Hút shisha: Không cấm nhưng không nên hút

05/02/2012 10:18

Theo một nghiên cứu tại Anh Quốc, người hút shisha hoặc thuốc lá thảo dược, có thể bị nhiễm carbon monoxide cao hơn ít nhất từ 4-5 lần so với hút một điếu thuốc lá.

Trào lưu hút shisha đang dần trở nên phổ biến trong một bộ phận không nhỏ của giới trẻ.

Hơn 02 năm trở lại đây, trong giới trẻ tại nhiều thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đang rộ lên trào lưu hút shisha. Thậm chí tại không ít nhà hàng, vũ trường, cà phê kinh doanh loại hình này được quảng cáo rộng rãi trên các trang mạng xã hội nhằm thu hút sự chú ý như: “Shisha được coi là một nét văn hóa giao tiếp Trung Đông. Shisha có rất nhiều hương vị như bạc hà, cam, dâu, táo, socola…” hoặc “Shisha không chỉ được sử dụng rộng rãi ở các nước Trung Đông mà còn được ưa chuộng tại mọi nơi trên thế giới, bởi khói shisha nhẹ và không độc hại như thuốc lá”…

Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời Trung tá Ngô Thanh Liêm, Đội phó Đội 6 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC17) Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, shisha không chứa chất kích thích, không phải ma túy nên không có trong danh mục các chất bị cấm sử dụng. Hiện nay cũng chưa có quy định nào về việc kiểm tra và xử phạt các trường hợp sử dụng shisha.

Không tốt cho sức khỏe

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, hút shisha gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Mặc dù không phải là ma túy nhưng shisha vẫn có nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe

Hơi nước do shisha tạo ra làm cho khói bớt khó chịu và gây ra cảm giác an toàn giả tạo khiến nhiều người lầm tưởng là khói từ shisha ít nguy hiểm hơn nhiều so với khói thuốc lá. Tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận việc hút shisha cũng tàn phá sức khỏe y như hút thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu hút shisha trong 01 giờ thì một người có thể hít nhiều gấp 100 đến 200 lần lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá. Một nghiên cứu vào năm 2005, cũng cho thấy người hút shisha có nguy cơ mắc bệnh răng miệng và bị ung thư phổi gấp năm lần người bình thường.

Nếu hút shisha trong phòng kín, có máy lạnh thì khí CO không thoát ra ngoài. Hít CO với lượng nhiều sẽ ức chế trung tâm hô hấp, làm mất sự trao đổi khí của các phế nang ở phổi, dẫn đến tình trạng suy hô hấp, hôn mê, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong.

Mặc dù thuốc shisha không phải là ma túy, nhưng việc sử dụng shisha vẫn có những tác hại không tốt cho sức khỏe. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu những giải pháp để tăng cường kiểm soát việc mua bán và sử dụng loại thuốc này.

Top