Đổi mới tuyên truyền phòng, chống ma túy ở vùng dân tộc thiểu số

06/07/2015 15:55

So với các các vùng khác, hoạt động phòng chống ma túy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, phức tạp gấp nhiều lần.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy cho bà con vùng dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Nguyên nhân là do hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng; địa hình sinh sống chủ yếu là miền núi, vùng xa, giáp biên giới, khó khăn cho việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng lại thuận lợi cho tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Uỷ ban Dân tộc đã xác định công tác tuyên truyền là hoạt động trọng tâm, đặc biệt chú trọng chỉ đạo 24 đơn vị báo, tạp chí thực hiện Quyết định 2472, 1997/QĐ-TTg dành hàng nghìn trang tin, bài, ảnh, phóng sự viết về phòng chống ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những gương điển hình tiên tiến và các mô hình điểm cần được nhân rộng.

Năm 2014 ghi nhận sự đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền của Cơ quan làm công tác Dân tộc. Đó là tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền miệng; tập huấn; phổ biến giáo dục pháp luật, sách, báo, tờ rơi... thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số và chính quyền địa phương tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm và các tệ nạn xã hội.

Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhóm nòng cốt, già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo; một số tỉnh có chuyên đề bằng hai ngôn ngữ: Việt - S’tiêng, Việt - M’nông, Việt - Khmer (tỉnh Bình Phước), bản tin tuyên truyền bằng 3 ngôn ngữ: Kinh, Jrai vàBahnar (tỉnh Gia Lai)... góp phần làm cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao hơn.

Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào triệt phá, không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy được Cơ quan công tác Dân tộc các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, bằng nhiều hình thức và biện pháp đã làm giảm hầu hết diện tích trồng cây thuốc phiện. Đồng thời tổ chức phổ biến kiến thức để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Mô hình trồng cây mận chín sớm, chăm sóc phục hồi bảo tồn 300 cây chè San Tuyết cổ thụ tại địa bàn hai xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình; trồng cây sơn tra ở huyện Mường La, Bắc Yên, mận ở huyện Mộc Châu, cây dược liệu ở huyện Yên Châu, Mai Sơn tỉnh Sơn La giúp đồng bào ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu và góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng có nội dung tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi phòng, chống tội phạm và ma túy, chống trồng cây có chứa chất ma túy và các tệ nạn xã hội gắn với bảo vệ an ninh biên giới đã được tổ chức triển khai đạt nhiều kết quả. Từ năm 2012 đến tháng 3/2015, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương phá, nhổ gần 92 nghìn m2 diện tích đất trồng cây thuốc phiện, gần 3 nghìn cây cần sa trồng trong vùng đồng bào DTTS...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy trong những tháng cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo UBDT sẽ chỉ đạo các cấp, ngành vùng dân tộc, miền núi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng những hình thức phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh phí. Tăng cường công tác nắm tình hình ma túy, tái trồng cây chứa chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác ở vùng dân tộc thiểu số. Thường xuyên trao đổi và cung cấp thông tin về công tác này với Ban Dân tộc các tỉnh để từ đó tham mưu, đề xuất với Chính phủ giải pháp cho công tác phòng, chống tệ nạn ma túy ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi một cách kịp thời, hiệu quả.

Top