Hiệu quả từ mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng ở Tuyên Quang

09/10/2014 17:07

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên hơn 5.800 km2, dân số lên đến 757.626 người, có 7 huyện, thành phố; 141 xã, phường, thị trấn; 2.090 thôn, xóm, bản, tổ nhân dân; trong đó có trên 80 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma tuý (10 xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn ma tuý).

Tạo công ăn việc làm cho người nghiện sau cai. Ảnh minh họa

Áp dụng hiệu quả mô hình cai nghiện 3 giai đoạn

Trong đó, số người nghiện ma tuý ngày càng trẻ hoá, tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động từ 18-40 tuổi; hình thức sử dụng chủ yếu là tiêm chích, một số đã chuyển sang dùng ma tuý tổng hợp.

Thời gian qua, mặc dù chính quyền, lực lượng chức năng và nhân dân liên tục mở các đợt đấu tranh, truy quét, triệt phá ổ nhóm tệ nạn ma tuý, nhưng số người nghiện mới ngày một phát sinh, thường tập trung tại các địa bàn nội thị, các địa bàn giáp danh với các tỉnh lân cận. Sự gia tăng về tệ nạn ma tuý kéo theo tình hình lây nhiễm HIV trong tỉnh. Tính đến nay, luỹ tích số người nhiễm HIV được phát hiện trên 1.500 trường hợp; trong đó số ca nhiễm còn sống trên 900 trường hợp, số bệnh nhân AIDS đã tử vong hơn 630 người; số người nghiện ma tuý nhiễm HIV chiếm 80% trong tổng số người nhiễm HIV trong toàn tỉnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tấn công truy quét tội phạm ma tuý với phương châm: "Kiên quyết, kiên trì, liên tục; thống nhất, đồng bộ, đồng loạt".

Từ năm 1996, Tuyên Quang đã ban hành quy trình điều trị bắt buộc cai nghiện ma tuý qua 3 giai đoạn; áp dụng thí điểm tại địa bàn thành phố Tuyên Quang. Đến năm 2000 được áp dụng trên toàn địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo đó, công trường cai nghiện ma tuý và tổ chức cai nghiện theo mô hình 3 giai đoạn gồm rèn luyện sức khoẻ cho người cai nghiện, giáo dục người cai nghiện và quản lý sau cai ở gia đình, cộng đồng giúp người cai nghiện tạo việc làm ổn định cuộc sống, hoàn toàn từ bỏ ma tuý, được công nhận hoàn thành cai nghiện, hoà nhập cộng đồng.

Kết quả cho thấy, mô hình này của tỉnh đã cụ thể hoá được chủ trương của Đảng và Nhà nước trong công tác cai nghiện. Đó là "Xã hội hoá công tác cai nghiện" đã huy động được sức mạnh của cộng đồng, chính quyền các cấp; các cấp hội đoàn thể và mọi tầng lớp người dân tham gia quản lý và thực hiện công tác cai nghiện. Việc cai nghiện tại xã, phường, gia đình, cộng đồng đã giúp cho đối tượng có điều kiện được học tập, lao động sản xuất có sản phẩm để nuôi sống bản thân; có cơ hội được tiếp cận, hoà nhập với cộng đồng xoá bỏ mặc cảm cho đối tượng, đồng thời giảm gánh nặng về chi phí cai nghiện phục hồi.

Qua thực tế, nhiều người nghiện sau khi được công nhận hoàn thành cai nghiện đã trở thành tấm gương nỗ lực, tích cực làm kinh tế không những giúp đỡ bản thân thành công mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như Anh Nguyễn Đức Quân (SN 1967, cư trú tại Trung tâm I thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hoá), với thời gian nghiện khoảng 7 năm, vợ con anh Quân tưởng như đã mất một người chồng, người cha nhưng với sự nỗ lực, lòng quyết tâm phấn đấu của bản thân, sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng anh được công nhận hoàn thành cai nghiện năm 2001. Hiện anh là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Chi bộ, tổ phó tổ nhân dân kiêm Công an viên xã, luôn tích cực tham gia công tác xã hội, tuyên truyền giúp đỡ người cai nghiện có việc làm ổn định để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Quân không ngần ngại tâm sự: Tôi từ vũng bùn đi lên không nghĩ mình lại có cuộc sống như ngày hôm nay, và lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi vinh hạnh và tự hào vô cùng. Với sự không ngừng phấn đấu, rèn luyện bản thân, đến nay, anh Quân đã tạo được lòng tin của bà con nhân dân và sự tin tưởng của cấp ủy chính quyền thị trấn, anh đã xin thành lập nhóm “Tự lực sáng mãi” với 13 thành viên là những người có tiền sử sử dụng ma túy, nhiễm HIV.

