Người đàn ông trả giá đắt vì đi buôn ma túy

03/10/2020 09:43

Trước viễn cảnh được vẽ ra rằng chỉ mất một đoạn đường thôi là sẽ có một món tiền lớn tha hồ mua rượu và chi tiêu nên Mùa A Cơ, SN 1957, ở Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đã vui vẻ nhập hội. Theo đó, Cơ sẽ cùng hai kẻ cùng bản thực hiện một cuộc giao dịch mua bán ma túy từ một vị khách từ dưới xuôi lên đặt mua. Địa chỉ giao hàng là tại một nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Các phạm nhân đang cải tạo lao động ở xưởng khâu bóng. Ảnh: PL&XH

Trước viễn cảnh được vẽ ra rằng chỉ mất một đoạn đường thôi là sẽ có một món tiền lớn tha hồ mua rượu và chi tiêu nên Mùa A Cơ, SN 1957, ở Pa Chè,  xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, đã vui vẻ nhập hội. Theo đó, Cơ sẽ cùng hai kẻ cùng bản thực hiện một cuộc giao dịch mua bán ma túy từ một vị khách từ dưới xuôi lên đặt mua. Địa chỉ giao hàng là tại một nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Thế nhưng chuyến đi ấy của Cơ và đồng bọn đã không thành và kết quả là trong lúc ba tên đang yên vị trong một nhà nghỉ ở thị trấn Mai Châu cùng với 4 bánh heroin được vận chuyển từ biên giới giáp Lào về thẳng đó đợi khách thì bị lực lượng CA quận Thanh Xuân (Hà Nội) phối hợp với các trinh sát Phòng 4 Cục CSĐT tội phạm ma túy - Bộ Công an ập vào kiểm tra, phát hiện và bắt giữ. Và với số ma túy kể trên bị bắt quả tang, Cơ và hai kẻ đồng bọn đã phải trả giá đắt cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Bị tuyên phạt mức án chung thân, Mùa A Cơ về trại giam Hồng Ca thi hành án, cải tạo lao động ở đội khâu bóng.

10 năm đón Tết trong trại giam

Vào trại cải tạo đã được 8 năm, Cơ nói bị bắt từ cuối năm 2010, đến nay đã có 10 lần đón Tết trong trại giam. Nhớ lại ngày mới bị bắt, người đàn ông khoác áo phạm nhân này bảo đó là vận hạn tuổi 53 đáng ra phải kiêng khem, giữ gìn nhưng vì tham nên mới “đen” thì phải chấp nhận. Hỏi Cơ rằng nói thế nghĩa là đã nhiều lần đi buôn ma túy, ông ta cười hì hì, đính chính: “Trước đấy toàn đi xách thuê lấy tiền công thôi, lần này thấy bảo mua đi bán lại được nhiều tiền hơn mới tham”. Ngẩn ngơ một lúc, Cơ chép miệng: “Đúng là tham thì thâm, lợi lộc chả thấy đâu chỉ thấy mất toi cái xe máy”.

Thì ra để có tiền gom với các đối tượng trong nhóm làm vốn để đi buôn, Cơ đã đem chiếc xe máy của gia đình bán đi được 20 triệu đồng và số tiền ấy được Cơ đem cả đi góp vốn để buôn ma túy. Cơ kể, trước đấy mỗi lần vận chuyển thuê ma túy được trả công 2 triệu đồng đã thấy ham rồi vì có làm nương cả vụ cũng không kiếm được số tiền ấy. Thế nên khi được rủ rê nếu đem 4 bánh ma túy từ biên giới giáp Lào về Mai Châu bán sẽ hưởng lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng thì Cơ không còn nghĩ gì ngoài việc chỉ mất công đi một đoạn đường sẽ được sở hữu một món tiền lớn tha hồ tiêu xài.

Theo lời Cơ thì ông ta sinh ra trong một gia đình nghèo và vì sống ở vùng hẻo lánh heo hút nên không được học hành. Cũng như bao trai bản khác, đến tuổi lấy vợ sinh con, Cơ sớm có một gia đình riêng và ở cái tuổi ngoài 50, Cơ đã lên chức ông nội, ông ngoại. Người đàn ông này bảo, ngày còn trai trẻ thì còn mải đi làm nuôi con nên hai chữ ma túy, thuốc phiện chỉ nghe nói chứ chưa một lần nếm thử xem mùi vị nó thế nào. Đến khi con cái trưởng thành, mọi việc đi nương, đi rẫy đã có vợ con đảm nhiệm thì công việc chính hàng ngày của ông ta là uống rượu.

