Đừng để ma túy mang đi tuổi thơ em!

03/09/2014 14:57

Sợ hãi, lo lắng, ám ảnh… là tâm trạng của các em có người thân nghiện ma túy. Bị bạo hành, tâm lý xáo trộn, những vết thương trên thân xác có thể được chữa lành, nhưng những vết thương tâm hồn sẽ đi suốt cuộc đời các em.

Nỗi đau đi suốt tuổi thơ

“Trên đời này, chắc không có nỗi đau nào lớn hơn khi mà chính bản thân mình phải bất lực trước sự sa ngã, của người thân. Phải đứng ngoài nhìn người thân mình trượt dài, trượt mãi trên cái dốc của sự tha hóa”, đó là tâm sự của em Hà Thị Nhung (Hải Dương) - một cô bé có bố nghiện ma túy. Ký ức tuổi thơ của Nhung hiện ra trước mắt tôi qua giọng kể truyền cảm, sắc sảo của nữ sinh khoa Văn.

Năm Nhung mới 7 tuổi, bố mẹ ly thân nên hai chị em sống cùng mẹ, còn bố sống với ông bà nội ở Bắc Giang. Dù không được gặp bố thường xuyên nhưng bố vẫn hỏi han, quan tâm chị em Nhung thường xuyên…  

Thân nhân học viên tại Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội số III (Hà Nội). Ảnh Hồng Lam

Năm 12 tuổi, vì kinh tế khó khăn, một mình nuôi hai chị em bằng đồng lương ít ỏi nên mẹ Nhung quyết định đi nước ngoài làm ăn, hai chị em về ở với nội. Bố Nhung vì bị tật ở chân, sức lại yếu nên chỉ làm nghề đánh giày, mỗi ngày kiếm được mấy chục ngàn đồng.

Vì còn nhỏ, Nhung không biết làm gì ngoài việc cứ tan học, cô bé lại lăng xăng đạp xe mang cơm ra cho bố. Và khoảng thời gian hạnh phúc này chấm dứt tại đây. Năm Nhung học lớp 7, bố bắt đầu dùng ma túy.

Lúc đó, Nhung không biết nghiện, ma túy là gì, chỉ biết bố gầy đi trông thấy, khi thì ông thoải mái, vui vẻ, lúc lại bực bội, cau có, u sầu. Từ ngày bố nghiện, đồ đạc trong nhà cứ dần dần biến mất. Từ đó là những ngày giông bão đối với gia đình Nhung. Khi hết tiền “chơi” ma túy, bố về nhà tìm mọi cách xoay tiền. Xin tiền ông bà không được, bố lén lấy trộm tiền tiết kiệm của bà.

Đến lớp, xấu hổ vì có một ông bố nghiện ma túy, Nhung chỉ thui thủi một mình không muốn nói chuyện với ai và luôn có cảm giác như bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình.

Rồi một ngày, đi học về, nhà cô bé chật ních người… Bố Nhung đã treo cổ tự tử sau 5 ngày tự cai nghiện tại nhà. Với một đứa trẻ 13 tuổi như Nhung, đó là nỗi ám ảnh giày vò trái tim cô bé đến tận bây giờ khi đã trở thành sinh viên đại học.

Đã từng có một gia đình yên ấm, hạnh phúc nhưng ma túy đã cướp đi tuổi thơ bình yên, trở thành nỗi ám ảnh đến suốt cuộc đời, đó là hoàn cảnh của em Hoàng Đình Trường (Văn Chấn – Yên Bái).

Bố cậu liều mình “kết bạn” với nàng tiên nâu khi cậu bé Trường mới học lớp 5 trường làng. Tuổi thơ của Trường là những ngày ăn nhờ ngủ đậu, có nhà không dám về, có giường không dám ngủ. Biết bố Trường nghiện, nhiều đứa độc mồm toàn gọi em là: Trường “Phiện”.

