Du lịch: Một con đường vận chuyển ma túy vào châu Âu

10/12/2011 09:23

Nửa đêm, sân bay ở thủ đô Lima của Peru hoàn toàn vắng lặng. Chiếc máy bay cuối cùng đi Madrid, Tây Ban Nha, đã cất cánh để lại một người tên là David. Đó là một trong những “mule” - người vận chuyển ma túy từ Peru sang châu Âu.

Trong vòng chưa đến một thập niên, cuộc lùng bắt những “mule” này của cảnh sát sân bay Lima đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Theo số liệu thống kê của Cảnh sát Lima, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 "mule"  mà đa số được tuyển ở châu Âu - âm mưu vận chuyển cocaine theo đường bay dân sự từ Peru đến Cựu lục địa. Một con số được coi gần như kỷ lục thế giới dù không lớn bằng lượng ma túy vận chuyển theo đường biển hay đường bộ vào châu Âu. Ở Peru, món hàng cấm này được vận chuyển mà hầu như không gặp phải sự cản trở nào.

La Devida, quan chức chống ma túy ở Peru chỉ ra nguyên nhân: "Việc triệt hạ những đồn điền trồng coca ở Colombia và sự ra đời của chính sách trấn áp ma túy được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã chuyển hoạt động sản xuất sang Peru". Các chuyên gia gọi đó là hiện tượng "Colombia hóa" Peru đang bùng nổ.

Theo đánh giá của La Devida, năm 2010, 330 tấn cocaine được sản xuất ở Peru và năm 2011 - nếu như xu hướng vẫn tiếp tục ( 16%/năm) - nước này sẽ tuồn 400 tấn cocaine ra thị trường thế giới. Con số cho thấy Peru sản xuất cocaine nhiều hơn Colombia (nơi sản lượng giảm từng năm, tức - 18%/năm) 50 tấn. Được coi là nhà sản xuất hàng đầu lá coca, do đó Peru trong những tháng tới sẽ trở thành nơi cung cấp cocaine hàng đầu thế giới là điều đương nhiên.

Jean-Pierre, người Pháp, vận chuyển cocaine vào châu Âu bị giam trong nhà tù Callao ở Lima.

Công dân Tây Ban Nha tên David chỉ là một mắt xích nhỏ trong guồng máy biến cocaine thành tiền mặt. Nhà tù Sarita Colonia, nơi đang giam David, chứa đến 1.400 "mule" mang 60 quốc tịch trên thế giới. Bọn họ có nguyên tắc chung là "không biết gì hết", bởi vì trong nhà tù luôn có tai mắt của các băng nhóm ma túy. Tất cả bọn họ đều có cùng một lời khai: thất nghiệp, lời đề nghị từ bạn của một người bạn, một tấm vé máy bay được trả tiền qua Internet v.v…

"Mule" chuyên nghiệp người Pháp tên là Rémi cho biết chuyến vận chuyển ma túy được băng nhóm ma túy Mexico trả từ 5.000 đến 8.000 euro. Sau khi đến thủ đô Lima của Peru, Rémi gọi vào một số điện thoại sẽ có người lo mọi thứ và Rémi chỉ có việc là đi du lịch khắp đất nước Peru như một du khách bình thường.

Quillambamba, khu vực nằm trong thung lũng Andean-Amazonian (gọi tắt theo tiếng Tây Ban Nha là VRAE) là vùng sản xuất lá coca hàng đầu Peru, nơi đây xuất hiện rất nhiều tập đoàn ma túy. Những cánh đồng coca nhìn ngút mắt trên những sườn đồi ở Quillambamba.

Theo đánh giá của Cơ quan Chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc, Peru có 61.000 hecta đất trồng coca. Và nếu như lá coca được sử dụng hợp pháp trong chế biến thực phẩm thì 99% sản phẩm biến thành cocaine. Ở Peru, trồng cây coca được coi là hợp pháp, nhưng ngược lại, những chủ đồn điền phải bán sản phẩm cho một doanh nghiệp nhà nước đặc biệt gọi là Inalco. Nhưng Inalco thường hạ thấp chất lượng lá coca thu mua để kiếm lợi nhuận cao, do đó mà giới chủ đồn điền thường tìm cách bán sản phẩm của họ ở "những nơi khác" – những băng nhóm tội phạm ma túy.

Các băng nhóm tội phạm lợi dụng dân làng để thu mua lá coca với giá thương lượng song rất cao (gấp 3 hay 4 lần giá thu mua của Inalco). Sau khi thu hoạch xong, ma túy được chở đi bằng xe tải đến mua tại chỗ và trả bằng tiền mặt, giới chủ đồn điền cho biết. Cách đây 2 năm, lá coca đem lại lợi nhuận cao nhưng bây giờ giá cả đã sụt xuống bởi vì bọn tội phạm ma túy luôn đòi hỏi chất lượng không ngừng.

Theo La Devida, sau khi xử lý lá coca, 1kg cocaine có giá đến 1.200 USD. Và khi đến "điểm xuất hàng" (các sân bay, cảng chính thức hay bí mật, vùng biên giới trên đất liền), giá đội lên đến 1.500 USD. Nhưng khi vào đến châu Âu, 1kg cocaine được bán giá 10.000 USD. Tổng cộng, trong năm 2011, thị trường cocaine của Peru trị giá 2,5 tỉ USD - một con số chưa được đánh giá đúng mức.

Một công nhân làm việc tại đồn điền coca của Peru nhận xét: "Gốc rễ vấn đề là người châu Âu. Chừng nào có người tiêu thụ sẵn sàng trả tiền thì người nghèo ở thế giới thứ 3 sẵn sàng sản xuất và bọn buôn lậu ma túy".

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay cho chính quyền Peru là nếu sản lượng cocaine của Peru tăng, có nghĩa là làn sóng bạo lực liên quan đến ma túy và sự hiện diện của các băng nhóm tội phạm ma túy Mexico cũng tăng theo.

Top