Khám phá quan trọng về nguyên nhân gây nghiện ma túy

26/02/2015 14:50

Chứng nghiện được xác định là sự phụ thuộc các chất hóa học gây ra do một dạng phản ứng của cơ thể với chất gây nghiện. Tuy nhiên Johann Hari, tác giả của cuốn sách nói về cuộc chiến cai nghiện nổi tiếng "Chasing The Scream: The First and Last Days of the War on Drugs" cho rằng hoàn cảnh sống của một người là yếu tố quan trọng đưa người đó vào con đường nghiện ngập.

Ảnh minh họa

Ông nhớ lại khi xem một đoạn phim quảng cáo phòng chống ma túy vào những năm 80 nói về cuộc thí nghiệm trong đó con chuột được sống trong một chiếc lồng với hai cốc nước, một cốc chứa nước tinh khiết và cốc còn lại được cho thêm heroin hoặc cocaine. Người ta thấy con chuột thí nghiệm bắt đầu nghiện cốc nước thứ hai và uống cho đến khi nó chết.

Bruce Alexander, giáo sư Tâm lý ở Vancouver không nghĩ con chuột chỉ uống một chiếc cốc duy nhất vì nó muốn thế. Ông cho rằng việc con chuột chỉ uống chiếc cốc có pha với chất gây nghiện chỉ đơn giản vì nó ở trong một chiếc lồng nhỏ và không có gì khác để làm.

Vị giáo sư này sau đó quyết định thực hiện một cuộc nghiên cứu tương tự nhưng lần này ông thay đổi môi trường sống của con chuột thí nghiệm. Ông bỏ con chuột vào một chiếc lồng lớn hơn và thêm vào đó những đồ chơi, đường hầm, thực phẩm và quan trọng nhất là một con chuột khác để chơi cùng.

Ông cũng cho vào lồng 2 cốc nước giống như thí nghiệm đã thực hiện trước đó. Cả 2 con chuột vẫn thử cốc nước có chứa chất gây nghiện thế nhưng không có ai trong chúng trở nên nghiện và bị chết. 

Hari tác giả cuốn sách ở phần đầu cho rằng chính môi trường sống “hạnh phúc” đã giúp 2 con chuột này quên đi việc phụ thuộc vào cốc nước gây nghiện cho dù đã uống thử nó. Hari bước đầu giải thích điều này là một đặc tính độc đáo của những con chuột.

Làm rõ thêm giả thiết này, ông cho biết đã thí nghiệm và cô lập 2 con chuột suốt 57 ngày liền trong một chiếc lồng “hạnh phúc”. Người ta đã nghĩ rằng, chúng sẽ nghiện cốc nước có chứa ma túy kia nhưng chỉ sau khi giảm liều lượng cả 2 con chuột dễ dàng thoát khỏi hoàn toàn sự phụ thuộc đó.

Đây là lý do tại sao Hari tin rằng chữa chứng nghiện thì cần đưa người nghiện sống trong một môi trường xã hội tích cực.

Bồ Đào Nha chính là minh chứng điển hình cho nhận định này. Khoảng 15 năm trước, chỉ có 1% dân số nước này nghiện heroin. Thay vì bắt giam và bỏ tù những người nghiện, Bồ Đào Nha đầu tư vào xây dựng nhà ở, công ăn việc làm, phòng khám cho người nghiện ma túy. Và những người cai nghiện thành công đã được dần dần hòa nhập với xã hội như một cơ hội đổi đời mới. Kết quả là giảm 50% số lượng người tiêm chích ma túy trong cả nước Bồ Đào Nha.

Tác giả Hari kêu gọi thế giới làm theo gương của Bồ Đào Nha, hãy cho những người nghiện ma túy có cơ hội làm lại và hỗ trợ họ. Đối với những người nghiện, hành động “chào đón” họ của bạn chẳng khác nào chiếc lồng “hạnh phúc” giúp họ đổi đời.

Top