Myanmar: Nông dân bỏ cây thuốc phiện chuyển sang trồng cà phê

01/09/2015 17:10

Để giúp đỡ người dân Myanmar từ bỏ cây thuốc phiện, Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ đã đề xuất trồng cà phê để thay thế.

Myanmar là nước trồng thuốc phiện thứ 2 trên thế giới

Myanmar đang là nước sản xuất nhiều thuốc phiện thứ hai trên thế giới, chỉ sau Afghanistan. Mặc dù việc trồng cây thuốc phiện đã bị cấm, kinh tế khó khăn khiến nhiều nông dân Myanmar chẳng còn lựa chọn nào khác, đành phải tiếp tục trồng thuốc phiện để sống qua ngày. Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ đã đề xuất trồng cà phê để thay thế cây thuốc phiện,.

Tại ngôi làng giáp ranh Thái Lan này, phần lớn người dân vẫn sống dựa vào thuốc phiện. Ông Khun Da Yui, một nông dân, cho biết: “Nhiều người đã cố chuyển sang trồng xoài hay quả bơ nhưng chi phí quá đắt đỏ mà không thu được lợi nhuận nên lại bỏ cuộc”.

Đối với những người nông dân này, trồng thuốc phiện chẳng phải để kiếm lời. Chỉ đơn giản là, họ chẳng còn cách nào khác để tự nuôi bản thân, nuôi gia đình.

Để giúp đỡ họ, Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ đã khởi động một dự án phát triển thay thế, bắt đầu bằng những cây cà phê.

Ông Jochen Wiese, cố vấn kĩ thuật, Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm LHQ nói: “Tôi đã dành 30 năm để phát triển các chương trình tương tự. Ở Peru, chúng tôi đã xây dựng được những trang trại trồng cà phê, ca cao và cây cọ với sản lượng xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tôi tin rằng chương trình này cũng sẽ thành công tại Myanmar vì khí hậu ở đây rất phù hợp”.

Ông Jochen và đồng nghiệp đã cung cấp hạt cà phê, phân bón và dạy cho vài trăm hộ gia đình tại đây cách canh tác, đồng thời cũng giúp họ thành lập các hợp tác xã để tạo điều kiện xuất khẩu cà phê ra thị trường quốc tế.

Bà Ba Tui, nông dân, nói: “Tôi đã bỏ hẳn cây thuốc phiện để theo trồng cà phê. Chắc phải 2 năm nữa mới thu hoạch được vụ đầu tiên nhưng tôi thấy đáng lắm. Trồng thuốc phiện rất rủi ro vì dù có được mùa mà bị chính quyền bắt đốt đi thì cũng mất hết. Tôi tin là trồng cà phê sẽ tốt hơn nhiều trong thời gian tới”.

Kế hoạch của dự án là chuyển đổi được 1.000 ha trồng thuốc phiện sang trồng cà phê. Quá trình chuyển đổi sẽ không hề dễ dàng và sẽ mất nhiều năm. Nhiều hộ gia đình vẫn đang phải trồng kết hợp hành, tỏi và lúa để đủ sống, khi chờ những cây cà phê lớn lên. Tuy nhiên, họ tràn đầy hy vọng rằng những ngọn đồi này sẽ sớm phủ toàn cây cà phê, mang lại một nguồn thu ổn định hơn, một tương lai tươi sáng hơn.
Top