Rồi cũng từ chén rượu ở nhà, ở hàng xóm và ở chợ mà Cơ biết đến ma túy và chỉ một thời gian ngắn sau gia nhập đội quân chuyên xuất hiện trong rừng để lén lút vượt biên vận chuyển thuê ma túy. Cơ bảo mỗi chuyến đi nhanh nhất cũng phải mất 3 ngày 2 đêm cũng được trả công từ 500 đến 2 triệu đồng. Số tiền này, theo lời Cơ, ông ta sử dụng vào việc uống rượu và chi tiêu bản thân chứ không giúp được gì cho gia đình. Thế nên khi nhắc đến chiếc xe máy mà Cơ đã bán đi, ông ta tỏ ra ân hận vì đó là xe máy của con dâu.

“Chúng nó sắm được cái xe dùng để đi chợ bán hàng. Hôm đó tôi mượn xe bảo để đi ăn giỗ rồi đem đi bán, định là sau khi bán ma túy xong sẽ về mua cái mới trả chúng nó, nào ngờ…”, Cơ bộc bạch.

Người đàn ông này cho biết, trong khoảng thời gian hơn 1 năm bị tạm giam chờ điều tra mở rộng vụ án đến lúc hầu tòa, Cơ không nhận được bất cứ thông tin nào của gia đình và kể từ đó đến nay đã gần chục năm trôi qua, ông ta chưa từng được người thân tới thăm. Cơ bảo chắc tại các con giận bố song rồi lại tự an ủi: “Chắc là chúng nó bận, cũng có thể vì không có tiền, đường đi lại không thuận lợi nên đành để bao giờ hết án thì tự về thôi”.

<><>

Niềm vui vì được biết chữ

Hỏi Cơ về cuộc sống trong trại giam, người đàn ông khoác áo phạm nhân này tỏ ra hồ hởi. Ông ta hào hứng khoe, từ ngày vào trại cải tạo đã biết đọc biết viết và việc hai ngày nghỉ cuối tuần lên thư viện xem sách báo đã trở thành thói quen không thể thiếu của ông ta từ nhiều năm nay. Người đàn ông dân tộc Mông này kể rằng thời gian đầu sống trong trại cải tạo, Cơ thấy cái gì cũng lạ lẫm và bỡ ngỡ. Nhất là việc bị bắt buộc phải tham gia lớp học chữ với cô giáo là một cán bộ trẻ đáng tuổi con mình thì ông ta vừa ngại vừa xấu hổ. Nhưng rồi sự ê a trong cách đánh vần đã kích thích tính tò mò của ông ta và dần dà những tiết học trên lớp khiến ông ta thấy thích thú. Cơ nói, không biết có phải vì trong lớp có nhiều người cũng giống mình tóc bạc còn đi học hay vì thích những bức họa trong sách mà Cơ học chữ nhanh hơn nhiều phạm nhân khác.

Theo lời Cơ thì trong lớp học của ông ta có mấy người phải tham gia mấy khóa học mới đọc thông viết thạo còn ông ta chỉ sau một khóa học đã đọc vanh vách. Giờ thì người đàn ông này đã được cấp chứng chỉ phổ cập hết chương trình tiểu học. Cơ khoe rất thích đọc sách và hễ trên giá sách của buồng giam xuất hiện quyển sách mới nào là ông ta lại lấy xuống đọc bằng hết mới thôi. Hỏi đọc nhiều thế có hiểu hết những gì viết trong sách không, ông ta lại cười hì hì, đoạn lắc đầu tỏ ra thành thật: “Mình đọc cho thành thạo thôi mà, hiểu được hết thì đau đầu lắm. Mình không muốn đau đầu đâu”.

Nói về công việc đang làm, Cơ cho biết trước đây mắt còn xâu được chỉ thì ngồi khâu bóng còn mấy năm nay thì làm công việc đi thu sản phẩm do các phạm nhân trong đội làm xong, gom về đóng gói. Cơ bảo công việc không có gì đáng phàn nàn nhưng “nhớ nhà lắm”. Hỏi Cơ nhớ nhà nhất vào lúc nào, ông ta thủng thẳng bảo là lúc chiều muộn khi đã tắm giặt xong đợi ăn cơm tối.  Và với suy nghĩ rất giản đơn của người vùng cao, Cơ cho biết sẽ “đi làm đến bao giờ được cho về thì về nhà thôi chứ không nghĩ tới chuyện được gặp người thân và cũng không trách giận ai cả”.


Top