Đường về của "quý tử" lạc lối

24/04/2012 14:27

Đúng lúc cuộc sống tưởng như bế tắc, đổ vỡ thì một người đã xuất hiện, người sau này như Minh nói là “đã tái sinh mình”.

Từng nghiện 17 năm, lại bị nhiễm HIV, nhưng được sự giúp đỡ động viên của Trưởng trạm Y tế xã Yên Phong (huyện Ý Yên, Nam Định), Nguyễn Văn Minh đã đoạn tuyệt với quá khứ , chăm chỉ lao động kiếm tiền nuôi mẹ già, con thơ.

Anh Minh (phải) chăm chỉ làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ của mình.

 17 năm vật vã  

Mới 41 tuổi nhưng Nguyễn Văn Minh có đến 17 năm làm bạn với ma túy. Hoàn cảnh gia đình anh khá đặc biệt. Bố anh có 2 người vợ, bà cả không có con, tình nguyện “đi đội lễ hỏi vợ cho chồng” rồi lui về quê chồng (xã Yên Phong, huyện Ý Yên, Nam Định) sống một mình. Minh là con út trong 6 người con của bà hai. Những năm 1980 của thế kỷ trước, gia đình anh thuộc diện khá giả ở TP. Nam Định khi cùng lúc có đến mấy cửa hàng ăn ở phố Trần Hưng Đạo. Nhà giàu, lại là con út, nên từ bé Minh đã được nuông chiều. Minh đua đòi theo chúng bạn, bỏ học, sa đà vào ma túy.

Phát hiện “quý tử” nghiện ngập, bố của Minh vội vã gửi con về quê nhờ vợ cả quản lý, chăm sóc, hy vọng tách được con trai ra khỏi môi trường đầy cám dỗ ở thành phố. Nào ngờ, “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, tránh được bạn nghiện ở thành phố, Minh lại giao du với những bạn nghiện mới ở quê. Để có tiền hút chích, Minh làm nghề buôn xe đạp, xe máy và kiếm được không ít tiền.

Anh lấy được vợ, chị Đào Thị Chiều, một cô gái cùng xã cũng là nhờ cái tiếng biết làm ăn, buôn bán. Chị Chiều kể, về làm vợ Minh, có với nhau hai mặt con rồi mà chị vẫn chẳng biết chồng mình nghiện ma tuý. Một buổi tối, từ trong buồng bước ra, chị thấy trời đất như sụp xuống khi tận mắt thấy chồng đang ngồi trên giường chích ma tuý. Nghe chồng vừa thú nhận vừa van xin, chị  lặng đi, đau đớn chấp nhận sự thật phũ phàng.

Như người đời vẫn thường nói “củ mài ăn xuống, thuốc phiện ăn lên”, kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ cho Minh dùng ma tuý. Được một thời gian bao nhiêu vốn liếng buôn bán bị Minh “đốt sạch”...

Bữa cơm ấm cúng của gia đình anh Minh.

Nhiều lần tự tử không thành

Không còn vốn để buôn bán, Minh phải đi làm thuê. Từ đào móng, đóng cọc, đội đất đến bốc mả thuê, anh không nề hà, miễn sao có tiền để hút chích. Một thời gian dài, Minh dối vợ phải đi làm sớm, để rồi 4 giờ sáng đã mò ra thành phố Nam Định mua thuốc, tìm chỗ chích xong mới đến chỗ làm. Đầu năm 2007, Minh bị ốm nặng phải vào bệnh viện. Tại đây, hai vợ chồng anh đã chết điếng người khi bác sỹ thông báo Minh bị nhiễm HIV. Trở về, chị Chiều vội vã đưa hai con gái vào viện làm xét nghiệm, thật may mắn, cả ba mẹ con đều âm tính.

Nhưng kể từ đó, gia đình Minh bắt đầu trải qua những ngày tháng đầy bi kịch. Trận ốm nặng cùng tờ giấy xác nhận bị nhiễm HIV khiến Minh bị suy sụp nhanh chóng, người chỉ còn là một dúm da bọc xương, riêng nửa phía dưới bị liệt. Minh kể, khi ấy nỗi ân hận, đau đớn, dày vò đến tuyệt vọng, nhiều lần anh đã có ý định tự tử bằng cách cố lết đến gần ổ phích điện để dí tay vào song lần nào cũng không thành, lần không đủ sức, lần bị người nhà phát hiện.

Cái tin Minh bị nhiễm HIV nhanh chóng lan khắp làng trên, xóm dưới khiến hai đứa con của anh khóc không biết bao nhiêu nước mắt vì mỗi ngày đến trường lại bị bạn bè ghẻ lạnh. Giận chồng, gia cảnh ngày càng túng quẫn cộng với sự kỳ thị của mọi người, đã có lúc chị toan dứt áo ra đi.

Những người tái sinh

Đúng lúc cuộc sống tưởng như bế tắc, đổ vỡ, có một người đã xuất hiện, người sau này như Minh nói là “đã tái sinh mình”. Anh là Nguyễn Phi Thường, Trưởng trạm Y tế xã Yên Phong. Biết tin Minh bị nhiễm HIV, anh Thường đã đến thăm hỏi, động viên và tư vấn cho cả nhà cách phòng tránh lây nhiễm. Đích thân anh lên Trung tâm Y tế huyện Ý Yên làm thủ tục cho Minh được hưởng chế độ điều trị cho người nhiễm HIV theo phương pháp uống thuốc ARV. Chính anh cũng là người đôn đáo khắp nơi, tự bỏ tiền túi ra mua thuốc cho Minh uống. Có anh Thường, cả nhà, nhất là Minh được xốc lại về tinh thần lẫn nghị lực. Từ chỗ bị liệt, nằm một chỗ, Minh đã bắt đầu nhúc nhắc tập đi, CR4 (chỉ số đánh giá khả năng miễn dịch) của Minh lúc đầu chỉ còn 130 sau tăng dần lên trên 400, gần đạt mức của người bình thường.

Nếu anh Thường chỉ cho anh cách để sống, thì anh Phan Văn Việt, một người thợ xây cùng xã lại tìm cho anh chiếc “cần câu cơm”. Khi sức khỏe bình phục, Minh đoạn tuyệt hẳn với ma túy và theo anh Việt đi lắp đặt điện nước tại các công trình. Giờ đây, Minh thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định để cùng vợ lo cho cả gia đình 5 người. Anh Thường còn giới thiệu để Minh tham gia nhóm đồng đẳng viên tuyên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS của huyện Ý Yên.

Hiện tại, ngoài công việc làm điện nước, mỗi khi biết có những người cùng cảnh ngộ như mình, Minh lại thu xếp công việc tìm cách tiếp cận, lấy chính quá khứ lầm lỡ của mình, bằng một tình cảm chân thành, động viên, thăm hỏi, tư vấn giúp họ cách từ bỏ ma tuý, điều trị HIV, phòng việc lây truyền. Để việc tuyên truyền có hiệu quả, nhiều trường hợp Minh đưa cả vợ mình, chị Chiều đi theo cùng tham gia vận động, tăng tính thuyết phục. Khi trong huyện có những người qua đời vì AIDS, Minh lại cùng nhóm đồng đẳng viên đến chia buồn, giúp gia đình những công việc người bình thường không tiện làm.

Top