Những dòng hồi ký đẫm nước mắt của người con có bố nghiện ma tuý. Ảnh do nhân vật cung cấp

Dù gia đình họ hàng khuyên răn đe dọa nhưng dường như càng làm tăng thêm tính ma trong con người bố Trường. Những lần lên cơn vật vã, không kiếm ra tiền mua thuốc bố lại đuổi mẹ con Trường ra khỏi nhà. Từ ngày bố Trường mắc nghiện, ông trở thành một con người khác hẳn. Từ một người thợ điện hiền lành, chất phát, khi nghiện ma túy ông trở nên hung hãn, thô bạo đến kỳ lạ…

Cũng vì bố nghiện, nhà không có tiền nên năm ngoái, chị Trường đã phải nghỉ học giữa chừng. Đọc hồi ký của Trường, chúng tôi càng hiểu nhiều hơn những bi kịch bắt nguồn từ ma túy. Sợ hãi và lo lắng, có những ngày Trường chỉ dám lang thang chơi với mấy đứa hàng xóm, chỉ đợi bố đi ngủ mới dám vào nhà.

Đi họp phụ huynh, cậu bé không dám mở lời nhờ bố, mẹ Trường phải bỏ buổi chợ phiên tất tả đi họp cho con. Nhiều lần, bố Trường đã quyết tâm cai lắm. Tuy nhiên, bảy năm trôi qua, ông vẫn cứ quanh quẩn mãi điệp khúc cai rồi tái...

Hệ lụy lớn đối với trẻ

Không may sinh ra trong những gia đình có người thân nghiện ma túy, thường xuyên chứng kiến những hành xử thô bạo không những gây nên nỗi khiếp sợ, phai nhạt tình thân mà còn để lại trong con trẻ những di chứng tinh thần nghiêm trọng. Có những đứa trẻ phải chạy trốn ra khỏi ngôi nhà của mình, vì vậy dễ sa chân vào con đường lầm lạc… Hầu hết các em đều chưa có những kỹ năng cần thiết để ứng xử phù hợp trước những diễn biến tâm lý phức tạp, thất thường của người nghiện nên các em rất dễ bị bạo lực, tổn thương.

Anh L.V.T, một học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội Đa Minh – Hải Phòng tâm sự:… “từ khi nghiện ma túy, mình trở thành một người hoàn toàn khác. Có hôm tôi trốn vợ con ra xóm liều mua thuốc, vợ tôi bế đứa con gái 4 tuổi đuổi theo… Tối hôm đó, tôi đã đánh vợ, đuổi cô ấy ra khỏi nhà. Con gái tôi trốn trong buồng run cầm cập nhìn bố đánh mẹ, đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên ánh mắt hoang mang, sợ sệt nó nhìn tôi. Năm ngoái, nghỉ phép tôi về thăm gia đình, nó vẫn không dám lại gần tôi. Tôi không hiểu sao, khi ma túy nhập vào người, tôi lại hành động như vậy”.

Do còn quá nhỏ và yếu đuối nên trẻ không thể làm gì ngoài việc bắt buộc phải chứng kiến những hành vi bạo hành, những cơn vật vã của cha mẹ trước mắt mình. Và hệ quả là sự suy sụp tinh thần lẫn suy kiệt thể chất. Khi trưởng thành, trẻ em dễ trở thành người căng thẳng thần kinh, tính tình cục súc hoặc dễ có những hành vi bạo hành với chính mình và người thân.

Đặc biệt, lớn lên trong gia đình có người thân nghiện ma túy, trẻ dễ gặp phải một số vấn đề về sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, cảm thấy cô đơn, muốn giúp đỡ người thân thoát khỏi ma túy nhưng bất lực; sợ sách vở, sợ đến trường, sống khép mình, không thích giao tiếp...Ở trường, trẻ cảm thấy xấu hổ với bạn bè, cố gắng giữ bí mật về tình trạng nghiện ngập của người thân. Luôn lo lắng tình hình ở nhà, sợ xung đột và bạo lực, nên trẻ thường rơi vào trạng thái chán nản, muốn bỏ học.

Theo kết quả điều tra xã hội học ở nhiều nước trên thế giới thì những đứa trẻ có vấn đề như tự kỷ, trầm cảm, bỏ học, sống ích kỷ, tham gia vào các tệ nạn xã hội, phạm tội... chủ yếu là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình có một đời sống tinh thần nghèo nàn, bất hạnh. Chỉ rất hiếm hoi những đứa trẻ có ý chí, nghị lực thật sự mới vượt lên nghịch cảnh, có một tương lai tươi sáng.

Top