Nam Định: Điều trị Methadone hiệu quả và niềm tin

02/07/2015 15:00

Trong những năm qua, hoạt động can thiệp giảm hại dự phòng lây nhiễm HIV trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Nam Định đã được triển khai và đạt được những kết quả rất đáng kể. Đặc biệt chương trình “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone” là một trong những hoạt động đã có kết quả nổi bật trong thời gian gần đây.

Một số hoạt động tại cơ sở điều trị Methadone TP Nam Định: Ảnh - Trần Tất Sáng

Được triển khai từ năm 2011, đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 5 cơ sở điều trị Methadone (đặt tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh đặt tại Trung tâm Y tế huyện). Trong tháng 7, một cơ sở mới sẽ được đặt tại Trung tâm phòng, chống ma túy huyện Nam Trực, nâng số cơ sở điều trị là 6 cơ sở.

Đạt 76% chỉ tiêu do Chính phủ giao

Theo số liệu báo cáo tổng hợp của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến ngày 30/6 tổng số bệnh nhân hiện đang tham gia điều trị là 1.427 bệnh nhân, trong đó có 1.052 bệnh nhân đạt liều duy trì. Tính riêng từ thời điểm tháng 7/2014 đến 30/6/2015 số bệnh nhân tham gia điều trị đã tăng từ 1.197 lên 1.427 bệnh nhân. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Nam Định là một trong 5 tỉnh/TP trên toàn quốc có tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị Methadone cao nhất (76%) theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ Tướng chính phủ về việc “Giao chỉ tiêu điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đến hết năm 2015”.

Kết quả điều tra nghiên cứu của đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone sau 12 tháng tham gia điều trị” do Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện năm 2014 cho thấy: Trong quá trình điều trị, số bệnh nhân tham gia tuân thủ điều trị đạt trên 90%, tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng heroin trong 6 tháng đầu khi tham gia điều trị là 48%, sau 6 tháng điều trị giảm còn 12% và sau 12 tháng điều trị tỷ lệ này chỉ còn là 9%.

Về sức khỏe thể chất, tâm thần của bệnh nhân được nâng cao rõ rệt. Trung bình cân nặng của bệnh nhân tăng từ 48,6 kg lên mức 52,5 kg. Bệnh nhân tích cực tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh và tham gia các hoạt động đoàn thể tại các khu dân cư. Đối với hiệu quả về kinh tế, tỷ lệ bệnh nhân có việc làm trở lại sau 12 tháng điều trị đạt 91%. Thu nhập được sử dụng vào mục đích hỗ trợ kinh tế gia đình.

Giải pháp tối ưu giảm thiểu lây nhiễm HIV

Với những kết quả trên, hoạt động điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh Nam Định đã góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, đặc biệt đã làm ổn định đáng kể tình hình an ninh trật tự tại các khu dân cư và tạo được niềm tin của nhân dân đối với hiệu quả của chương trình.

Để có được kết quả như trên, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định đã phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động như truyền thông, quảng bá hiệu quả chương trình điều trị Methadone trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Nam Định, truyền hình… in ấn và cấp phát tờ rơi, pano, áp phích…

Bên cạnh đó, trung tâm thường xuyên phối hợp với các chuyên gia tổ chức hỗ trợ kỹ thuật như tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, khám định kỳ, công tác chuyển tiếp… Tại các cơ sở điều trị có trên 90% số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone nhiễm HIV được tiếp cận cơ sở điều trị ARV, các dịch vụ như Lao, Tâm thần, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… cũng là những dịch vụ chuyển tiếp của chương trình.

Như vậy, chương trình điều trị Methadone đang là giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy trên địa bàn. Chính vì thế chương trình cũng nhận được sự ủng hộ rất cao của UBND tỉnh Nam Định, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể...

Một lộ trình triển khai mở rộng các cơ sở điều trị trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm tới cũng như kế hoạch chuẩn bị nguồn kinh phí để hoạt động của chương trình trong thời gian tiếp theo được bền vững đang được xây dựng. Đây chính là những hoạt động tích cực tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Nam Định góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm và tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS trong tương lai.
Top