Khắc tinh của tội phạm ma túy xuyên quốc gia

15/11/2011 12:55

Nguyễn Chí Ninh, chàng trai có nụ cười hiền hậu và ánh mắt thân thiện ấy lại là khắc tinh đối với những tội phạm buôn bán ma túy dọc đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào ở Đồn biên phòng cửa khẩu Tây Trang, đóng trên địa bàn xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Chàng quân y bắt tội phạm ma túy

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh

Khi đất nước còn chiến tranh, hình ảnh những người thầy thuốc tay cầm súng, tay mang túi thuốc đã đi vào lòng người và mãi là hình tượng sáng ngời của người thầy thuốc quân y cách mạng Việt Nam. Hôm nay, trên nẻo đường biên cương của Tổ quốc, một chiến sĩ - thầy thuốc quân y biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên) đã làm sống lại hình tượng đẹp đẽ ấy.

Anh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam năm 2010 và là cá nhân duy nhất được chọn đi dự Hội nghị Thanh niên xuất sắc khối ASEAN lần thứ 17 năm 2010 vào ngày 14/9/2011 vừa qua tại Singapore.

Thượng tá Bùi Ngọc Sơn, Đồn trưởng kể cho tôi nghe về chiến công của Ninh và đồng đội: Đó là trận đánh trên dốc bản Ca Hâu cuối năm 2009. Sau khi nhận được tin hai đối tượng đang vận chuyển ma túy từ biên giới về, dưới sự chỉ huy của đơn vị, Ninh và đồng đội lập tức lên đường. Đến đầu dốc Ca Hâu, một trinh sát chở Ninh bằng xe máy phát hiện các đối tượng đang từ trên đỉnh dốc đi xuống, anh nhanh trí vỗ vào đùi Ninh. Ninh hiểu ý, nhảy xuống xe. Đúng lúc đó, hai đối tượng cũng thả dốc tới, Ninh ra hiệu dừng xe. Nhận ra sắc phục của cán bộ biên phòng, tên cầm lái rú ga nhằm thẳng Ninh lao tới, còn tên ngồi sau thò tay vào túi hòng vứt gói ma túy xuống vực để phi tang. Nhanh như cắt, Ninh dùng tay quặp chặt cổ hai đối tượng quật xuống, đồng thời chân đạp mạnh vào tay lái để chiếc xe không lao xuống vực. Tuy cánh tay bị đập vào xe máy đau điếng, Ninh vẫn lấy hết sức ghì chặt tên mang ma túy xuống đất rồi bập chiếc khóa số 8 vào tay hắn.

Tháng 9/2009, trong lúc vật lộn để khống chế đối tượng Cà Văn Điện đang mang trong người 30g ma túy, Ninh đã bị tên này cắn vào tay chảy máu. Điện là đối tượng nghiện ma túy bị nhiễm HIV. Một thời gian dài sau đó Ninh phải điều trị chống phơi nhiễm.

