Hà Nội: 6 nhiệm vụ trọng tâm phòng chống cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy

13/03/2017 09:22

Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 56/KH-BCĐ triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2017.

Theo kế hoạch, UBND thành phố chỉ đạo tổ chức cai nghiện cho 70% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các biện pháp hình thức phù hợp. Cụ thể, tổ chức cai nghiện cho 9.300 người nghiện; cai nghiện ma túy bắt buộc cho 500 người; cai tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện và điều trị methadone cho 6.500 người; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 300 người và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện cho 2.000 nguời.

Kế hoạch cũng đặt ra chỉ tiêu,  100% người hoàn thành cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp. Duy trì hoạt động 34 Câu lạc bộ quản lý sau cai (B93) phấn đấu có 80% Câu lạc bộ có số buổi và thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiệu quả. 100% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề, 50% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm. 100% cán bộ làm công tác quản lý, trực tiếp làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện và xã, phường, thị trấn được tập huấn, đào tạo cơ bản và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ.

Để thực hiện chỉ tiêu trên, UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân, xác định ro trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình và bản thân người nghiện trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác cai nghiện phục hồi.

Chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện. Phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai; lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế-xã hội khác như xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm...
Top