Đồng Nai: Phấn đấu bao phủ đủ cơ sở điều trị Methadone

23/04/2018 14:17

Nguyên nhân còn 45% người nghiện ma túy tại Đồng Nam chưa tham gia điều trị Methadone là do số lượng cơ sở điều trị chưa được phủ hết tại các địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều người chưa hiểu hết liệu pháp điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone nên chưa tích cực tham gia.

55% số người nghiện tham gia điều trị Methadone

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, Đồng Nai có hơn 2.000 người nghiện ma túy nhưng mới có khoảng 55% số người nghiện tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone sẽ giúp người nghiện cai nghiện ma túy, cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng và đặc biệt là giảm nguy cơ lây lan HIV.

Tại Đồng Nai, những người đang tham gia điều trị Methadone phần lớn tuân thủ việc uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nhưng vẫn có những trường hợp người nghiện sử dụng thêm những loại ma túy khác, gây khó cho công tác điều trị. Theo quy định, sau 3 ngày người bệnh bỏ uống Methadone hoặc 2 lần sử dụng loại ma túy khác, khi trở lại sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra, nếu có sử dụng những loại ma túy khác ngoài heroin sẽ bị cho ra khỏi chương trình. Tuy nhiên, các cơ sở cấp thuốc cũng linh động duy trì điều trị cho đối tượng có mong muốn tiếp tục cai nghiện, song buộc phải làm bản cam kết không sử dụng lại bất kỳ loại ma túy nào. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có gần 20 trường hợp bị cho ra khỏi chương trình do sử dụng ma túy khác khi đang điều trị methadone.

Toàn tỉnh hiện chỉ có 6 cơ sở điều trị Methadone nên nhiều người nghiện ở những địa bàn chưa có cơ sở cấp Methadone hàng ngày phải đi xa để nhận thuốc, điều đó ảnh hưởng đến công việc, thời gian, sức khỏe nên có không ít người bỏ ngang điều trị. Việc này không chỉ gây lãng phí thuốc, thời gian điều trị mà còn gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV do người nghiện tiếp tục sử dụng ma túy.

Năm 2014, cơ sở điều trị methadone đầu tiên được đặt tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, hơn 1 năm sau mới lập được cơ sở thứ 2 tại Trung tâm y tế TP.Biên Hòa. Năm 2016 lập thêm 2 cơ sở điều trị ở huyện Long Thành và TX. Long Khánh… Để thuận tiện cho người bệnh, giữa năm 2017, 2 huyện Trảng Bom và Định Quán đã được bố trí lập cơ sở điều trị Methadone để phục vụ người bệnh có nhu cầu…

Dự kiến quý II năm 2018, địa phương sẽ lập cơ sở điều trị Methadone ở huyện Xuân Lộc và cuối năm là ở huyện Cẩm Mỹ. Lúc đó sẽ có nhiều cơ sở cấp thuốc, không lo người nghiện bỏ ngang điều trị.

Giúp người cai nghiện thuận tiện trong điều trị

Để giúp người cai nghiện thuận tiện trong điều trị Methadone nhưng vẫn bảo đảm thời gian, giờ giấc làm việc, sinh hoạt cộng đồng, Trung tâm đã yêu cầu nhân viên các cơ sở điều trị phải có mặt làm việc từ 6 giờ sáng hoặc sớm hơn để người điều trị đến sớm nhận thuốc và đi làm. Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công an điều tra, thống kê người nghiện ma túy. Những địa bàn có từ 150-200 người nghiện sẽ lập cơ sở điều trị tại địa bàn đó để người nghiện thuận tiện khi điều trị can thiệp.

Trong năm 2018, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) sẽ triển khai việc cấp thẻ điều trị cho tất cả bệnh nhân đang tham gia điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone trong cả nước. Những bệnh nhân được cấp thẻ có thể sử dụng thẻ này để uống Methadone tại bất kỳ cơ sở điều trị nào trong toàn quốc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân trong quá trình điều trị dù ra khỏi địa bàn nhưng vẫn có điều kiện uống methadone đầy đủ. Hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tích hợp và kết nối thông tin của các bệnh nhân từ các tỉnh, thành, sau khi dữ liệu đầy đủ sẽ tiến hành áp dụng. Tại cơ sở điều trị bất kỳ, người bệnh chỉ việc cung cấp mã thẻ, tất cả dữ liệu cá nhân được hiển thị và cán bộ cơ sở điều trị sẽ cấp thuốc methadone cho bệnh nhân.

Như vậy, đây là một trong những giải pháp cần thiết để giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho những người nghiện ở vùng sâu vùng xa được tham gia điều trị Methadone.

Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh mục tiêu truyền thông, phấn đấu đến hết năm 2020, tăng 10-15% sản phẩm truyền thông mới, tăng trên 15% thời lượng đưa tin trên sóng truyền hình, phát thanh và các ấn phẩm khác và tăng 20% số người được tiếp cận thông tin về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy so với năm 2017.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, cần chú trọng đến việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tăng thời lượng truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông để người dân được tiếp cận các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Được cập nhật các kiến thức cơ bản về nguy cơ, tác hại, hậu quả lây nhiễm HIV/AIDS… thông tin về các mô hình, điển hình trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy… nâng cao nhận thức, giảm kì thị, phân biệt và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm … là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện Kế hoạch.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch. Các cơ quan báo, đài, tăng cường các hoạt động truyền thông để thông tin đến các tầng lớp nhân dân được biết về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy.
Top