Được thầy cô “thức tỉnh”, cô gái quyết tâm đoạn tuyệt ma túy

01/08/2020 10:43

Tin vào lời của người chị họ, bạn bè nói sử dụng ma túy "kẹo ke" không gây nghiện và cô gái ân hận muộn màng trong cơ sở cai nghiện. Nghĩ về tương lai, cô gái trẻ tự nhủ rằng, sau khi hết thời hạn cai nghiện tự nguyện, cô sẽ tránh xa ma túy, làm lại cuộc đời.

Rời xa quê nhà Đắk Lắk, chị Nguyễn Thị Tuyết H (SN 1996) ra Hà Nội với người chị họ để học làm móng từ khoảng cuối năm 2019. Cuộc sống xa nhà của cô gái trẻ tưởng sẽ tốt đẹp nhưng lại vướng vào ma túy khiến cuộc sống trượt dài, tương lai mịt mù phía trước. Chị H rời quê nhà từ tháng 9-2019 ra Hà Nội với người chị họ để học làm móng và rồi cũng từ đây, chị đi chơi, sinh nhật, hát karaoke cùng bạn bè của chị. Để rồi nghe mọi người nói sử dụng kẹo ke “không nghiện đâu” khiến cô gái trẻ sa ngã vào ma túy. Đến tháng 3-2020 vừa qua, chị H cùng với bạn bè sử dụng kẹo ke tại quán karaoke tại quận Đống Đa (Hà Nội) thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang. Sau đó, H được đưa đi cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội.

Nguyễn Thị Tuyết H đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội

Khi mới vào cơ sở cai nghiện ma túy, H cho rằng mình không bị nghiện và mọi người đưa vào đây là không phù hợp, còn bướng. Tuy nhiên, khi vào được mọi người điều trị cắt cơn và tuyên truyền về việc kẹo ke là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến thần kinh, sử dụng nhiều cũng thay đổi cảm xúc như nói chuyện dễ nổi cáu, hay bị ốm,... Từ đó, chị H cảm thấy câu nói của bạn bè “không nghiện đâu” là không chính xác và cảm thấy may mắn vì nếu còn ở ngoài kia sử dụng kẹo ke thường xuyên thì không biết hậu quả sẽ ra sao. “Ở ngoài kia chắc chắn là tôi sẽ bị rủ rê chơi thêm nữa mà chơi cái đó thì không đi làm được rồi nhiều cái... Cứ khoảng 2-3 ngày khi nghe nhạc thì trong người lại trỗi dậy cảm giác thèm nhớ và muốn sử dụng ma túy, lại kiếm cớ xin chị nghỉ làm để đi sử dụng ma túy”, H chia sẻ.

Đến nay, được khoảng 3 tháng trong cơ sở cai nghiện ma túy, bản thân H đã được thầy, cô tại cơ sở cai nghiệm ma túy số 2 Hà Nội phân tích, vận động. H cảm nhận được sự thay đổi rất lớn trong cả tư tưởng lẫn hành động của mình. Cô nói, ở đây, H luôn được cán bộ cơ sở quan tâm, hỏi han, trò chuyện và động viên cũng như được học các nội quy, quy định tại cơ sở.

“Khi hết thời gian điều trị cắt cơn tại cơ sở y tế, tôi được các thầy cô chuyển sang phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng và được học các kiến thức về ma túy. Tại đây, tôi được học và biết sử dụng ma túy sẽ gây nghiện, ảnh hưởng đến thần kinh của người sử dụng. Ngoài ra, tôi còn được các thầy cô dạy cho kỹ năng sống, được dạy phục hồi hành vi nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ hiểu biết về ma túy và pháp luật.

Tại cơ sở cai nghiện, tôi còn được tham gia lao động trị liệu, tôi được ra vườn trồng rau, chăm sóc cây xanh”, chị H chia sẻ. Trước đó, H chưa bao giờ được trải nghiệm việc làm "nông dân". Theo chị H, thông qua các hoạt động giáo dục tư tưởng, lao động trị liệu, sản xuất ở vườn rau hay xưởng lắp ráp đồ điện mà H cảm thấy yêu và quý trọng giá trị của cuộc sống hơn.

Cô chia sẻ, sau này khi cai nghiện thành công, H sẽ về quê tìm một công việc tại Cty để làm việc, sống bên cạnh những người thân trong gia đình. H nói, như lời "thầy, cô", chỉ có cuộc sống lao động chân chất mới khiến cho mình thêm nghị lực tránh xa ma túy và H đã bắt đầu thấm nhuần lẽ sống đó.

Top