Hà Nội: Khó khăn tạo việc làm cho người sau cai

07/07/2015 16:55

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, số người sau cai nghiện về hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP tái nghiện vẫn cao, không có việc làm, các doanh nghiệp ít tiếp nhận vào làm việc. Số liệu thống kê chưa đầy đủ từ năm 2011-2014 cho thấy, số người quản lý sau cai tại nơi cư trú là 4,2 nghìn người, trong đó có khoảng 60% có việc làm.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai. Ảnh minh họa

Hiện nay, TP thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 08/12/2014 của UBND TP về việc “Triển khai thực hiện cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương trên địa bàn TP Hà Nội theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/04/2014 của Thủ tướng Chính phủ”.

Tuy nhiên, còn có những khó khăn, hạn chế về việc làm của người sau cai như tỷ lệ học viên cai nghiện có tiền án, tiền sự cao; đi cai nghiện nhiều lần nên trước khi vào Trung tâm không có việc làm; trong thời gian cai nghiện và quản lý sau cai được học nghề nhưng loại hình và nghề học chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cần, không bố trí được việc làm dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức quản lý sau cai tại nơi cư trú theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngay sau khi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội bàn giao trực tiếp học viên và hồ sơ về địa phương…

Nguyên nhân dẫn tới người nghiện sau cai không tìm được việc làm, trước hết là do họ bị hạn chế về mặt thể chất và cả tâm lý. Mặc dù được điều trị tại các trung tâm, song sự suy yếu về sức khỏe, biến đổi về hình thức, phong thái vẫn còn biểu hiện rõ nét khiến cho người nghiện sau cai bất lợi khi đi xin việc. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện còn phổ biến trong gia đình cũng như ngoài cộng đồng, làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ và tái hoà nhập cộng đồng của người nghiện. Ngành nghề đào tạo tại các trung tâm hiện nay tính khả thi không cao, dạy nghề mang tính đồng loạt, đa số người nghiện không thể ứng dụng những nghề được đào tạo sau khi trở về cộng đồng.

Vấn đề tạo việc làm cho người sau cai nghiện khi trở về địa phương là một vấn đề khó khăn, phức tạp, để giải quyết vấn đề này cần phải có thêm thời gian và sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan.

Trong thời gian tới TP Hà Nội sẽ xem xét chủ trương về tổ chức cho vay vốn giải quyết việc làm, dành những khoản cho vay ưu đãi, lãi suất thấp cho người sau cai nghiện bị thất nghiệp, thiếu việc làm, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có thu hút người sau cai nghiện bị thất nghiệp.

Đồng thời giao Sở LĐB&XH thực hiện các nhiệm vụ: Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp với các Trung tâm cai nghiện tổ chức tốt Sàn giao dịch việc làm, quan tâm tư vấn, giới thiệu 2 chiều người tìm việc và việc tìm người; tuyên truyền đến các doanh nghiệp và các xã, phường, để doanh nghiệp và người sau cai có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm được việc làm tại các phiên giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho người sau cai quay sớm trở lại thị trường lao động. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu đúng và đủ về tính chất nguy hại của tệ nạn ma túy ảnh hưởng đến đời sống của mỗi gia đình, xã hội. Đồng thời làm tốt công tác phát động phong trào và vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia vào công tác phòng, chống ma túy. 

Top