Nghiện ma túy khiến biến đổi sinh học não trong 3 giai đoạn

01/02/2016 16:27

Trong một thời gian dài, các chuyên gia thần kinh học đã tranh luận về việc nghiện (bao gồm cả nghiện rượu, ma túy...) có phải là một bệnh của não bộ không. Mới đây, các nhà khoa học đã trình bày 3 giai đoạn thay đổi của trạng thái nghiện và cùng với đó là những biến đổi tương ứng trong hệ thần kinh sinh học con người.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 27/1 trên tạp chí Y học New England, về cơ bản, mỗi một giai đoạn đều ảnh hưởng đến não theo cách riêng biệt. Những thay đổi não này lại lần lượt làm thay đổi hành vi của một người, làm thay đổi cả cách họ phản ứng với căng thẳng và khả năng kiểm soát hành vi.

Ở mức độ nặng, trạng thái nghiện bao gồm cả nghiện rượu, ma túy, và các loại nghiện không thể kiểm soát khác.

Theo Tiến sĩ Nora Volkow, Giám đốc Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy tại Mỹ và tác giả chính của nghiên cứu này, hiểu được những gì đang xảy ra trong bộ não của một người mắc chứng nghiện ngập là điều cần thiết để các chuyên gia y tế có thể cải tiến các phương pháp điều trị trở nên tốt hơn. Hiện nay, 20 - 22 triệu người ở Hoa Kỳ đang nghiện rượu hoặc các chất gây nghiện khác.

“Nhưng chỉ đơn giản nói với mọi người rằng nghiện là một bệnh của não bộ thì họ thực sự không hiểu là gì”, bà Volkow nói. Chẳng hạn như việc nói "bệnh tiểu đường là một bệnh của tuyến tụy" nhưng lại không cung cấp cho bệnh nhân một sự hiểu biết rõ ràng về ảnh hưởng đến cơ thể của một người như thế nào. Nhưng bằng cách giải thích rằng tuyến tụy sản xuất insulin cần thiết cho tế bào để chuyển hóa glucose, và” ở những người bị bệnh tiểu đường, tuyến tụy bị hư hỏng và không thể sản xuất insulin cần thiết, người ta bắt đầu hiểu”, bài Vokka cho biết.

Với việc đưa ra nghiên cứu, bà Volkow muốn cung cấp một lời giải thích cho mọi người hiểu về tình trạng nghiện. “Ngoài việc cải thiện sự hiểu biết của người dân về nghiện, coi nghiện là một bệnh, thì bản trình bày “3 giai đoạn” này cũng được sử dụng như một hướng dẫn cho nghiên cứu các mạch trong não và phát triển các loại thuốc để điều trị nghiện”, ông George Koob, Giám đốc Viện Quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Các giai đoạn của nghiện

Về tổng quan, các nhà nghiên cứu đã chia quá trình nghiện rượu điển hình thành ba giai đoạn chính: say xỉn và ngộ độc (binge and intoxication), hồi tỉnh và ảnh hưởng tiêu cực (withdrawal and negative affect), bận tâm và dự đoán (preoccupation and anticipation).

Để tiến vào quá trình bị nhiễm độc, con nghiện phải dùng một loại thuốc hoặc hóa chất khiến cho họ cảm thấy phấn khích như rượu, ma túy. Quá trình nhiễm độc sẽ làm thay đổi kết nối trong bộ não của những người nghiện ngập, khiến cho họ cảm thấy rất đau khổ khi không có thuốc trong cơ thể. Để thoát khỏi cảm giác đau khổ, con nghiện sẽ khao khát cần có phải có thêm nhiều thuốc hơn nữa.

Một trong những chức năng quan trọng nhất của bộ não con người là tìm ra cách nhanh chóng để đưa bản thân thoát khỏi tình huống khó chịu Volkow nói. Ví dụ, khi một người đang đói, họ ăn để thoát khỏi cảm giác đó. Cảm giác nghiện ngập cũng hoạt động theo cách tương tự. Khi một người nào đó dễ bị nghiện và liên tục tiếp xúc với một loại thuốc kích thích nào đó, họ nhanh chóng nhận ra rằng cảm giác bức xúc chỉ được giải tỏa hoặc thuyên giảm bằng cách uống ngày càng nhiều thuốc hoặc rượu hơn nữa.

