Hà Nội: Tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng

30/07/2015 14:00

Thực hiện chương trình công tác năm 2015, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Thành phố đã tiến hành giám sát tình hình thực hiện công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai của thành phố Hà Nội từ năm 2011 đến nay.

Điều trị methadone. Ảnh minh họa.

Kết luận giám sát cho thấy, từ năm 2011-2014, toàn Thành phố đã phát hiện, điều tra, khám phá 14.548 vụ, 18.318 đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, trong đó xử lý hình sự 12.177 vụ, 14.179 đối tượng phạm tội về ma túy (đạt 110,7% chỉ tiêu); xử lý hành chính 12.177 vụ, 4.136 đối tượng.

Công tác giải quyết tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy được Thành phố đặc biệt coi trọng và giải quyết có hiệu quả. Số các tụ điểm, điểm phức tạp về ma túy giảm qua các năm. Công tác truy tìm, truy bắt đối tượng nghiện lang thang ngoài cộng đồng và các đối tượng bỏ trốn tại các Trung tâm, các cơ sở cai nghiện được quan tâm.

Tính đến ngày 15/5/2015, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 15.525 người nghiện ma túy (heroin) có hồ sơ quản lý (giảm 3.647 người so với cuối năm 2011), trong đó: có mặt tại cộng đồng 7.023 người; vắng mặt 1.580; ở trung tâm 4.550 người; ở trường trại 2.372 người. Theo cơ quan công an đến ngày 31/5/2015 trên địa bàn Hà Nội còn có khoảng 1.466 người nghiện ma túy tổng hợp.

Qua giám sát cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện khá tích cực.

Việc chấp hành các quy định về cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đã được quan tâm tổ chức triển khai. Quá trình tổ chức thực hiện cơ bản đúng với các quy định tại Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 26/9/2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT ngày 10/2/2012.

Hoạt động của các Trung tâm cai nghiện đảm bảo đúng quy định, góp phần giảm tác hại của ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ người nghiện tiếp cận với các dịch vụ điều trị mới hiệu quả hơn.

Từ năm 2011 đến 31/12/2014, các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 8842/11.000 người. Tính đến 15/5/2015, các Trung tâm đang quản lý, chữa trị,cai nghiên cho 4.997 người.

Việc triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi Trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội số V thành cơ sở điều trị tự nguyện đạt được những kết quả khả quan; sau gần 6 tháng thực hiện thí điểm, đã tiếp nhận mới 860 người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện, vượt chỉ tiêu và khả năng tiếp nhận của Trung tâm.

Sau 5 năm triển khai thí điểm điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã đạt hiệu quả tốt. Tại 6 cơ sở  điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở Từ Liêm, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Sơn Tây và Hà Đông, số bệnh nhân đến khám qua các năm đều vượt chỉ tiêu được giao. Tính đến ngày 30/4/2015, tổng số bệnh nhân đưa vào điều trị tại 06 Trung tâm là 3.248 bệnh nhân.

Trên cơ sở hiệu quả của chương trình thí điểm, đồng thời thực hiện Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, thành phố Hà Nội đã thành lập thêm 11 cơ sở Methadone, các cơ sở này đã đi vào hoạt động, tiếp nhận điều trị đến 20/5/2015 được 306 bệnh nhân.

Từ năm 2011 – 2014, thành phố Hà Nội đã thực hiện cai nghịn cho 14.823 lượt người, trong đó, cai nghiện bắt buộc 8.836 lượt người, cai nghiện tự nguyện 5.987 lượt người. Tổng kinh phí hoạt động phòng chóng ma túy toàn Thành phố tăng qua các năm: năm 2011 là 105.176 tỷ đồng, năm 2012 là 127.885 tỷ đồng; năm 2013 là 175.208 tỷ đồng, năm 2014 là 150.061 tỷ đồng.

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xá hội nhận thấy, tốc độ tăng người nghiện ma túy tuy đã được kiềm chế song chưa bền vững, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ, khó điều tra, thống kê; công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời và đầy đủ, hiệu quả thấp. Thực hiện chỉ tiêu đưa người vào cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm còn thấp, việc thiết lập hồ sơ ban đầu để đưa vào cai nghiện bắt buộc còn lúng túng; Công tác dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn cho người sau cai nghiện còn hạn chế, đơn điệu;  Mạng lưới các cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone chưa phủ khắp các quận, huyện, thị xã; người nghiện ở các quận, huyện không có cơ sở điều trị Methadone hoặc ở những huyện có địa bàn rộng mất nhiều thời gian đi lại hàng ngày để được điều trị; việc áp dụng chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y bác sĩ ở các cơ sở này còn lúng túng, không đảm bảo chế độ...

Đoàn giám sát đã kiến nghị với UBND Thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc chấp hành các quy định về công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới theo quy định của pháp luật hiện hành và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ. Tổ chức triển khai hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng; nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất tại các Trung tâm cai nghiện, các địa phương để tạo việc làm cho học viên cai nghiện và sau cai nghiện ma túy tại các Trung tâm và tại cộng đồng. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ nhân viên làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai; tăng cường kinh phí và nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy của Thành phố sau khi không còn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia; có cơ chế đặc thù hỗ trợ vốn, cho vay tạo việc làm, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy...

Top