Hòa Bình: Phấn đấu cai nghiện cho 500 đối tượng

03/09/2015 15:00

Theo số liệu thống kê của tỉnh Hòa Bình, tính đến đầu tháng 6/2015, số người nghiện có mặt tại cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh là 1.637 người. Trong đó tập trung nhiều nhất ở các địa phương: TP Hòa Bình (672 người), Mai Châu (317 người), Lương Sơn (173 người), Lạc Sơn (129 người). Trong đó chỉ có khoảng 200 người nghiện hiện đang chữa bệnh tại các trung tâm cai nghiện.

Tư vấn cho bệnh nhân cai nghiện bằng Methadone tại Mai Châu, Hòa Bình - Ảnh minh họa

Năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu cai nghiện cho 500 người. Trong đó: cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cho 250 người (TP Hòa Bình 90 người, Mai Châu 45 người, Lạc Sơn 20 người, Lương Sơn 20 người), cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng cho 250 người (thành phố Hòa Bình 100 người, Mai Châu 50 người, Lương Sơn 26 người, Lạc Sơn 20 người). Ngoài ra sẽ điều trị bằng thuốc methadone cho 1.200 bệnh nhân tại 4 địa bàn: TP Hòa Bình 600 bệnh nhân, huyện Mai Châu 270 bệnh nhân, Lương Sơn 220 bệnh nhân và Lạc Sơn 110 bệnh nhân.

Được biết, từ tháng 10/2014, tỉnh Hòa Bình bắt đầu triển khai công tác cai nghiện ma túy theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, cho đến nay, thực tế triển khai công việc, đặc biệt là việc xác định tình trạng nghiện ma túy để đưa các đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tại các Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn. Tinh đến tháng 6/2015 toàn tỉnh mới đưa được 04 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân huyện Cao Phong.

Nguyên nhân một phần do các Bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra còn do sự thiếu hợp tác, phối hợp giữa các sở Ban, ngành địa phương trong việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện.

Theo Bác sĩ Lê Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, hiện nay, việc chuẩn đoán xác định nghiện ma túy nhóm Opiats tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, thậm chí tại bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Hòa Bình vẫn chưa đủ các điều kiện để triển khai thực hiện theo quyết định số 5075/QĐ-BYT. Do đó, việc xác định tình trạng nghiện tại tỉnh Hòa Bình hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào sự tự nguyện của người nghiện hoặc theo hồ sơ quản lý của lực lượng chức năng (bị xử phạt nhiều lần về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đã cai nghiện tập trung nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện).

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, trong tháng 7/2015, lãnh đạo các Sở LĐTBXH, Tư pháp, Y tế, Công an tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ký kết và ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong việc lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn.

Trong đó, quy định cụ thể về các nội dung như: Quy trình lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng; Quy trình phối hợp lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng; Việc tiếp nhận người nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; Quy trình phối hợp lập và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Kiểm tra tính pháp lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa người đã có quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bênh cạnh đó, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy tại tỉnh Hòa Bình được đẩy mạnh, đổi mới về nội dung, biện pháp, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nổi bật nhất là việc duy trì 1.538 mô hình "Dân vận khéo", biên soạn, in ấn 20.000 tờ gấp, 5000 cuốn sổ tay công tác phòng chống ma túy và tổ chức 2.867 buổi tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho 20.170 lượt người trên địa bàn.

Top