Khánh thành trung tâm điều trị nghiện và HIV

01/04/2015 17:04

Ngày 1/4, Trường ĐH Y Dược TP.HCM khánh thành văn phòng Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV Miền Nam.

 

Tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền tại trung tâm

Dự án trung tâm này do Trường ĐH Y Dược TP.HCM phối hợp với ĐH Y Dược Hà Nội và ĐH California (Hoa Kỳ) thực hiện với sự tài trợ của Chương trình cứu trợ khẩn cấp AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ thông qua Cục quản lý lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ.

Trung tâm có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu nhằm tìm ra phương thức điều trị nghiện các chất như morphine, heroin, methamphetamin, rượu, ecstasy…

Trung tâm còn hợp tác với các chuyên gia trong nước và nước ngoài mở các khóa huấn luyện về điều trị nghiện chất và thực hành điều trị cho bệnh nhân nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện chất trong nước.

Theo tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, người nghiện không chỉ bị ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn dễ có nguy cơ lây truyền bệnh HIV, chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng xung quanh cũng bị ảnh hưởng.

Do đó, việc dùng biện pháp y học trong điều trị nghiện chất là một trong những ưu tiên của y học Việt Nam hiện nay, nhất là khi bệnh dịch AIDS đang rất phổ biến. Những nghiên cứu của trung tâm sẽ góp phần vào việc phát triển y học về nghiện chất, góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ trong lĩnh vực điều trị nghiện chất, kết nối giữa các cơ sở điều trị với cơ sở đào tạo; giảm bớt nguy cơ lây nhiễm HIV tại cộng đồng, giảm các tệ nạn xã hội do người nghiện gây ra.

Được biết, trung tâm đầu tiên nghiên cứu, chuyển giao công nghệ điều trị nghiện ở Việt Nam được thành lập tại trường ĐH Y Dược Hà Nội vào năm 2011.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã có hơn 22.000 người nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone và trên 90.000 người nhiễm HIV/AIDS được  điều trị bằng thuốc ARV, nhờ đó mà số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS và tử vong đã giảm liên tục trong 7 năm qua.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Mỗi năm vẫn có khoảng từ 12.000-14.000 người nhiễm mới HIV. Nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS còn thiếu nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào tài trợ.

Top