Hải Phòng nhân rộng mô hình xã hội hóa các cơ sở điều trị methadone

01/07/2014 19:14

Từ việc triển khai thành công Đề án thí điểm điều trị methadone theo mô hình xã hội hóa tại cơ sở điều trị methadone thuộc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội do Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hải Phòng quản lý, sau khi được Chính phủ cho phép, Hải Phòng đã triển khai nhân rộng mô hình xã hội hóa đến toàn bộ các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn thành phố từ tháng 1/2014 đến nay.

Điều trị methdone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa

Năm 2008, TP Hải Phòng là địa phương được Chính phủ chọn thí điểm điều trị bệnh nhân ma túy bằng methadone. Bước đầu liệu pháp này đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên còn một số hạn chế do bao cấp, khiến một số bệnh nhân chỉ ngậm methadone rồi sau đó nhổ ra ngoài.

Thậm chí có người đem bán lấy tiền mua heroin. Từ tháng 6/2011, khắc phục tồn tại trên, TP Hải Phòng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và sự giúp đỡ của Tổ chức FHI, đã thí điểm xây dựng mô hình điều trị Methadone xã hội hóa đầu tiên trên toàn quốc. Mô hình được giao cho Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai. Cho đến nay, Hải Phòng được coi là triển khai rất thành công mô hình điều trị methadone xã hội hóa.

Theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hải Phòng, hiện cơ sở điều trị xã hội hóa có 245 bệnh nhân. Sau 6 tháng điều trị chỉ còn 9% bệnh nhân dương tính với heroin, số còn lại đã cải thiện được sức khỏe rất tốt, giúp họ có thêm tự tin để hòa nhập cộng đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ bệnh nhân điều trị cai nghiện có việc làm cũng tăng lên 67% với mức thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Một ưu điểm khác của điều trị xã hội hóa là tổng chi phí điều trị cho 250 người/năm trong chương trình methadone xã hội hóa, chỉ bằng 44% cho lượng bệnh nhân trên trong cơ sở cai nghiện tập trung.

Sau khi được Chính phủ cho phép, thành phố Hải Phòng đã triển khai nhân rộng mô hình xã hội hóa đến toàn bộ các cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn thành phố từ tháng 1/2014 với mức thu một phần chi phí điều trị là 10.000 đồng/người bệnh/ngày, tỷ lệ thu đạt được từ 85% đến 90% trên tổng số bệnh nhân đang tham gia điều trị methadone là 3.043 người.

Từ những kết quả trên, Hải Phòng đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình điều trị Methadone, đặc biệt là triển khai xã hội hóa điều trị methadone. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam – Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố, việc triển khai cần có sự thống nhất cao trong lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của các ngành Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an, Tài chính và chính quyền cơ sở.

Trước và trong quá trình triển khai xã hội hóa điều trị methadone, Hải Phòng tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật, phương án xã hội hóa tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân. Đồng thời xây dựng các quy định, thủ tục, quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch; tổ chức giải thích, hướng dẫn đến từng người bệnh tham gia điều trị methadone và gia đình họ về quyền lợi, nghĩa vụ và tiêu chuẩn, thủ tục xét miễn, giảm chi phí theo quy định của Nhà nước để họ  tự nguyện chấp hành.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam, trong quá trình triển khai mở rộng xã hội hóa điều trị methadone, nhất là triển khai thực hiện Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác này.

Cụ thể như khó khăn, vướng mắc về cơ chế cung ứng thuốc methadone khi triển khai mở thêm các cơ  sở điều trị methadone và tăng thêm chỉ  tiêu điều trị người nghiện. Vì hiện nay, các cơ sở điều trị methadone của thành phố  vẫn đang thực hiện theo chỉ tiêu người bệnh được Bộ Y tế giao, thuốc methadone được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cung cấp theo chỉ  tiêu này.

Khó khăn, vướng mắc về thực hiện giá  dịch vụ điều trị methadone vì liên Bộ  Y tế - Bộ Tài chính chưa ban hành khung giá. Thành phố Hải Phòng phải xin phép Chính phủ thực hiện thí điểm từ ngày 01/01/2014, mức thu hiện nay là  10.000 đồng/người bệnh/ngày, chỉ chiếm khoảng 1/3 so với tổng chi phí điều trị, mới chỉ thu một phần chi phí thường xuyên; chưa có tiền thuốc methadone (do các tổ chức quốc tế cấp), chi phí  cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực (do ngân sách thành phố cấp).

Ngoài ra, trong việc cấp thuốc methadone cho người bệnh khi đi chữa bệnh nội trú, đi việc riêng hoặc làm ăn tại địa phương không có  cơ sở điều trị Methadone và trong việc thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định số 96/2012/NĐ-CP: “Phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, trại viên, học sinh đang tham gia điều trị  nghiện chất dạng thuốc phiện ngoài cộng đồng bị  đưa vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam” được tiếp tục tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Từ những khó khăn trên, Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam cho rằng, việc Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để giúp các địa phương có cơ sở triển khai thuận lợi mở rộng điều trị methadone là rất cần thiết
Top