Năm 2012, mở rộng chương trình cai nghiện bằng Methadone tại 13 tỉnh, thành

25/12/2011 07:53

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015, nhằm chủ động và bảo đảm nguồn cung thuốc cho chương trình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc triển khai chương trình Methadone tại các địa phương - Ảnh Chinhphu.vn/Phan Hoàng

Hội nghị do Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tổ chức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì hội nghị.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, kết quả đánh giá bước đầu triển khai thí điểm điều trị tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận những kết quả hết sức tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Theo đó, sau 4 năm triển khai đề án triển khai đề án thí điểm điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đến nay đã có 11 tỉnh thành phố triển khai đề án với 41 cơ sở điều trị cho hơn 6441 bệnh nhân.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các tham luận của đại biểu quốc tế và các tỉnh, thành trong nước về các mô hình điều trị và hiệu quả của chương trình, kinh nghiệm trong điều trị bằng Methadone, nỗ lực của cộng đồng và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ các nước trong điều trị, đánh giá độc lập của tổ chức quốc tế về chương trình Methadone tại Việt Nam với những kết quả khả quan, vai trò của lực lượng công an trong chương trình điều trị thay thế bằng Methadone và tình hình an ninh trật tự…

Với những kết quả trên, Bộ Y tế đang thực hiện kế hoạch mở rộng chương trình Methadone giai đoạn 1 tại 13 tỉnh, thành nhằm điều trị cho khoảng 15.600 người bệnh vào năm 2012. Giai đoạn 2 từ 2013-2015 dự kiến mở rộng chương trình tại 17 tỉnh, thành phố với khoảng 80.000 người bệnh sẽ được điều trị. 9 tỉnh, thành phố đã đề nghị cho phép mở cơ sở điều trị vào năm 2011.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng chỉ ra những khó khăn đối với chương trình này, đó là độ bao phủ của chương trình còn hạn chế, mô hình điều trị chưa đa dạng, thiếu kinh nghiệm trong điều trị, chưa chủ động nguồn thuốc do vẫn nhập hoàn toàn từ nước ngoài, thiếu các chế độ chính sách cho cán bộ tại cơ sở điều trị Methadone và kinh phí để duy trì và mở rộng chương trình này.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh Chinhphu.vn/ Phan Hoàng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc triển khai chương trình tại các địa phương góp phần làm giảm tình trạng sử dụng các chất ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Thông qua việc điều trị, tình hình trật tự, an ninh xã hội và an toàn cộng đồng dân cư nơi có người nghiện chích ma túy cũng được cải thiện đáng kể với tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng điều trị. Vì vậy, việc điều trị được gia đình người nghiện và xã hội tích cực ủng hộ.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, cần phải tiếp tục đánh giá một cách khoa học.

Hiện nay phần lớn kinh phí dành cho chương trình chủ yếu từ các nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế. Do vậy để chương trình tiếp tục triển khai bền vững, đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cần đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015, nhằm chủ động và bảo đảm nguồn cung thuốc điều trị để sử dụng cho các đối tượng tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo hiệu quả điều trị, tính an toàn cao nhất cho những người tham gia điều trị bao gồm cả thầy thuốc và bệnh nhân. Có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện tìm kiếm công ăn việc làm cho những người tham gia điều trị Methadone. Bên cạnh đó, UBND tỉnh, thành phố cần tăng cường huy động các nguồn lực địa phương, tăng cường công tác xã hội hóa trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Phó Thủ  tướng cũng cảm ơn và mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục hỗ  trợ về tài chính, kỹ thuật để chương trình đạt hiệu quả và nhân rộng.

 Tính đến hết ngày 31/6/2011, cả nước có 149.900 người nghiện ma túy, tăng 6.704 người so với cuối năm 2010, trong đó loại ma túy sử dụng phổ biến nhất vẫn là heroin (chiếm 70%). Những người sử dụng các chất dạng thuốc phiện đa số là người có trình độ thấp, có tiền án, tiền sự, người không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. 

Độ tuổi người nghiện đang ngày càng trẻ hóa, năm 2001 số người nghiện dưới 30 tuổi chiếm 57,7%, đến năm 2010 là 68,3%). Tỷ lệ người nghiện là nữ đang gia tăng từ 3,15% năm 1996 lên 4,5% năm 2006.

 

Top