Ma túy tổng hợp PMMA - Hiểm họa khôn lường

14/03/2012 09:59

Mới đây, Công an TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố xuất hiện loại ma túy tổng hợp mới có dạng viên nén hình tròn màu trắng. Kết quả giám định cho thấy đó là thuốc chứa thành phần PMMA (Paramethoxy Methamphetamine) - một loại ma túy tổng hợp.

Một dạng ma túy mới

PMA/PMMA là một loại ma túy tổng hợp gây ảo giác, được bào chế trong phòng thí nghiệm, tên khoa học là Paramethoxyamphetamine. Hay còn được gọi là bột gà, mitsubishi… Chất này sau khi được đưa vào cơ thể sẽ khiến cho người sử dụng thay đổi nhận thức, suy nghĩ hoặc cảm xúc. Ở một số quốc gia Bắc Mỹ, Úc, và châu Âu, một số trường hợp tử vong được xác định có liên quan đến PMA và PMMA.

Cơ bản các chất này gây ảnh hưởng của lên cơ thể người giống nhau, do đó PMA và PMMA được coi như cùng là một loại ma túy.  

 

Được sản xuất lần đầu tiên trong một phòng thí nghiệm tại Canada vào năm 1973, đến những năm đầu thế kỷ 21, loại ma túy này xuất hiện trở lại ở Bắc Mỹ (Canada và Mỹ) và châu Âu (chủ yếu ở Áo, Đan Mạch, và Đức). Một số nạn nhân đã chết khi sử dụng PMA/PMMA, thứ ma túy mà họ nhầm tưởng là thuốc lắc.

Cái chết trước mắt

PMA/PMMA liều 50 mg hoặc nhiều hơn là có khả năng gây chết người, đặc biệt là khi dùng kết hợp với các thuốc khác. Liều cao có thể gây ra nôn mửa, suy tim, suy thận, động kinh não, ảo giác, suy sụp đột ngột và sốt cao bất thường (có thể lên đến 46°C (115°F) dẫn đến co giật, hôn mê và ngừng  hoàn toàn các bộ phận của cơ thể, dẫn đến tử vong.

Nạn nhân lầm tưởng họ ngất ngây là triệu chứng ngộ độc thuốc lắc, nên không nguy hiểm chết người. Tuy nhiên, PMA/PMMA là một loại thuốc độc hại hơn và có tỷ lệ biến chứng gây tử vong cao hơn nhiều so với thuốc lắc.

Nguy hiểm nhất là sốt cao đến mức độ nguy hiểm. Sau khi dùng thuốc lắc, một số người uống rất nhiều nước và xả nước lạnh để giúp giảm thân nhiệt xuống. Tuy nhiên, khi đang sốt cao do tác dụng của PMA/PMMA, các biện pháp này là không hiệu quả.

Một cô gái trẻ 18 tuổi ở Chicago đã sử dụng loại thuốc (được gọi là Mitsubishi stack-double (chưa có từ dịch phù hợp), chỉ trong vòng vài giờ đã bị co giật và rơi vào hôn mê, nhiệt độ lên đến 42°C. Cô bị chảy máu nội tạng, trào máu qua miệng và chết vào ngày hôm sau. Sau khi khám nghiệm tử thi, người ta xác định rằng cô đã nhầm lẫn và sử dụng quá liều PMA/PMMA. .

 Hậu quả lâu dài

Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, PMA gây ra bệnh trầm cảm, rối loạn tâm trạng, lo âu, mất trí nhớ, thiếu tự kiểm soát, rối loạn giấc ngủ và khả năng học tập... Ngoài ra, còn khiến cho người sử dụng có hành vi loạn thần, mất kiểm soát một cách nguy hiểm, đôi khi dẫn đến bạo lực đối với bản thân hoặc những người xung quanh, kể cả sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Đặc biệt, người ta đã phát hiện ảnh hưởng của PMA/PMMA lên con cái của người mẹ từng sử dụng PMA/PMMA như mất trí nhớ, suy yếu khả năng đề kháng và các dị tật khác.

Theo tiến sĩ Alan I. Leshner, cựu giám đốc của NIDA, những người dùng PMA/PMMA, thậm chí chỉ một vài lần vẫn có thể để lại hậu quả lâu dài. Có khi họ đã làm cho mình vĩnh viễn hỏng bộ nhớ, ảnh hưởng đến việc học tập và sinh hoạt.

Khi PMA/PMMA vào cơ thể có thể khiến tế bào thần kinh chết ngay lập tức. Có thể hậu quả họ không nhìn thấy ngay, nhưng qua thời gian tình trạng ngày càng nguy kịch. Theo Viện Quốc gia về lạm dụng ma túy Mỹ (NIDA), nghiên cứu trên động vật cho thấy, thuốc này gây ra thiệt hại lâu dài cho các tế bào thần kinh.

Bộ nhớ của một người bao gồm tất cả những gì đã được tích lũy trong cuộc sống, bao gồm cả âm thanh, hình ảnh, mùi, vị, và cảm xúc. PMA/PMMA và thuốc lắc có thể bóp méo những kỷ niệm và cảm xúc, khiến người dùng mất liên lạc với thực tế và mất cân bằng cảm nhận của mình về thời gian và không gian.

Rất nguy hiểm nếu sử dụng kết hợp PMA/PMMA với các loại thuốc khác.

Cần biện pháp xử lý

Việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp như thuốc lắc đang hoành hành trong giới trẻ, những người thường xuyên đến các hộp đêm hoặc vũ trường. Đó là những tụ điểm buôn bán, sử dụng ma túy bất hợp pháp. Việc ngụy trang PMA/PMMA ở dạng viên thuốc lắc đã trở thành một nguy cơ đáng báo động trên toàn thế giới.

 

PMA và PMMA thường được thiết kế để trông giống như thuốc lắc.

Vì chi phí để sản xuất PMA/PMMA rẻ hơn so với thuốc lắc, những kẻ sản xuất ma túy đôi khi trộn lẫn hai loại thuốc, hoặc bán PMA/PMMA như là một sự thay thế.

Hiện nay, PMMA đã có trong danh mục chất ma túy của 15 nước thuộc Liên minh châu Âu (Hiệp ước kiểm soát có hiệu lực từ ngày 7/3/2002). Riêng tại Anh thì PMMA được đưa vào bảng A của danh mục các chất ma túy cần kiểm soát. Tuy nhiên, tại Việt Nam PMMA không nằm trong danh mục các chất ma túy.  

Hiện nay, Bộ Công an đang kiến nghị Chính phủ để đưa loại ma túy độc hại này vào danh mục cần được kiểm soát và mong rằng các cơ quan chức năng có các biện pháp hành động kịp thời trước hiểm họa mới này.

Top