Địa phương phải triển khai tốt mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

26/08/2014 17:41

Đối với những “vướng mắc” trong việc triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, về mặt văn bản hướng dẫn, Trung ương sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ. Trách nhiệm của các địa phương là phải có biện pháp tổ chức triển khai tốt mô hình cai nghiện này vì đây là chủ trương chung của nhà nước.

Mô hình “cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng” ở TPHCM.

Chiều 25/8, Đoàn khảo sát của Văn phòng Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn TPHCM đã có buổi làm việc về kết quả triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng tại quận 8 (TPHCM).

Theo báo cáo của UBND quận 8, những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại quận 8 đã được triển khai sâu rộng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, số người được phát hiện nhiễm HIV mới và số bệnh nhân tử vong vì AIDS tiếp tục giảm đáng kể; các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS được triển khai đồng bộ; việc thí điểm điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone đạt kết quả rất khả quan.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vấn đề tội phạm về ma túy, cũng như đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn quận 8 đang ngày càng phức tạp và khó quản lý; số người tái nghiện vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, từ đầu đến nay, công an quận 8 đã bắt giữ 172 tội phạm, trong đó có hơn 50% đối thượng phạm tội là người nghiện ma túy.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng địa phương, một trong những nguyên nhân khiến tệ nạn ma túy tại địa bàn diễn biến phức tạp là do việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng vẫn chưa thực sự đạt kết quả như mong đợi. Điều này một phần do các quy định hướng dẫn thực hiện chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Bà Nguyễn Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận 8 cho biết, thời gian qua, phường đã triển khai các bước để cai nghiện tại cộng đồng theo chủ trương chung nhưng vẫn chưa thực hiện được.

"Chẳng hạn như quy định diện tích tối thiểu phòng khám nơi tiếp nhận điều trị cai nghiện của phường phải đạt 10m², phòng lưu bệnh tối thiểu phải 8m², trong khi trạm y tế phường chúng tôi không thể đạt được như vậy" - bà Loan nói.

Do khó khăn như vậy nên từ trước đến nay phường chỉ vận động tuyên truyền về cai nghiện tại cộng đồng là chủ yếu. Kết quả đạt được là vận động được duy nhất một trường hợp tự nguyện cai nghiện tại gia đình. Tuy nhiên, đến nay người này đã chuyển đi nơi khác sống nên cũng chưa biết kết quả cai nghiện hiện tại ra sao.

Bà Trương Thị Lý, trưởng trạm y tế phường 14, quận 8 cho biết, theo quy trình, khi công an phát hiện người có khả năng nghiện sẽ đưa sang trạm y tế để làm kiểm tra xem có nghiện hay không, mức độ thế nào. Nếu có, trạm y tế phường sẽ là nơi điều trị cắt cơn. Thế nhưng muốn làm được điều này đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, chưa kể thiết bị y tế cũng phải được trang bị phù hợp.

"Không ít người nghiện bị gia đình bỏ rơi, rất dễ kích động. Trước đây thành phố tổ chức cai nghiện tập trung còn khó, huống hồ giờ một trạm y tế nhỏ bé với nhân lực khiêm tốn đảm nhận nhiệm vụ này càng khó gấp nhiều lần" - bà Lý phân trần.

Ông Mai Đăng Quốc Việt, trưởng Phòng LĐTBXH quận 8 cũng thừa nhận địa phương chưa thể đẩy mạnh việc thực hiện cai nghiện tại cộng đồng một phần là do vấn đề về nhận thức của người dân và lực lượng làm công tác này của quận, phường.

Ông Việt cũng thông tin thêm: "Trước đây chỉ cần kiểm tra thấy đối tượng có dấu hiệu sử dụng ma túy là đưa đi cai được. Bây giờ phải xác định đối tượng nghiện ma túy chứ không đơn thuần chỉ mới sử dụng mà đưa đi cai. Thế nhưng, địa phương không biết làm cách nào để xác định tình trạng nghiện của đối tượng do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thực hiện".

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, việc tắc ở các văn bản hướng dẫn thì Trung ương sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ. Trách nhiệm của địa phương là vẫn phải có biện pháp để tổ chức triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng vì đây là chủ trương chung của nhà nước.

Theo ông Mai, mô hình điều trị ma túy dựa vào cộng đồng là mô hình cai nghiện mang tính nhân văn, không tách rời người nghiện ra khỏi cộng đồng, xã hội. Để công tác này thực sự phát huy hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể ngay tại địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn quản lý sau cai.

“Sau khi thực hiện cắt cơn, quan trọng phải có sự giám sát, theo dõi chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan đoàn thể nhằm hỗ trợ người sau cai nghiện tiếp tục duy trì kết quả cai nghiện thành công”, ông Mai khẳng định.

Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc đưa người đi cai nghiện tập trung, ông Mai cho hay, ngay trong tháng 8/2014, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư chuyên ngành; đồng thời sẽ ra thông tư liên tịch về việc xác lập tình trạng đối với người nghiện ma túy…

Top