Nhưng đó chỉ là những “xây xước đơn giản” mà Ninh tự nhận. Có lẽ vì thế mà suốt thời gian dài tham gia trong các vụ bắt ma túy ở đồn, anh vẫn giấu không cho gia đình biết vì sợ mọi người lo lắng. Chỉ đến khi bị thương rất nặng phải xuống Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVTWQĐ) để điều trị, Ninh mới chịu gọi điện về cho mẹ biết là đang phải xuống Hà Nội cấp cứu. Đó là một đêm trung tuần tháng 4/2010, có 3 tổ đội được lệnh phá án thì tổ của Ninh đánh bắt trực tiếp, hai tổ còn lại yểm trợ. Ninh cùng đồng đội chọn vị trí mai phục ở đường cua cách đồn khoảng 4km, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Phục từ 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng, cả đội phát hiện có một ánh đèn pin từ đỉnh núi bên kia xuất hiện, ánh đèn quẹt rất nhanh. Nhận định đây không thể là ánh đèn của người đi săn vì người đi săn thường soi đèn pin lên ngọn cây rất lâu chứ không quét nhanh. Nhận định đối tượng sẽ phải băng qua đường quốc lộ để có đối tượng khác đón ở đấy và chở đi, ngay lập tức, 4 anh em dàn đội hình, khi đối tượng bắt đầu lên đến đường quốc lộ thì đồng thời cũng có 2 xe máy đi từ hướng Điện Biên lên. Khi hai đối tượng còn cách khoảng 500m thì đi chậm lại, vừa đi vừa rà đèn pin để xem có bị mai phục không, nếu an toàn thì các đối tượng này sẽ gọi điện thoại cho đối tượng cầm hàng lên. Các anh lập tức đu cành cây tụt người xuống ta luy âm để tránh bị đối tượng phát hiện. Khi đối tượng cầm hàng lên đến đường quốc lộ thì tổ ập ra đánh, lúc đó trời mùa đông rất tối và lạnh, sương mù nhiều, mưa phùn. Các anh em trong tổ đội thì lao ra bắt các đối tượng đi xe máy còn đối tượng cầm ma túy bỏ chạy, cắt đường chạy lên rừng. Ninh phát hiện ra và đuổi theo. Lúc phát hiện chỉ có 1 người đuổi theo, đối tượng đã quay lại rút dao ra và nhằm thẳng vào Ninh. Khi đó trong tay Ninh chỉ có một dùi cui gỗ và… 1 túi thuốc. Bằng phản xạ đã được rèn luyện qua nhiều lần đánh án, Ninh nhanh chóng né tránh được nhát dao và quật ngã đối tượng. Không còn gì để mất, tên tội phạm liều dùng hết sức bật ra và lao xuống vực sâu. Trong tích tắc, Ninh nhận định nếu mình chạy bộ xuống đấy thì phải mất ít nhất 40 phút, trong thời gian đó nếu đối tượng may mắn thoát chết thì hắn vẫn còn thời gian tẩu thoát. Vậy là không suy nghĩ thêm nữa, Ninh lao theo ôm chặt lấy đối tượng và cả hai cùng lao xuống đáy vực giữa một khe suối cạn. Tay người chiến sĩ - y sĩ biên phòng vẫn khóa chặt đối tượng nhưng Ninh cảm thấy buốt dọc cột sống, rét run, không thở được nữa. Đúng lúc đó, một người đồng đội của Ninh đã kịp thời có mặt và cũng lao xuống yểm trợ cho Ninh. Khi nghe thấy tiếng gọi của đồng đội, Ninh biết có người đến ứng cứu và chỉ kịp giơ tay lên rồi ngất đi. Ngay buổi trưa hôm đó, Ninh được chuyển thẳng từ BV tỉnh Điện Biên về BVTWQĐ 108 điều trị tiếp trong khoảng 2 tháng và sau đó 1 tháng, anh được chuyển sang điều trị tại Bệnh xá 359 - Bộ Tư lệnh Biên phòng và Bệnh xá BCH Biên phòng tỉnh. Hậu quả của lần bị thương này, Ninh đang phải đi giám định chấn thương cột sống xẹp độ 1 L1, L2, vỡ mỏm gai đốt sống L5. Nhớ lại hoàn cảnh lúc đó, Ninh bảo cũng thấy mình liều mạng nhưng lúc đó chỉ nghĩ bằng mọi cách bắt được tội phạm, không để hắn chạy thoát. Ra viện được 2 tháng, Ninh lại tiếp tục cùng đồng đội mật phục ở chính vị trí đấy. Ngửi mùi lá cây rừng và nước suối tanh hôi, bất chợt nhớ lại cảm giác lúc bị thương không thở được, lạnh người. Nhưng cảm giác ấy chỉ đến trong thoáng chốc rồi anh lại nhanh chóng hòa nhịp cùng anh em trong đội tiếp tục những hành trình phá án. Và mỗi lần được gọi đi đánh án, anh lại tắt máy điện thoại, xách theo túi thuốc lên đường.

Thiếu úy Nguyễn Chí Ninh (người ngoài cùng bên trái) tại Hội nghị Thanh niên xuất sắc khối ASEAN lần thứ 17 tại Singapore tháng 9/2011

“Muốn được học lên bác sĩ để chữa bệnh cho bà con”

Sau những lần đánh án, Ninh lại trở về vị trí chuyên môn chính là một y sĩ của Đồn biên phòng 429 cửa khẩu Tây Trang. Xã Na Ư, nơi các anh đóng quân cũng như nhiều nơi khác trên vùng núi rừng Tây Bắc nghèo đói và lạc hậu. Chàng thanh niên sinh năm 1982 của vùng quê Hải Hậu, Nam Định khi mới được điều động về làm y sĩ của đồn đã rất “sốc” với phong tục cúng ma để chữa bệnh của đồng bào dân tộc Mông ở đây. Không nản chí, anh quyết tâm cùng đồng đội xuống tận bản, đến từng nhà tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ hủ tục, giữ vệ sinh nơi ở, đi ngủ phải mắc màn, không uống nước lã, đau ốm phải khám bệnh và dùng thuốc. Bằng sự kiên trì và tận tụy với người bệnh, dần dần nhân dân đã tin thầy thuốc, không mời thầy cúng, thầy mo.

Với đồng bào Mông nơi đây, việc tang, việc cưới phải theo phong tục và những quy định của dòng họ. Gia đình khi có người chết thường để 4 hoặc 5 ngày trong nhà, mổ trâu, bò, lợn, gà ăn uống vô cùng tốn kém. Cùng địa phương và bản thân Ninh kiên trì giáo dục, thuyết phục, đến nay đồng bào Mông ở Na Ư thực hiện: người chết được khâm liệm và cho vào quan tài, không để lâu như trước, không mổ trâu, bò ăn uống vừa gây tốn kém, lãng phí cho tang chủ, vừa không đảm bảo vệ sinh.

