụ công tác điều tra thì Hội đồng thi hành án đã quyết định đưa tử tù này ra pháp trường để thi hành án. Tuy nhiên, đúng lúc này có một “biến cố” xảy ra tác động mạnh đến tâm lý của tử tù Nguyễn Thế Huệ.

“Hôm đó hết thời gian thăm gặp, tử tù Nguyễn Thế Huệ trở về phòng biệt giam với đôi mắt đỏ hoe. Ngồi một mình trong phòng y khóc như một đứa trẻ” - Thiếu tá Đặng Trọng Khánh nhớ lại - “Chắc phải có chuyện gì khủng khiếp lắm đã xảy ra trong cuộc trò chuyện với người thân lúc thăm gặp mới khiến Huệ xúc động như vậy nên tôi đã vào tìm cách gợi chuyện và trấn an tâm lý để tránh cho tử tù có những suy nghĩ tiêu cực dẫn tới những hành động cực đoan”. Một lúc sau bình tĩnh hơn, Huệ kể vợ của y lặn lội từ huyện Đô Lương xuống Trại tạm giam thăm chồng, vay mượn được 200.000 đồng để xuống, mua được mấy gói mì tôm, ít cá xách theo thì đến bến xe TP Vinh do bất cẩn đã bị kẻ gian móc trộm mất 100.000 đồng nên không có tiền để đi xe ôm.

Thương chồng vợ của Huệ đã đi bộ đến trại giam để được gặp chồng. Trong lần gặp gỡ mà vợ chồng Huệ đã xác định là lần cuối cùng ấy, vợ Huệ đã khóc kể cho y câu chuyện là cả gia đình nhà chồng cho rằng chính chị là người đã “bán chồng” vào con đường chết khi nhận của người khác 70 triệu đồng để lôi kéo Huệ vào con đường ma túy. Huệ trở về phòng biệt giam và khóc, không ai khác chính Thiếu tá Đặng Trọng Khánh là người tử tù này trút hết nỗi lòng của mình.

Đến bây giờ, Thiếu tá Đặng Trọng Khánh vẫn nhớ như in lời hối lỗi của tử tù Nguyễn Thế Huệ rằng: “Con chết cũng chẳng sao nhưng để vợ con sống mà bị mang tiếng xấu là “bán chồng” lấy tiền, bị họ hàng xa lánh thì không “yên tâm” để chết. Hắn bảo con cứ nhận hết tội về mình, đằng nào cũng chết, nhưng chỉ một người chết thôi. Nếu con nhận hết tội, hắn sẽ cho vợ con 70 triệu đồng để lo cho các con ăn học tử tế. Con nhận hết tội về mình, cái chết cũng chuẩn bị nhận mà hắn nỡ lật lọng, tiền không đưa mà còn gieo tiếng ác cho vợ con”… Nhận thấy đây là thời cơ để Nguyễn Thế Huệ khai nhận ra kẻ chủ mưu đứng đằng sau đường dây ma túy này, Thiếu tá Đặng Trọng Khánh đã động viên Huệ khai ra sự thật để nhận được sự khoan hồng của pháp luật khi cái chết đang đến rất gần.

Lời nói cuối cùng 

Giờ phút thi hành án đối với tử tù Nguyễn Thế Huệ đã đến. Khi nhận lệnh, Thiếu tá Đặng Trọng Khánh đến mở cửa buồng giam khi trời vẫn còn tờ mờ sáng. Như biết trước chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, tranh thủ khi cán bộ quản giáo cúi xuống mở xiềng thì bất ngờ tử tù Nguyễn Thế Huệ nói nhỏ vào tai Thiếu tá Đặng Trọng Khánh: “Lát nữa thì khi Hội đồng thi hành án đọc quyết định cán bộ đến với tôi nhé”.

Như hiểu chuyện Thiếu tá Đặng Trọng Khánh gật đầu và không quên động viên, khích lệ Huệ. Sau bữa cơm cuối cùng, tử tù Nguyễn Thế Huệ được đưa ra pháp trường để chuẩn bị thi hành án. Khi được nói lời nói cuối cùng trước khi thi hành án, tử tù Nguyễn Thế Huệ xin được gặp cán bộ quản giáo Đặng Trọng Khánh. Yêu cầu này được đáp ứng. “Khi tôi đứng sau lưng tôi vẫn cảm nhận rất rõ đôi chân của Huệ đang run cầm cập. Cố gắng hít một hơi thật sâu, tử tù Nguyễn Thế Huệ xin khai ra kẻ đứng đằng sau đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam”, Thiếu tá Đặng Trọng Khánh nhớ lại. Ngay lập tức công tác thi hành án được dừng lại để lấy lời khai. Toàn bộ sự việc liên quan đến công tác thi hành án Nguyễn Thế Huệ đều được giữ bí mật.

Từ lời khai của Nguyễn Thế Huệ, cơ quan điều tra đã làm rõ kẻ đứng sau Huệ là đối tượng Lê Văn Luân. Thực tế lời khai của Huệ không gây bất ngờ cho cán bộ điều tra bởi từ lâu Lê Văn Luân đã được đưa vào tầm ngắm khi có dính líu đến ma túy, vàng và buôn lậu xe máy. Kẻ chủ mưu trong đường dây này đã bị bắt ngay sau đó, trong cuộc họp Ban Giám đốc mở rộng. Với việc có công lớn, khai ra tình tiết mới để khám phá thành công vụ án ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam, việc thi hành án đối với tử tù Nguyễn Thế Huệ được hoãn để chờ kết luận giảm án của Chủ tịch nước. Tuy nhiên khi chưa có quyết định về việc giảm án thì tử tù này đã mất vì bị phù tim. Ngày 20-12-2002, sau khi hoàn tất điều tra và truy tố, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt Lê Văn Luân mức án tử hình và bị xử tử tại Trường bắn Rú Mượu. 

Top