"Làn sóng ngầm" tại Myanmar

09/12/2014 15:44

Thoạt nhìn qua, thị trấn ven sông ở bang Kachin của Myanmar có vẻ thịnh vượng, thanh bình. Đây là trung tâm giao dịch thương mại có lợi nhuận hấp dẫn đến từ các mỏ đá quý. Tuy nhiên, sâu bên trong, một làn sóng ngầm đang tồn tại – cái mà các nhà lãnh đạo Myanmar đang đề cập đến, đó là đại dịch heroin.

Ảnh minh họa

Chết vì ma túy nhiều hơn chết vì các cuộc xung đột kéo dài

Ngay cả trong khuôn viên Đại học Myitkyina, bơm kim tiêm đã qua sử dụng ngập tràn thùng rác có ký hiệu cảnh báo người dùng xử lý đúng rác thải để tránh lây lan HIV. Tại các bờ đá của dòng sông Irrawaddy, gần nhà ga, nơi tàu thuyền vận chuyển nhiên liệu, các loại rau quả và du khách nước ngoài, nhiều kim tiêm được xả nổi trên mặt nước.

Giới lãnh đạo địa phương ước tính tỷ lệ sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên tại đây rất cao. "Gia đình nào cũng có vấn đề về ma túy... Tôi nghĩ 65-70% thanh thiếu niên sử dụng ma túy", Reverend Samson Hkalam, người đứng đầu Nhóm Công ước Baptist Kachin, nhóm các nhà thờ lớn nhất ở bang Kachin, cho biết. “Ma túy là kẻ thù đầu tiên của người Kachin”, ông cho biết thêm.

Kachin là bang thiểu số với đa số người theo Kitô giáo ở Myanmar, một quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Kachin cũng là chiến trường của cuộc xung đột giữa quân đội Myanmar và cuộc nổi dậy của các phiến quân Quân đội Kachin Độc lập.

Một số nhà lãnh đạo Kachin cho rằng việc lạm dụng ma túy hiện nay cướp đi mạng sống của nhiều người hơn so với cuộc xung đột kéo dài, được ước tính đã buộc hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong ba năm qua.

Tuy nhiên, tuyên bố này bị người chỉ huy cảnh sát chống ma túy tại Myitkyina Sai Thein Zaw bác bỏ. Trong cuộc trò chuyện với CNN, ông Zaw cho rằng, vấn nạn ma túy không phải là duy nhất ở bang Kachin hoặc Myanmar. Nó đã phần nào hạ nhiệt, những nỗ lực của chính phủ trong việc chống lại vấn nạn ma túy trong khu vực đã thành công.

Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của LHQ cho thấy điều ngược lại. Theo Văn phòng phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC), sản xuất thuốc phiện ở Myanmar tăng gấp đôi trong giai đoạn 2006-2013, chỉ riêng giai đoạn 2012-2013 đã tăng 26%. Myanmar là nước sản xuất thuốc phiện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Afghanistan.

Chúa Giêsu thay bằng methadone

Các nhà lãnh đạo cộng đồng cử các tình nguyện viên làm sạch kim tiêm qua sử dụng trên đường phố, trong khi các nhóm nhà thờ tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở bán ma túy nghi ngờ, chia sẻ hình ảnh và đoạn băng về số ma túy bị tịch thu và đốt cháy.

Trong những đoạn video được phát hành bởi nhóm "Save Youth", các vị mục sư tuyên truyền về phòng chống ma túy qua một cái loa trước hơn chục người đàn ông ngồi trên một con đường đất, họ phát các tờ rơi cảnh báo cho những người sử dụng heroin.

Trong 2 năm qua, 6 trung tâm phục hồi chức năng dựa trên đức tin được thành lập tại khu vực Myitkyina. Một trong số chúng là Trại Ánh sáng của Thế giới, tòa nhà nằm trên bờ sông Irrawaddy bao quanh bởi những bức tường nhôm và tháp bảo vệ. Đối với những bệnh nhân không thể kiểm soát được ham muốn, có những biện pháp quyết liệt hơn, chẳng hạn như bị nhốt vào cũi.

Tại các trại phục hồi chức năng dựa trên đức tin, tư vấn viên không dùng methadone – một loại thuốc opioid tổng hợp thường được sử dụng để điều trị nghiện heroin.

“Chúng tôi sử dụng những lời của Chúa Giêsu thay vì methadone”, anh Ahgan, một người đang điều trị tại Trung tâm cai nghiện Thanh niên cho biết. Trại của Ahga không có tường bao quanh. Trong tuần đầu tiên, bệnh nhân trải qua thời kỳ phục hồi chức năng khắc phục các triệu chứng cai thuốc bằng cách bị nhốt trong phòng giam mà Ahga gọi là "phòng cầu nguyện".

Tất cả 12 bệnh nhân tại đây là những người lao động đến từ các mỏ khai thác ngọc ở Hpakant, tây bắc Myitkyina.

Không San, 29 tuổi, cho thấy những vết sẹo để lại trong vòng tay và tĩnh mạch của mình sau nhiều năm lạm dụng heroin. Anh và các bệnh nhân khác nói heroin và các loại ma túy được mua bán công khai tại một chợ ngoài trời ở gần các mỏ ngọc bích.

"Chúng tôi có thể dễ dàng mua ma túy ở khắp mọi nơi trong Hpakant," Không San cho biết thêm. "Tất cả những người thợ mỏ đều dùng ma túy. Nó không phải lạ đối với chúng tôi. Bạn có thể mua thuốc tại các cửa hàng một cách dễ dàng."

Khi được hỏi lý do tại sao các lực lượng chức năng không can thiệp vào Hpakant, Sai Thein Zaw của Ủy ban kiểm soát lạm dụng ma túy Myitkyina đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy Kachin.

"Thật khó để làm việc ở những nơi như Hpakant vì hòa bình đã không đạt được giữa chính phủ và Nhà nước Kachin" ông nói. "Vì vậy, rất khó khăn để thực hiện các chương trình hành động loại trừ ma túy trong khu vực."

Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền và cộng đồng nhằm loại trừ việc buôn bán và sử dụng ma túy, nhiều nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết, điều tồi tệ nhất sắp đến với Kachin.

Một phần do tỷ lệ thất nghiệp cao trong khu vực, Reverend Hkalam nói rằng, nhiều người cai nghiện nhanh chóng tái nghiện. "Chúng tôi thấy rằng vấn đề chính là theo dõi họ và đào tạo nghề cho họ. Bởi vì nếu trở về nhà, họ thất nghiệp và dễ dàng trở lại với ma túy", ông nói.

Tại một nghĩa trang tại Kachin, hàng ngàn các ống tiêm nằm rải rác trên mặt đất, xung quanh những ngôi mộ đã cho thấy tương lai cuộc chiến ma túy tại Kachin.

Một người đàn ông, tự nhận mình là nông dân, 30 tuổi, bứt một chiếc lá từ một bụi cây để lau giọt máu nhỏ từ cánh tay xuống sau khi tiêm chích. Anh ta nói rằng có thể mua một liều heroin với ít nhất là 4.000 kyat, tương đương với 4 USD. "Nếu tôi có nhiều tiền hơn, tôi sẽ sử dụng nhiều [heroin]," người đàn ông nói. "Sẽ là không có giới hạn nếu tôi có tiền."

Top