Hà Nội: Học viên cai nghiện thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy

26/06/2018 17:58

Hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày quốc tế phòng, chống ma tuý và Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội vừa tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về phòng chống ma túy cho học viên tại các cơ sở cai nghiện thành phố Hà Nội năm 2018.

Cuộc thi nhằm phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy, các quy định pháp luật về xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy. Nâng cao nhận thức của học viên tại cơ sở cai nghiện hậu quả, tác hại của ma túy để mỗi học viên có ý thức tích cực hơn trong việc quyết tâm từ bỏ ma túy, hạn chế tái nghiện khi trở về cộng đồng. Đồng thời góp phần tạo nên phong trào hành động phòng chống ma túy rộng khắp, từng bước góp phần làm giảm thiểu tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố.

Tham gia cuộc thi, các học viên đến từ 7 cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố đã cùng trải qua 3 phần thi: Thi lý thuyết, thi hùng biện, thi năng khiếu.

Ở phần thi lý thuyết, các thí sinh trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm mà Ban tổ chức đưa ra. Nội dung câu hỏi ở phần thi lý thuyết xoay xung quanh kiến thức về Luật Phòng, chống ma túy; Bộ luật Hình sự 2015 phần quy định các tội phạm về ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; các Nghị định của Chính phủ, các văn bản quy định của các cấp về công tác phòng chống ma túy, các chính sách của Đảng và nhà nước đối với người sau cai nghiện ma túy.

Điểm đặc biệt của phần thi lý thuyết là nhiều câu hỏi liên quan đến quyền của học viên ở các cơ sở cai nghiện ma túy như ngoài thời gian chữa bệnh, học tập và lao động, học viên được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, đọc sách, báo và các ấn phẩm văn hóa có nội dung lành mạnh. Học viên cũng được khám sức khỏe định kỳ, được quyền thăm gặp thân nhân…Sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, được cấp chứng chỉ, bằng cấp học văn hóa, học nghề (nếu có), học viên là thân nhân của người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp tiền ăn đường, tiền tàu xe để trở về nơi cư trú.

Phần thi hùng biện, phần thi năng khiếu, mỗi học viên, mỗi đội thi đều thể hiện được hiểu biết của mình về tác hại của ma túy, các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, quyền và trách nhiệm của học viên ở các cơ sở cai nghiện ma túy. Những câu chuyện trên sân khấu cuộc thi chẳng phải chuyện đâu xa, chẳng phải tô vẽ ra những tình tiết cầu kỳ mà chính là câu chuyện thật của nhiều học viên. Thiếu sự quan tâm chăm sóc, buồn chán, đua đòi theo bạn bè, tò mò muốn thử cảm giác lạ…- có vô vàn con đường dắt dẫn họ đến với ma túy nay được tái hiện lại chân thực, sinh động qua hình thức sân khấu hóa.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 12.510 người nghiện ma tuý và sử dụng ma tuý có hồ sơ quản lý. Trong đó, số đã xác định được tình trạng nghiện là 6.054 người, số có mặt tại cộng đồng là 8.648 người, vắng mặt 1.088 người, số còn lại đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện và quản lý trong trường giáo dưỡng, trại giam... Hà Nội có 7 cơ sở cai nghiện ma tuý với gần 3.000 người nghiện đang tham gia học tập, điều trị. Số người nghiện ma túy đã được kiềm chế, một số nơi đã chững lại nhưng tình hình tái nghiện vẫn còn.

Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã công bố giải Nhất thuộc về đội thi đến từ Cơ sở cai nghiện số 5. 2 giải Nhì được trao cho các đội thi đến từ Cơ sở cai nghiện số 3 và số 6. Các cơ sở cai nghiện số 7, số 4, số 1, số 2 nhận giải Ba.

Top