Anh Quân đã tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, động viên thăm hỏi, giúp đỡ tuyên truyền cách phòng tránh HIV và các biện pháp phòng ngừa giảm lây nhiễm. Một người nghiện lâu năm tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ có thể cai nghiện lại có thể làm những công việc có ích cho cộng đồng xã hội, niềm vui của anh như được nhân lên khi người con trai cả của anh được tiếp nhận vào Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc Bộ - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.

Trường hợp anh Phạm Thanh Bằng cũng từ bỏ ma túy trở về với cuộc sống gia đình bằng nghề làm bún gia truyền. Được hỏi về động cơ từ bỏ ma túy anh nói: Khi đi cai nghiện tại Công trường 06 nhìn ra ngoài thấy người ta có tự do mà mình lại phải khổ cực vì ma túy mình thấy phải vươn lên cai nghiện, trở về vẫn có bạn bè dụ dỗ nhưng kiên quyết từ chối, và khi đó mẹ anh có nghề làm bún gia truyền có thu nhập khá, anh lao vào công việc sáng sớm đến khuya chuẩn bị các khâu làm gạo, xay bột, đưa bún cho các cửa hàng…, công việc cứ cuốn theo và thu nhập cũng tốt nên đã quyết tâm từ bỏ ma túy.

Có thể nói thị trấn Vĩnh Lộc là một trong các địa bàn có nhiều người nghiện ma tuý, thực hiện việc quản lý sau cai nghiện Đảng uỷ và UBND thị trấn tạo điều kiện cho họ vay vốn, phát triển kinh tế bằng các mô hình, việc làm phù hợp tại địa bàn thị trấn. Trong 4 năm qua, thị trấn có 19 người sau cai được vay vốn giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo bằng nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội với số vốn vay lên đến 240 triệu đồng. Hiện nay các đối tượng đã thực hiện tốt việc sử dụng nguồn vốn, phần lớn là tăng gia sản xuất và phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập gia đình, đến kỳ hạn thì trả lãi đúng hạn, hiệu quả vốn vay tốt.

Trường hợp ông Nguyễn Văn Kim (hơn 50 tuổi, ở phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang) được dự án cho vay tiền mua ô tô tải trở vật liệu, bên cạnh đó ông còn thâm canh với 5 sào lúa, 4 sào ngô, trung bình gia đình ông 1 tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Trở về sum họp với vợ con, hiện tại ông có cả cháu nội lẫn cháu ngoại, ông Kim mới thấy được giá trị của cuộc sống - gia đình luôn là niềm động viên an ủi là nguồn động lực lớn để ông có thể từ bỏ “nàng tiên trắng” trở về làm người có ích cho gia đình và xã hội.

Hoàn cảnh anh Anh Nguyễn Minh Điệp sinh năm 1983 ở tổ 20 phường Hưng Thành sau thời gian phụ xe khách mắc vào nghiện ma túy, sau cai nghiện được hỗ trợ vay vốn từ dự án HAAR, anh Điệp đã cùng người bạn thân mở xưởng cơ khí chuyên làm cửa nhôm kính, mái tôn tự tạo việc làm cho bản thân và 2 thanh niên trên địa bàn cho thu nhập ổn định bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Còn rất nhiều các điển hình khác chưa thể nêu hết tên, điều đó cho thấy mô hình cai nghiện 3 giai đoạn của tỉnh Tuyên Quang không những tạo điều kiện cho người nghiện được chữa bệnh, tái hoà nhập cộng đồng mà còn tạo điều kiện giúp họ có cơ hội được đóng góp công sức phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Sau hơn 10 năm kiên trì thí điểm áp dụng mô hình cai nghiện 3 giai đoạn, Tuyên Quang đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác cai nghiện phục hồi nhiều mô hình phường, xã, thị trấn, nhiều điển hình cai nghiện có hiệu quả được nhân rộng ở tỉnh cũng như ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Đến nay, thực hiện Luật xử lý hành chính, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Trung tâm CB-GD-LĐXH tỉnh, các huyện, thành phố thành lập Đội quản lý công tác cai nghiện thuộc Trung tâm thay thế Công trường 06 trước đây. Từ thực tiễn công tác cai nghiện những năm qua Tuyên Quang xác định đây là công việc lâu dài cần tăng cường sự phối hợp các cấp, các ngành trong việc thực hiện có hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi đảm bảo ngăn chặn và đẩy lùi vững chắc tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.
Top