Hà Nam nhiều giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV

26/10/2012 16:30

Chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cung cấp các dịch vụ chăm sóc, điều trị và hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV tại cộng đồng. Chương trình này nằm trong khuôn khổ Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS do UBND tỉnh Hà Nam tổ chức.

Tư vấn dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con.

Chương trình sẽ được triển khai tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm của thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân và huyện Thanh Liêm. Đối tượng được hỗ trợ là những người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Mục tiêu của chương trình này nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc điều trị và hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV tại cộng đồng; cung ứng các dịch vụ thiết yếu về dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại cộng đồng...

Chương trình cung cấp các dịch vụ như: Tư vấn, xét nghiệm tự nguyện; chăm sóc, điều trị bao gồm cả điều trị ARV; phối hợp hoạt động Lao/ HIV; dự phòng lây truyền mẹ con; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ sau cai tại cộng đồng; cấp phát miễn phí bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, thu gom bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng để tiêu hủy; cấp phát bao cao su miễn phí cho gái mại dâm, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, các tụ điểm vui chơi giải trí...

Chương trình cũng sẽ tổ chức tập huấn cho cộng tác viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng về kiến thức phòng lây nhiễm HIV/AIDS, phương pháp tiếp cận cộng đồng giảm thiểu tác hại, khuyến khích sử dụng bao cao su cho nhân viên tiếp cận nhóm mại dâm, tập huấn cho cán bộ y tế...

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến tháng 10/2012, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.359 người nhiễm HIV. Trong đó có 750 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 473 trường hợp tử vong.

Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 108/116 xã, phường, thị trấn của 6/6 huyện, thành phố có người nhiễm HIV/AIDS, cao nhất là thành phố Phủ Lý (30,98%). Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS chủ yếu nằm trong nhóm đối tượng nghiện chích ma tuý (51,7 %), đa phần trong nhóm tuổi từ 20 đến 39 tuổi (chiếm hơn 80%).

Top