“Lặng lẽ” giúp người

20/09/2012 16:39

Cứ vào buổi sáng hàng ngày, Hùng lại sắp xếp đồ đạc, ra ngoài gặp khách hàng. Công việc của Hùng cũng giống một nhân viên kinh doanh, chỉ có điều khách hàng của bạn là những người nghiện chích ma túy, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS...

Cùng đi với Hùng là các anh chị trong nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng. Họ lặng lẽ đến những điểm “nóng” về ma túy trên địa bàn, tiếp xúc với những đối tượng nghiện chích để cung cấp kiến thức phòng tránh lây nhiễm HIV, phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su miễn phí...

Lê Văn Hùng (SN 1986), hiện đang là giáo dục viên sức khỏe làm việc cho Dự án phòng, chống HIV/AIDS của tổ chức Sức khỏe gia đình (FHI), đồng thời là Tư vấn viên của Chương trình Methadone tại Trung tâm Y tế quận Long Biên, Hà Nội, bắt đầu một ngày làm việc của mình như thế.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Y học cổ truyền Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hùng được nhận vào làm việc tại Trung tâm Y tế quận Long Biên. Năm 2008, khi Dự án phòng chống HIV/AIDS của FHI triển khai tại địa bàn quận, Hùng nhận lời chuyển sang làm việc trong dự án này.

Hùng đang giới thiệu tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho khách hàng. Ảnh: Phan Hoàng.

Đến với nghề bằng cái tâm

Hùng tâm sự, bạn có người chú ruột đã mất hơn chục năm vì nghiện ma túy. Những lần chứng kiến chú “vật vã” vì thiếu thuốc, hay khổ sở tự cai nghiện ma túy khiến Hùng luôn suy nghĩ và trăn trở. Cũng vì lý do đó, khi được yêu cầu làm công tác phòng chống HIV/AIDS, Hùng không ngần ngại nhận lời.

Hùng chia sẻ, khi mới tham gia chương trình, bạn cũng không khỏi bỡ ngỡ. Đến thăm bệnh nhân AIDS, bạn không biết phải làm gì, nói thế nào cho họ hiểu. Sau nhiều lần được tập huấn nâng cao các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và kỹ năng tuyên truyền, bạn mới dần tự tin, vì vậy tuyên truyền cũng đạt hiệu quả hơn.

Thời gian đầu, việc đi phát bơm kim tiêm sạch của nhóm cũng gặp không ít khó khăn. Những người xung quanh cho rằng làm như vậy là tiếp tay với người nghiện ma túy. Hùng và các anh, chị trong nhóm phải dành nhiều thời gian giải thích, để mọi người hiểu và nhiệt tình ủng hộ.

Hùng cho biết, hầu hết những người nghiện đều muốn từ bỏ ma túy, rất nhiều người quyết tâm, tự cai nghiện tại gia đình nhưng hầu hết là không thành công, một phần vì họ không chịu được sự dày vò, đau đớn, vật vã khi thiếu thuốc.

Bệnh nhân của Hùng có trường hợp thậm chí còn tự chặt đứt ngón tay út, thề cai nghiện cho bằng được, nhưng chỉ được trên dưới chục ngày lại tiếp tục tái nghiện. Với bệnh nhân này, Hùng đã phải kiên trì đi lại nhiều lần, xuống tận nhà để trò chuyện tâm tình, thuyết phục gia đình đưa người bệnh đi xét nghiệm HIV và làm đơn xin tham gia điều trị Methadone.

Hùng nói, muốn tiếp xúc với người nghiện ma túy thì mình phải kiên trì, nhẹ nhàng, khéo léo nắm bắt tâm lý của họ. “Quan trọng là phải tiếp cận được với họ, phải để họ “trải lòng” với mình thì mới có thể giúp họ được”.

Nhiều khi các thành viên trong nhóm phải mời những người nghiện ma túy đến quán cà phê, quán nước để... tuyên truyền, phát bơm kim tiêm sạch, tư vấn họ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm HIV.

Với khách hàng là người đã bị nhiễm HIV thì lại phải có cách tiếp cận khác. Hầu như tất cả những người nhiễm HIV khi trở về với cộng đồng đều mặc cảm. Họ không thể sinh hoạt yên ổn như người bình thường, rất dễ bị tổn thương khi bị gia đình hoặc lối xóm xa lánh.

Hùng kể, cách đây hơn 1 năm, có một thanh niên gọi điện thoại đến trung tâm nhờ tư vấn. Qua tìm hiểu, Hùng biết được người thanh niên ấy trong thời gian đi làm ăn xa, do không làm chủ được mình, đã sa vào ma túy, khi biết mình nhiễm HIV qua đường tiêm chích, người thanh niên ấy đau đớn tột cùng và có định tìm đến cái chết.

“Một mặt mình phải động viên tinh thần bệnh nhân, mặt khác thông báo cho gia đình bệnh nhân biết để họ cùng chia sẻ, giúp đỡ, động viên tinh thần người bệnh. Làm sao để bệnh nhân hiểu nếu được điều trị kịp thời, người nhiễm HIV/AIDS vẫn có thể sinh hoạt và làm việc giống như người bình thường”, Hùng nói.

Hùng phấn khởi cho biết, sau một thời gian được nghe Hùng và bố mẹ động viên, an ủi, bệnh nhân không những chịu tham gia điều trị điều trị ARV, mà còn đăng ký tham gia điều trị nghiện bằng Methadone tại Trung tâm Y tế quận Long Biên. Đến nay tinh thần, sức khỏe bệnh nhân này tương đối ổn định, có thể tham gia giúp đỡ công việc làm ăn của gia đình.

Hùng tâm sự, làm công việc này mới thấy nhiều gia đình có hoàn cảnh hết sức éo le. Có trường hợp bệnh nhân, hàng ngày người mẹ già phải lọ mọ đón xe buýt, đưa con đi uống thuốc tại trung tâm cách nhà gần hai chục cây số. Hay có trường hợp một bệnh nhân bị nhiễm HIV, đã chuyển sang giai đoạn AIDS, bị người thân bỏ mặc, chỉ có người mẹ đã ngoài bảy mươi túc trực tại bệnh viện để chăm sóc con trong những ngày cuối đời...

Hùng tâm sự, cũng nhiều lần bạn bị bạn bè hiểu lầm, trêu chọc. Nhưng những điều đó không hề cản trở công việc mà bạn đang làm, bởi vì bạn muốn làm được điều gì có ý nghĩa cho những người đã trót lầm đường lạc lối.

Những việc mà Lê Văn Hùng cùng với rất nhiều anh, chị đồng đẳng viên đã và đang thực hiện thực sự mang nhiều ý nghĩa. Việc làm của họ góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.

Họ đã giúp đỡ các thành viên của mình, những người nghiện ma túy, người có HIV vượt qua nỗi đau bệnh tật, mặc cảm bản thân để sống lành mạnh và có ích. Nếu không có sự quyết tâm và lòng nhiệt tình, họ sẽ rất khó bám trụ lâu dài. Nhất là khi làm công việc này họ không dễ nói, không dễ làm và cũng không dễ nhận được sự cảm thông.

Top