Cuối cùng, sự kết hợp giữa quá trình nhiễm độc và thức tỉnh tạo thành một vòng lẩn quẩn rất khó thoát ra. Bạn cảm thấy hưng phấn và tuyệt với khi đang say thuốc hoặc uống rượu. Nhưng khi chất kích thích hết tác dụng, mọi thứ dường như sụp đổ và bạn cảm thấy thật khủng khiếp. Vì thế bộ não của bạn ra lệnh cần phải có nhiều thuốc hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động nêu trên, thay đổi trong kết nối của não sẽ dẫn đến cảm giác căng thẳng và “đói” thuốc. Vùng vỏ não trước trán cũng sẽ bị thay đổi. Đây là vùng não có chứng năng điều hành rất nhiều hoạt động và quá trình trong não, ví dụ như tự điều chỉnh và ra quyết định, thực hiện và đánh giá vấn đề.

Giai đoạn thứ ba là những thay đổi trong hệ thần kinh, điều này sẽ làm suy giảm khả năng chống lại sự thôi thúc mạnh mẽ của cơn nghiện ngập và chịu chấp nhận làm theo các quyết định và hành động phi lý trí để giải quyết cơn nghiện.

Những thay đổi của não có thể là lý do giải thích tại sao có những người thật sự mong muốn ngừng sử dụng ma túy hay bia rượu nhưng đột nhiên cơn nghiện bùng phát và từ đó họ không thể nào tiếp tục theo đuổi quyết tâm của mình.

Bà Volkow cũng lưu ý rằng 3 giai đoạn trên không nhất thiết phải phân biệt rõ ràng riêng biệt. Chúng có thể trộn lẫn vào nhau. Ví dụ, các giai đoạn hồi tỉnh và dự đoán cùng với cảm giác đói thuốc thường liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Ở nhiều người, khi bắt đầu giai đoạn hồi tỉnh cũng là lúc não đồng thời kích hoạt cảm giác thèm thuốc (rượu). Vì bộ não biết rằng khi hồi tỉnh, các tế bào thần kinh sẽ phải chịu đựng căng thẳng và áp lực. Và chúng biết rằng nếu bổ sung thuốc kích thích, căng thẳng sẽ biến mất.

Các nhà khoa học cho rằng việc xác định “ngưỡng” tiếp xúc với một loại thuốc hoặc chất kích thích nào đó là rất quan trọng. “Ngưỡng” tiếp xúc thuốc là cường độ hoặc liều lượng thuốc tối đa mà bạn có thể hấp thụ. Nếu vượt qua, bạn sẽ trở thành một con nghiện.

Thông thường, trung bình một người cần phải liên tục tiếp xúc với thuốc kích thích hoặc rượu bia liên tục trong vòng 90 ngày mới có thể thật sự trở thành một con nghiện. Tuy nhiên, ngưỡng tiếp xúc này là hoàn toàn khác nhau ở mỗi người và không thể đo lường được.

Các bước tiếp theo

Kết quả của cuộc nghiên cứu này không những hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh nghiện mà còn giúp các nhà khoa học phát triển các loại thuốc để điều trị căn bệnh này.

Ví dụ, một số loại thuốc có thể làm tăng ngưỡng tiếp xúc gây ra bởi ma túy hoặc rượu. Trong khi đó một số loại thuốc khác sẽ ngăn cản và làm giảm cảm giác thèm thuốc.

Cũng như các bệnh khác, có những yếu tố nguy cơ làm cho mọi người dễ bị hơn. Yếu tố di truyền từ gia đình cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong tỷ lệ mắc phải bệnh nghiện của bạn.

Thanh thiếu niên cũng đặc biệt dễ bị nghiện, một phần vì trong thời niên thiếu vỏ não trước trán trong não của họ vẫn chưa phát triển đầy đủ. Điều này khiến cho các em thường có nhiều quyết định và hành động sai lầm hơn, bà Volkow nói.

Top