Nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV⁄AIDS

30/09/2015 16:46

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, qua 6 năm triển khai, Dự án nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV⁄AIDS tại Việt Nam, đã làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về nghiện ma túy là bệnh và điều trị nghiện là một quá trình lâu dài bao gồm cả y tế, tâm lý và xã hội.

Chăm sóc, điều trị cho người nghiện ma túy

Dự án nâng cao năng lực điều trị nghiện ma túy nhằm dự phòng HIV/AIDS tại Việt Nam được thực hiện từ tháng 9/2009- 9/2015 do Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tài trợ, địa bàn thực hiện Dự án là TPHCM.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực cho cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trong điều trị nghiện ma túy; cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghiện ma túy; giảm lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy và người bán dâm tại Việt Nam.

Qua 6 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả như hỗ trợ hoàn thiện hệ thống thống kê về người nghiện ma túy tại Việt Nam, tăng cường năng lực cho cán bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trong việc tư vấn về điều trị nghiện ma túy và thí điểm mô hình điều trị nghiện ma túy dựa vào cộng đồng tại TPHCM.

Trong khuôn khổ Dự án đã mở rộng tập huấn nội dung Ma túy xã hội cho 94 cán bộ thuộc Chi cục PCTNXH của 47 tỉnh, thành phố; tập huấn về Ma túy xã hội, tư vấn điều trị nghiện cơ bản, kỹ năng điều hành sinh hoạt nhóm cho 46 cán bộ thuộc điểm tư vấn hỗ trợ điều nghị nghiện tại cộng đồng tại 23 tỉnh, thành phố; đào tạo được 24 giảng viên nguồn về tư vấn điều trị nghiện ma túy.

Đặc biệt mô hình thí điểm điều trị nghiện tự nguyện tại TPHCM đã được vận hành và từ đó làm cơ sở để xây dựng chương trình điều trị nghiện ma túy toàn diện.

Về kết quả thực hiện mô hình thí điểm tại Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy TPHCM (từ tháng 4/2013- 9/2015), tổng số bệnh nhân được tiếp nhận là 642 người, trong đó: số bệnh nhân được điều trị cắt cơn: 425 người, số bệnh nhân điều trị nội trú: 425 người, số bệnh nhân điều trị ngoại trú 217 người, số bệnh nhân điều trị Methadone: 209 người, số bệnh nhân được chăm sóc sau điều trị: 116 người.

Với bệnh nhân điều trị nội trú, Trung tâm đã tổ chức tư vấn cá nhân bệnh nhân được 1.740 lượt, tư vấn cá nhân gia đình bệnh nhân 627 lượt, tư vấn nhóm bệnh nhân 187 cuộc với 1.278 lượt bệnh nhân, ngoài ra còn tổ chức các hội thi tuyên truyền về phòng chống ma túy, HIV/AIDS, các hoạt động thể dục, thể thao vui chơi giải trí…

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định rằng sau khi dự án được triển khai, Việt Nam đã định hướng coi người nghiện là người bệnh, dần chuyển điều trị ma túy trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc sang mô hình điều trị tại cộng đồng, tiếp cận tích cực hơn với người nghiện.

Top