Hiệu quả bước đầu mô hình điều trị nghiện bằng Suboxone

16/09/2015 16:33

Sau hơn 7 tháng hoạt động, cơ sở điều trị thí điểm nghiện bằng Suboxone đầu tiên tại Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị cho 79 bệnh nhân, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 69 bệnh nhân vẫn đang tiếp tục điều trị.

Ngày 29/1, Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp đã phối hợp với tổ chức E’sther (Pháp) và Viện Quốc gia Hoa Kỳ về lạm dụng ma túy (NIDA) bắt đầu áp dụng điều trị thí điểm bằng Suboxone cho bệnh nhân với kinh phí 1 triệu USD trong 3 năm.

Tư vấn, điều trị bệnh cho người nghiện - Ảnh minh họa

Trong thời gian đầu thực hiện thí điểm đã có 37 bệnh nhân triển khai điều trị nghiện bằng Suboxone. Dự kiến, chương trình điều trị này có kế hoạch điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân nghiện ma túy tại quận Gò Vấp trong vòng 2 năm. Nếu kết quả điều trị ở các bệnh nhân tốt, Bộ Y tế sẽ có hướng áp dụng rộng rãi phương pháp này cho người nghiện ma túy trên cả nước.

Suboxone là một chất bán tổng hợp, được sử dụng để điều trị nghiện giống như Methadone nhưng được đánh giá là an toàn hơn. Suboxone có thời gian bán thải kéo dài từ 20-73 giờ nên kéo dài tác dụng của thuốc từ 24-48 giờ, thậm chí tới 72 giờ, điều này giúp người nghiện ngậm thuốc 3-4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị trong 1 tuần.

Thuốc Suboxone cũng không gây tăng liều khi điều trị lâu dài. Các tác dụng phụ của Suboxone bao gồm táo bón, rối loạn giấc ngủ, vã mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, rối loạn chức năng tình dục… vẫn xảy ra nhưng nhẹ nhàng hơn so với Methadone.

Bên cạnh đó, đối với các bệnh nhân có các bệnh lý khác kèm theo như điều trị viêm gan, lao, HIV khi dùng Methadone sẽ bị tương tác thuốc, do đó phải dùng liều cao hơn nhưng với Suboxone thì không gây tương tác thuốc nên không cần phải tăng liều. Methadone phải dùng đúng liều hàng ngày, còn Suboxone thì cách ngày. Nhờ những đặc điểm ưu việt hơn nên Suboxone được chấp thuận tại nhiều nước trên thế giới từ hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Suboxone chưa được lưu hành ngoài thị trường và mới chỉ được sử dụng trong dự án đầu tiên trong cả nước tại Phòng khám Lao và HIV quận Gò Vấp, TP.HCM.

Đối tượng bệnh nhân được chọn điều trị trong gói dự án là những người nghiện thâm niên, đã từng trải qua nhiều trường, trại mà vẫn tái nghiện hoặc không từ bỏ được nghiện. Một điểm nữa là do Suboxone còn đang thử nghiệm, chưa có nhiều ở các cơ sở cai nghiện nên bệnh nhân không được chọn ở quá xa Gò Vấp để đề phòng việc đi xa rồi bỏ uống thuốc.

Nếu như việc điều trị Methadone phải tốn thời gian đi lại mỗi ngày thì Suboxone lại cách ngày, tuy nhiên Methadone thì dùng theo đường uống (uống và súc ly 3 lần theo phác đồ của Bộ Y tế để tránh ngậm thuốc lại trong miệng) thì Suboxone lại tốn công sức theo dõi từ đội ngũ nhân viên hơn, do Suboxone phải ngậm trong miệng nhiều viên, khoảng 30 phút mới tan hết. Chính vì vậy, TS. BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp cho rằng, nguyên nhân một số bệnh nhân bỏ điều trị là do “không đủ kiên nhẫn để ngậm thuốc tới 30 phút/ 1 lần”.

Cho biết về kết quả điều trị, TS. BS Nguyễn Trung Hòa cho biết, sau hơn 7 tháng điều trị, chương trình đã cho kết quả tốt, đa phần sức khỏe bệnh nhân đều được cải thiện, có trường hợp 1 bệnh nhân đã ở tuổi lục tuần, nghiện năm 13 tuổi nay đã 55 năm nghiện nhưng qua thời gian điều trị Suboxone, ông đã đáp ứng tốt. TS.BS Nguyễn Trung Hòa hy vọng sẽ có nhiều người đáp ứng được như bệnh nhân kể trên, để khi dự án kết thúc cuối năm 2017 thì mô hình điều trị nghiện bằng Suboxone sẽ được nhân rộng mô hình trên toàn quốc.
Top