Hội thảo quốc tế về phát triển thay cây thuốc phiện lần thứ 2 (ICAD2)

25/11/2015 17:05

Trong 2 ngày 23 - 24/11/2015, Hội nghị quốc tế về phát triển thay cây thuốc phiện lần thứ hai (ICAD2), đã diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm trưởng đoàn.

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo năm nay có hơn 300 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của Liên hợp quốc và 15 tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Hội thảo do Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan, Quỹ dự án Hoàng gia, Quỹ Mae Fah Luang dưới sự bảo trợ của Hoàng gia, Viện Tư pháp Thái Lan và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) phối hợp tổ chức.

Trước đó, nước chủ nhà đã tổ chức chương trình thăm quan thực địa tại một số địa bàn dự án tiêu biểu về phát triển thay cây thuốc phiện tại Chiềng-mai, Chiềng-rai (Thái Lan) và Bang Shan (Myanma) như: dự án Doi Tung, dự án Nong Hoi của Quỹ dự án Hoàng gia Thái Lan.

Hội thảo quốc tế về phát triển thay cây thuốc phiện lần thứ nhất (ICAD1) do Chính phủ Thái Lan, Peru và UNODC tổ chức vào tháng 11/2011, đã dự thảo “Bộ chỉ dẫn quốc tế về phát triển thay cây” và trình thông qua tại Hội thảo cấp cao tại Peru vào tháng 11/2012, Khóa họp của Ủy ban kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND) lần thứ 56 tại Viên, Áo vào tháng 3/2013 và Phiên họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 12/2013 tại New York, trở thành “Bộ chỉ dẫn tiêu chuẩn của Liên hợp quốc về phát triển thay cây” (UNGPs AD).

Tại Lễ khai mạc, Đại tướng Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Thái Lan; Ông Aldo Lale Demoz, Trợ lý Giám đốc điều hành UNODC và Công chúa Hoàng gia Thái Lan Bajarakitiyabha Mahidol đều có bài phát biểu tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phát triển thay thế, kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế xây dựng mối quan hệ gắn kết, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực phát triển thay cây thuốc phiện hướng tới xây dựng chương trình phát triển bền vững sau năm 2015.

Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm về công tác phát triển thay cây, giải quyết vấn đề gieo trồng trái phép cây có chứa chất ma túy thông qua công tác giảm nghèo và đảm bảo cho người dân có nguồn thu nhập hợp pháp, Hội thảo năm nay đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lồng ghép công tác phát triển thay cây thuốc phiện trong xây dựng chính sách của quốc tế và quốc gia. Chương trình nghị sự của Hội thảo cấp cao tập trung vào việc: (1) Rà soát tiến độ, những khó khăn thách thức trong triển khai các đề án thay cây, thống nhất triển khai Bộ chỉ dẫn của Liên Hợp quốc về phát triển thay cây; (2) Thách thức về an ninh và thực thi pháp luật trong công tác kiểm soát ma túy; (3) Các mục tiêu để đảm bảo bảo phát triển bền vững trong thay thế cây có chứa chất ma túy chuẩn bị cho Phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu năm 2016 (UNGASS 2016) với khẩu hiệu “sáng tạo-hiệu quả và bền vững” trong phát triển thay thế cây có chất ma túy trong giai đoạn sau 2015; (4) Tăng cường mạng lưới hợp tác toàn cầu về phát triển thay cây, đặc biệt là thông qua mô hình hợp tác ba bên (giữa các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển thay cây thuốc phiện, các nước tài trợ và những nước bị tác động, ảnh hưởng bởi hoạt động gieo trồng cây thuốc phiện).

Bên lề Hội thảo cũng diễn ra Phiên họp nhóm 6 nước tiểu vùng sông Mê Công gồm Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Việt Nam và UNODC, nhằm thảo luận thống nhất các giải pháp và khuyến nghị đối với công tác phát triển thay thế cây thuốc phiện ở tiểu vùng; hoạt động Triển lãm thành tựu của công tác phát triển thay cây thuốc phiện của các nước trong khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Trưởng đoàn Việt Nam nêu rõ: Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực phát triển thay thế cây thuốc phiện; công tác xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, thay thế bằng các loại cây trồng, vật nuôi khác là một nhiệm vụ quan trọng trong tổng thể các giải pháp phòng, chống ma túy tại Việt Nam, mang ý nghĩa chiến lược và lâu dài, giúp ngăn chặn được nguồn cung ma túy trong nước. Từ một nước đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về gieo trồng cây thuốc phiện với diện tích thống kê được vào năm 1992 lên tới 19.000 ha, đến nay Việt Nam đã cơ bản xóa bỏ được loại cây này, hiện còn 14,9 ha năm 2015. Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện thành công việc xóa bỏ cây thuốc phiện/cần sa ở Việt Nam đòi hỏi tổng thể các giải pháp như tuyên truyền, kinh tế xã hội và các giải pháp khác để đảm bảo phá bỏ cây có chứa chất ma túy một cách bền vững.

Công tác phòng, chống tái trồng cây có chứa chất ma túy cần được tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng đời sống văn hóa xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động nắm tình hình địa bàn nguy cơ;  nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao thay thế cây có chứa chất ma túy, ưu tiên phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với sinh thái địa phương, kết hợp đảm bảo thị trường tiêu thụ, đầu ra.

Sự quyết tâm của mỗi Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành có liên quan ở mỗi nước, sự đồng thuận của nhân dân và sự phối hợp hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong thành công của công tác phát triển thay thế.

Hội thảo cấp cao cũng đã thảo luận và thống nhất thông qua Báo cáo kết quả và khuyến nghị về công tác phát triển thay cây để đưa ra Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về vấn đề ma túy toàn cầu vào tháng 4/2016 tại New York, Hoa Kỳ (UNGASS 2016), qua đó tiếp tục khẳng định lập trường chung của khu vực ASEAN về chính sách kiểm soát ma túy quốc tế: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy, cân bằng giữa giảm cung và giảm cầu, kết hợp với các giải pháp kinh tế xã hội, phù hợp về mặt lịch sử, chính trị, kinh tế và đặc trưng văn hóa xã hội để giải quyết vấn đề ma túy ở mỗi nước và trong khu vực.

Top