Ma túy “cướp” đi mái nhà của những đứa trẻ

03/08/2015 09:17

Nhắc đến ma túy, người ta thường nhắc đến những người nghiện, những người hám lợi “gieo rắc cái chết trắng” mà không nói nhiều đến người thân của họ, những người phải chịu nỗi đau gián tiếp dai dẳng, nối dài.

Những đứa trẻ "mồ côi" vượt  lên số phận

Nằm ở vùng núi phía Bắc tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (nơi được coi là điểm nóng của ma túy), nhiều đứa trẻ bỗng chốc trở thành trẻ "mồ côi" vì bố mẹ chúng đều bị bắt đi tù do "gieo rắc cái chết trắng" cho đồng loại, hoặc phải  đi cai bởi nghiện ma túy nặng.

Bé Triệu Bích Diệp (xã Quảng Chu), là một trong những hoàn cảnh đó, khi chưa tròn 3 tuổi, Diệp đã phải xa rời hơi ấm của mẹ, sự dậy dỗ yêu thương của bố để về sống với bà ngoại gần 60 tuổi là Bế Thị Lan do cả bố và mẹ phải đi cai nghiện ở tận Cao Bằng.

Gia đình bà ngoại rất nghèo, chỉ có một túp lều được lợp bằng cọ để che mưa che nắng. Dù tuổi đã cao nhưng để có đủ miếng cơm hằng ngày cho 2 miệng ăn, bà Lan vẫn phải vác cuốc lên nương, phá rẫy thuê quần quật đêm ngày, mong dư giả để Diệp cũng được đến trường như chúng bạn. Ông ngoại Diệp thì đã bỏ bà cháu Diệp mà đi trong một cơn bạo bệnh hiểm nghèo quái ác.

Hàng ngày Diệp phải dậy từ lúc 5h sáng để trèo đèo lội suối tới trường

Ông bà nội của Diệp năm nay trên 80 tuổi, gia cảnh cũng chẳng khá giả gì hơn nên không có điều kiện chăm sóc cho Diệp, thi thoảng trái gió trở trời, ông bà cũng không có ai chăm nom, thuốc thang.  

Hiểu được sự vất vả của bà, dù mới vào lớp 1 nhưng Diệp đã biết làm việc nhà rất đảm, tự giặt quần áo, nấu cơm khi bà đi vắng… đồng thời Diệp còn học rất giỏi, được thầy hiệu trưởng cũng như các thầy cô trong trường khen ngợi, nhưng vẻ mặt cô bé lúc nào cũng đượm buồn, xa xăm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lan chia sẻ: “Tôi cố gắng làm việc được lúc nào hay lúc đó, để cháu được ăn, được học biết chữ như các bạn. Nhiều lúc để ý tôi thấy nó chui vào góc bếp nhà sàn ngồi khóc một mình, hỏi có chuyện gì thì nó không nói. Tôi biết nó nhớ bố mẹ và tủi thân, nhưng không dám khóc trước mặt bà vì sợ bà buồn”.

Men theo hai quả đồi khoảng 3km, ai cũng biết tới hoàn cảnh đáng thương của hai chị em Lường Thị Phương Thảo (9 tuổi) và Lường Thị Ngân (5 tuổi) ở làng Chẽ - Quảng Chu. Chúng tôi tìm đến nhà đúng lúc các em đang ôn bài để sáng mai lên lớp, góc học tập được bố trí ở  cuối nhà chật hẹp lại không có điện, nên hai bé phải học bằng đèn dầu.

Góc học tập của chị em Thảo tối tăm, leo lét ngọn đèn dầu

Theo anh Thiên (SN 1981, bác ruột của hai chị em Thảo và Ngân), bố hai bé bản thân là người hiền lành, nhưng bị bạn bè rủ rê rồi mắc nghiện lúc nào không hay. Gia cảnh đã nghèo khó lại có thêm người chồng bị nghiện nên tiền của, đồ dùng trong nhà “không cánh mà bay”.

Gia đình cũng nhiều lần khuyên bảo nhưng đều thất bại, người vợ lại mang nặng đẻ đau nên về ngoại ở, rồi sau đó hai vợ chồng ly dị.  Mẹ của hai bé phải lên tỉnh Thái Nguyên làm công nhân kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học, cả năm mới về vài lần, hai đứa ở cùng bà ngoại đã gần 70 tuổi.

Hiểu được hoàn cảnh của mình nên các em luôn tự túc trong sinh hoạt cá nhân

Khi được hỏi về ước mơ của mình bé Ngân thủ thỉ: “Cháu muốn làm cô giáo để dạy chữ cho các bạn không được đến trường”. Bé Thảo bảo rằng: “Cháu sẽ cố gắng học thật giỏi  trở thành bác sĩ chữa bệnh cho bố và những người mắc bệnh ở bản, để bố không phải đi xa tít thành phố mới chữa được bệnh”.  Những ước mơ thật nhỏ bé, nhưng đằng sau đó chất chứa bao nhiêu khao khát và khổ cực, đau thương mà chính các em đã phải tự mình trải qua.

Ám ảnh những con số

Theo thầy Trần Thế Dinh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Chu II (Xã Quảng Chu), hiện cả trường có hơn 200 em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có khoảng gần 100 em bố mẹ bị nghiện. Đây là nỗi lo thường trực với các thầy, cô giáo ở đây, vì các em có thể phải bỏ học bất cứ lúc nào, và đa số học xong tiểu học là ở nhà.

Hầu hết các em có lực học yếu do phải làm nhiều việc vất vả, không có thời gian ôn luyện bài, tâm lý chán nản…Những em học sinh ở đây cứ khoảng một tháng lại phải nghỉ học một tuần để phụ giúp gia đình trồng trọt, làm nương rẫy.

Dù phía nhà trường đã cố gắng rất nhiều để tạo điều kiện cho các em được tới trường, từ việc cho mượn sách vở, cho quần áo mặc… đến từng nhà để động viên các em tới trường, nhưng tất cả vẫn nằm trong sự  khó khăn vì kinh tế cả xã còn quá nghèo đói.

Ma túy ở huyện Chợ Mới không thuyên giảm mà ngày càng gia tăng, mối lo lớn nhất là những đứa trẻ có bố mẹ nghiện, phải sống bơ vơ, thiếu vắng tình yêu của gia đình, có thể sẽ dễ dàng bị lôi kéo dính vào "cái chết trắng".
Top