Kinh nghiệm phòng, chống ma túy ở Bồ Đào Nha

08/05/2012 14:30

Cùng với Bỉ, Tây Ban Nha và Hà Lan, Bồ Đào Nha là một trong những điểm vận chuyển cocaine chính vào châu Âu.

Theo kết quả điều tra năm 2007, tỷ lệ người từng sử dụng ma túy ở Bồ Đào Nha chiếm 12% dân số. 11.7% trong số đó sử dụng cần sa và heroin, số còn lại sử dụng LSD, chất kích thích và chất gây ảo giác.

Hiện nay, Bồ Đào Nha đang triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2005-2012. Mục tiêu của Kế hoạch này là tăng số lượng các chương trình phòng, chống ma tuý đối với các nhóm dễ bị tổn thương, cải thiện quá trình giám sát và đánh giá các chương trình trước đó.

Bồ Đào Nha là một trong những điểm vận chuyển cocaine chính vào châu Âu. Ảnh minh họa

Bồ Đào Nha cũng đã hoàn thiện bản đồ các khu vực trọng điểm ma túy của nước này, trong đó đã xác định được 163 khu vực. Việc phòng, chống ma túy tại các khu vực này không thực hiện theo sự phân chia hành chính, nhưng thống nhất với nhau bởi các vấn đề chung liên quan đến việc sử dụng ma túy.

Phòng chống ma túy là một phần của chương trình giáo dục tại Bồ Đào Nha. Đào tạo, nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc lạm dụng ma túy, phổ biến thông tin qua các tài liệu tuyên truyền cũng là một hình thức phòng, chống ma túy hiệu quả.

Bên cạnh đó, các cán bộ thực thi pháp luật thường xuyên tuần tra tại các khu vực lân cận trường học để ngăn chặn sự tham gia của học sinh trong việc sử dụng ma túy, cũng như tham gia vào các hoạt động tiếp cận cộng đồng.

Phòng, chống ma túy được đưa vào Chương trình giáo dục ỏ Bồ Đào Nha. Ảnh minh họa.

Việc điều trị nghiện ở Bồ Đào Nha chủ yếu do các cơ sở y tế nhà nước thực hiện. Cả nước hiện đang có 70 bệnh viện chuyên ngành và 9 trung tâm điều trị ngoại trú. Bồ Đào Nha cũng áp dụng biện pháp điều trị thay thế cho người nghiện. Methadone được sử dụng như một liệu pháp thay thế từ năm 1977. Những năm gần đây, nước này sử dụng kết hợp cả Buprenorphine và Naloxone để điều trị nghiện.

Vào tháng 7/2001, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thực hiện xóa bỏ kết án việc sử dụng và tàng trữ tất cả các loại ma túy. Theo đó, việc sử dụng và tàng trữ ma túy chỉ bị phạt hành chính.

Nhiều nhà quan sát phản đối chính sách này vì tin rằng nó sẽ làm gia tăng sử dụng ma túy và các vấn đề liên quan. Tiến sỹ Caitlin Hughes của Đại học New South Wales và Giáo sư Alex Stevens của Đại học Kent đã thực hiện nghiên cứu chi tiết về ảnh hưởng của việc xóa bỏ kết án ở Bồ Đào Nha. Báo cáo Hughes và Stevens năm 2010 đã chỉ ra sự gia tăng không đáng kể trong tỷ lệ sử dụng ma túy ở Bồ Đào Nha trong 10 năm từ khi bãi bỏ kết án. Bên cạnh đó tình trạng sử dụng heroin cũng đã giảm ở mức nhất định. Kết luận cuối cùng của họ là việc loại bỏ các hình phạt hình sự kết hợp với việc áp dụng các liệu pháp điều trị thay thế đã làm giảm gánh nặng trong hệ thống thực thi pháp luật về ma túy và mức độ sử dụng ma túy tại Bồ Đào Nha nói chung.

Top