Đoạn tuyệt ma tuý làm lại cuộc đời

04/11/2014 14:53

Từ một người nghiện ma tuý với sức khoẻ yếu, bị cộng đồng xa lánh, giờ đây Đ đã tự tạo được việc làm, ổn định kinh tế gia đình.

Đ.V.Đ, xã Gia Tường, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con. Ngoài sản xuất nông nghiệp, không có nghề phụ nên Đ. cũng giống như đa số thanh niên trong xã đều đi làm xa.

Trong quá trình đi làm xa nhà, không có sự kiểm soát của gia đình lại bị bạn bè rủ rê dùng ma tuý, Đ đã thử dùng và mắc nghiện từ năm 2008. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn khi Đ mắc nghiện. Sức khoẻ giảm sút, bao nhiêu tiền kiếm được Đ đều đổ vào mua thuốc hút chích.

Sau nhiều lần được đồng chí Trưởng Công an xã khuyên nhủ, Đ dần dần nhận ra sai lầm của mình. Lúc đó, Đ mới nhìn thấy trong đôi mắt bố là nỗi đau không dạy được con, là sự mặc cảm trước làng xóm. Đ nghĩ đến tương lai của vợ con mình, họ sẽ sống thế nào nếu Đ bị lây nhiễm HIV.

Nhờ sự động viên của chú Trưởng công an xã và gia đình, Đ đã tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình vào tháng 9/2009. Sau thời gian cắt cơn 7 ngày tại gia đình, Đ đã cắt được cơn nghiện. Nhưng như thế chưa đủ, để trở về với cuộc sống bình thường như trước khi mắc nghiện là một quá trình khó khăn, nhiều gian nan thử thách.

Bị mất lòng tin của cộng đồng nên Đ đi xin việc ở nơi nào cũng bị từ chối, không ai dám nhận người từng có quá khứ nghiện ngập vào làm việc. Bên cạnh đó, một vài bạn nghiện cũ thường xuyên qua lại rủ rê tiếp tục sử dụng ma tuý. Trước thực tế khắc nghiệt, vợ con nheo nhóc, bản thân không có việc làm, kinh tế gia đình cùng quẫn, đã có những lúc Đ cảm thấy tuyệt vọng muốn dùng lại ma tuý để quên đi sự đời.

Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, xã hội, Đ đã mở được cơ sở làm khung nhôm kính. Ảnh minh hoạ

Trong hoàn cảnh phải đối diện với những khó khăn cả về vật chất và tinh thần đó, Trưởng công an xã đã luôn phối hợp cùng gia đình động viên tinh thần, đồng thời đứng ra bảo lãnh cho Đ được học việc tại một cơ sở khung nhôm kính tại xã. Sau thời gian học việc và vững tay nghề, Đ được gia đình giúp đỡ với số vốn ban đầu là 50 triệu đồng để mở xưởng khung nhôm kính. Đội công tác xã hội tình nguyện của xã cũng bảo lãnh cho Đ vay 20 triệu từ chương trình vay vốn của Hội Phụ nữ xã.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cơ sở khung nhôm kính của Đ ngày càng mở rộng và có uy tín với cộng đồng xung quanh. Ngoài làm khung kính, hiện nay Đ còn kinh doanh đúc bể nước sạch cho các hộ gia đình trong vùng, tạo việc làm cho 3-5 người trong xã với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng.

Không chỉ vậy, Đ còn tích cực tham gia vào các phong trào vận động, tuyên truyền của xã trong các đợt mở lớp cai nghiện, trong thánh Hành động phòng, chống ma tuý để góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý.

Đ chia sẻ, từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, anh nhận thấy, để cai nghiện thành công thì trước hết bản thân người nghiện phải có quyết tâm cao, có ý chí, nghị lực. Không nên vì mặc cảm của bản thân mà che dấu việc mắc nghiện, nếu thực sự muốn từ bỏ ma tuý, hãy chủ động đăng ký một hình thức cai nghiện phù hợp.

Bên cạnh đó, nên chia sẻ với người thân trong gia đình và những người làm công tác xã hội để được giúp đỡ, tránh liên lạc trở lại với những người bạn nghiện cũ. Sau khi cai nghiện, nên cố gắng và tích cực tìm kiếm những cơ hội việc làm để duy trì sức khoẻ, lấy lại niềm tin của người thân, cộng đồng.

Top