Kỷ niệm sâu sắc của Ninh trong mấy năm làm thầy thuốc quân y ở đây là vào năm 2008, con dâu của ông Vừ Phá Ly ở bản Hua Thanh trở dạ, sinh con gần một ngày mà không bong được rau. Bình thường, sau khi sản phụ sinh xong thì rau thai sẽ tự bong ra ngoài nhưng trường hợp này rau thai bị mắc, dính vào thành tử cung không bong ra được gây đau, mất máu, để lâu thì sẽ rất nguy kịch cho tính mạng của sản phụ. Đến 1 giờ đêm, gia đình bệnh nhân mới đến đồn nhờ giúp đỡ. Không một chút ngại ngần, bất chấp gió mưa, vai đeo túi thuốc, với chiếc đèn pin trong tay, anh đi bộ xuyên qua hơn 6km đường rừng. Khi Ninh đến nơi thì sản phụ đã quá yếu, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt. Đây là một ca khó vượt quá khả năng của y tế cơ sở, bình thường phải chuyển lên tuyến trên để xử lý. Nhưng nếu chuyển sản phụ lên y tế tuyến trên thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Được gia đình đồng ý, Ninh quyết định xử lý bằng cách trợ lực cho sản phụ, tiến hành bóc rau thai. Ca cấp cứu thành công. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ, sản phụ đã qua cơn hiểm nghèo. Gia đình ông Vừ Phá Ly vô cùng cảm phục, coi anh như người con yêu của gia đình và thường gọi bộ đội y tế Ninh dông xa - tiếng Mông nghĩa là bộ đội y tế Ninh là người tốt quá.

Một trường hợp khác mà Ninh vừa cứu sống bệnh nhân, vừa giúp gia đình bệnh nhân loại bỏ được hủ tục là khi một cháu bé vừa sinh ra bị sặc nước ối, ngạt. Gia đình cháu bé không gọi y tế mà gọi thầy cúng đến. Nghe tin, Ninh đến tận nơi, thấy cành cây tươi trước cửa nhà, Ninh chưa bước vào vội mà phải hỏi gia đình là mình vào có được không. Phong tục của người Mông là khi cúng ma thì không cho người lạ vào nhà vì sợ người lạ dẫn con ma vào nhà họ và họ cắm cành cây tươi trước cửa để ngăn không cho ai vào. Nếu ai bước qua cành cây đó tự ý xông vào thì sẽ bị phạt. Thấy gia đình cương quyết không cho vào, Ninh liền đưa tay nắm lấy cành cây rút sang một bên rồi bước vào làm công việc của người thầy thuốc. Anh bước đến bên giường bệnh, ôm lấy đứa trẻ, lau sạch rồi kích thích cho trẻ khóc ra hết đờm dãi, nước ối bị sặc trong cổ họng để trẻ thở được rồi mới quay lại giải thích cho gia đình hiểu. Lúc này, gia đình họ mới hiểu và cho đến bây giờ vẫn cảm ơn anh vì đã dũng cảm vượt qua hủ tục để cứu lấy đứa trẻ.

Công tác được 6 năm, tham gia cả công tác y tế và phòng chống ma túy, Ninh bảo, lúc đầu những người vừa chịu ơn cứu chữa của mình lại có người nhà bị mình bắt vì ma túy, họ rất ngại gặp mình, thậm chí có người còn không thèm nói chuyện với mình. Nhưng Ninh cứ coi như không có chuyện gì xảy ra, vẫn vào nhà khám bệnh cho họ hoặc chỉ đơn giản là đi qua thì ghé vào hỏi thăm. Dần dần, họ cũng hiểu được đó là công việc của cán bộ và không còn trách anh nữa.

Say mê làm việc, chỉ tính riêng năm 2010, y sĩ Ninh đã cùng các đồng nghiệp điều trị cho hơn 100 lượt bệnh nhân; xử lý hàng chục ca cấp cứu nguy hiểm xảy ra trên địa bàn, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Năm 2008, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2010, Nguyễn Chí Ninh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được thăng quân hàm Thiếu úy trước niên hạn. Giờ đây, ước muốn lớn nhất của người thầy thuốc - chiến sĩ ấy là được học lên bác sĩ để có điều kiện tiếp cận với nhiều phương pháp điều trị các bệnh khó, giúp cho cán bộ chiến sĩ và người dân ở đây khi bị bệnh hiểm nghèo có thể được điều trị tại chỗ để đồng bào nghèo ở vùng cao Na Ư không còn lo ngại mỗi khi con ma bệnh ập đến bất cứ lúc nào.

Top