Ngộ độc ma túy bào thai - nguy cơ cần quan tâm

14/11/2011 10:53

Nói đến ma túy, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh lý ở trẻ vị thành niên và người lớn. Tuy nhiên, ngộ độc ma túy cũng xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ đang còn trong bụng mẹ. Ngộ độc ma túy bào thai là bệnh lý cần quan tâm ở trẻ em vì không chỉ nguy cơ diễn tiến nặng trong giai đoạn cấp.

Ảnh minh họa

Ngộ độc ma túy bào thai chủ yếu gây các nguy cơ lâu dài, các tổn thương về thể lực làm trẻ chậm phát triển, đặc biệt các tổn thương tâm lý gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của trẻ sau này.

Thế nào là ngộ độc ma túy bào thai?

Ngộ độc ma túy bào thai hay còn gọi là ngộ độc ma túy ở trẻ sơ sinh là ngộ độc ma túy thụ động do mẹ sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, morphin trong lúc mang thai, biểu hiện hội chứng ngưng thuốc ở trẻ sơ sinh sau khi sinh. Bệnh được mô tả đầu tiên năm 1947, sau đó y văn thế giới đã nêu nhiều tham khảo về những trường hợp co giật sơ sinh trong diễn tiến của hội chứng ngưng thuốc của bệnh lý này.

Nguyên nhân ngộ độc trong thời kỳ bào thai.

Trong thời kỳ bào thai, trẻ sơ sinh được cung cấp các chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai. Do đó trẻ bị ảnh hưởng bởi các thuốc và hóa chất mẹ dùng trong thời kỳ mang thai, cụ thể như các loại thuốc giảm đau morphin, thuốc ho codein, thuốc ngủ, phenobarbital, diazepam... và đặc biệt là trẻ dễ bị ngộ độc do mẹ dùng thường xuyên các chất gây nghiện như ma túy, rượu.

Thay đổi chức năng cơ quan ở trẻ sơ sinh

Đặc điểm hệ cơ quan của trẻ sơ sinh có cấu trúc và chức năng non yếu hơn so với trẻ lớn và người lớn do vậy sự hấp thụ, phân bố, chuyển hóa và bài tiết các chất gây độc trong cơ thể, nhiều điểm trong tiến trình này đặc biệt rất rõ. Đầu tiên sự hấp thu ở trẻ sơ sinh chậm, tạo nên tác dụng tích lũy chất độc trong cơ thể gây ngộ độc.

Thứ đến, trẻ sơ sinh có số lượng protein đã kết hợp với các chất độc này ít hơn làm tăng thể tích phân bố, tăng chất độc tự do trong máu, dẫn đến tăng độc tính đối với cơ thể của trẻ. Cuối cùng chức năng gan, thận của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh, dẫn đến khả năng chuyển hóa và bài tiết chất độc kém, làm kéo dài thời gian gây độc đối với cơ thể. Hậu quả của thay đổi chức năng cơ quan ở trẻ sơ sinh là ngộ độc ma túy ở trẻ sơ sinh thường gây tổn thương nhiều cơ quan, kéo dài và quan trọng là ảnh hưởng đến dư hậu của trẻ sau này.

Ma túy gây độc từ trong bào thai

Ma túy có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, ở vùng thụ thể opioids, những thụ thể này là những peptides, gọi là encephalin và endorphine, có chức năng điều hòa dẫn truyền thần kinh. Trong bào thai, ma túy từ máu mẹ vào cơ thể qua bánh nhau, sẽ làm giảm tiết encephanlin trong thời kỳ bào thai. Sau khi sinh, trẻ sơ sinh không được nuôi dưỡng qua nhau nữa, đồng nghĩa với việc không có chất ma túy vào cơ thể của trẻ. Do tình trạng ngưng cung cấp ma túy đột ngột, encephanlin sẽ không sản xuất đủ, kết quả làm tăng hoạt động của hệ thần kinh, tạo nên những triệu chứng kích thích hệ thần kinh.

Top