Hành trình từ bỏ cây thuốc phiện

09/01/2012 16:57

"Nếu ngày trước mình không từ bỏ cây thuốc phiện, mắc vào nghiện hút thì làm sao mà được như thế này. Nhờ khá giả nên mình cũng giúp được nhiều hộ quanh vùng cũng thoát nghèo bằng cách làm trang trại đấy."

Anh Mùa Dũng Dua, người dân bản Lồng, xã Toả Tình, Tuần Giáo, Điện Biên cho biết.

Quyết từ bỏ cây thuốc phiện

Trước năm 1993, cây thuốc phiện là nguồn thu chủ yếu của nông dân vùng cao, khi ấy nhà anh Dua là một trong những hộ trồng nhiều thuốc phiện nhất vùng. Tuy không đo đạc cụ thể diện tích là bao nhiêu nhưng nương thuốc phiện của anh mỗi ngày thu được tới hơn nửa cân thuốc phiện. Vậy mà có khá được đâu, vẫn đói cơm, thất học, nhà cửa rách rưới…

Bản thân anh Dua cũng chỉ học hết lớp 2 là phải nghỉ để cùng vợ đi nương kiếm sống. Xã Toả Tình là vùng đồi núi mênh mông, quanh năm sương trắng bao phủ, bản Lồng của anh Dua chính là ngọn Pha Đin - vạch nối giữa trời và đất nên canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Ngoài cây thuốc phiện và lúa nương, ngô giống cũ, bà con dân tộc Mông ở đây chẳng biết trồng cây gì khác làm hàng hoá để sống.

"Khi bế tắc thì ma tuý lại hoành hành. Nhiều người lao vào con đường nghiện hút. Đất mênh mông, trồng thêm 1-2 ha cây thuốc phiện cũng là chuyện nhỏ. Thuốc sẵn trong nhà, cứ lấy hút xách, bàn đèn thì quanh bản có nhiều lắm, chẳng ai bắt nên bà con quanh vùng nhiều người nghiện nặng, chỉ nằm bẹp ở nhà thôi. Nhiều phụ nữ cũng thành con nghiện" - anh Dua nhớ lại.

Với suy nghĩ “phải tránh mắc vào thuốc phiện thì mới có thể khá lên được”, anh Dua đã kiên quyết từ chối nhiều lời rủ rê, mời gọi của ma tuý. Từ đó, anh đã thoát ra khỏi bàn tay nàng tiên nâu vốn đang bao phủ khắp vùng cao nhiều mây mù hơn ánh nắng mặt trời này.

Trở thành tỷ phú không ma tuý

Đầu thập kỷ 90, khi Nhà nước có chủ trương xoá bỏ cây thuốc phiện, anh Dua hưởng ứng ngay. Anh tâm sự, tuy chưa biết lấy cây gì, con gì để thay cây thuốc phiện làm nguồn sống ổn định. Nhưng cứ nghĩ tới tác hại của nghiện hút là anh quyết không trồng cây thuốc phiện nữa.

Hiện gia đình anh Dua đang chăn nuôi gần 20 con bò.

Từ bỏ cây thuốc phiện, anh Dua quyết định trồng các giống lúa, ngô cũ của mình và chăn nuôi thêm trâu, bò, lợn bản địa. Mấy năm sau, Nhà nước đưa về vùng cao một số cây lương thực phù hợp với khí hậu, địa hình của vùng miền, chủ yếu là lúa nương và ngô chịu lạnh, chịu hạn nên kinh tế gia đình anh cũng phần nào được cải thiện. Ngoài chăm sóc đàn trâu, bò đã lên tới hàng chục con và mấy ha lúa nương, cây táo mèo, 2 vợ chồng anh còn kết hợp trồng cả rừng thông.

Chỉ về cánh rừng thông ngút ngàn tầm mắt với những thân cây đã có đường kính từ 10-15cm, chị Vàng Thị Thào, vợ anh Dua cho biết, Cánh rừng thông này anh chị phải trồng mất mấy năm trời. “Nhiều hôm mệt lắm nhưng thấy chồng vẫn quần quật đào hố trồng cây, mình cũng không dám nghỉ”.

5 năm nay, cuộc sống của gia đình anh Dua đã khác xa nhiều so với hơn 10 năm trước nhờ mức thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/năm từ bán dưa mèo, táo mèo, gà, lợn bản địa và lương thực. Anh Dua cho biết, nếu ngày trước không từ bỏ cây thuốc phiện, mắc vào nghiện hút thì làm sao mà được như thế này. Giờ kinh tế gia đình khá giả nên anh cũng giúp được nhiều hộ quanh vùng thoát khỏi cảnh nghèo bằng cách làm trang trại.

Top