Đà Nẵng bắt gần 30 vụ phạm tội về ma túy

01/12/2015 12:35

Ngày 1/12, Công an Đà Nẵng cho hay, trong 3 tháng qua (từ 21/8 đến 20/11), các lực lượng chức năng phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy của TP đã phát hiện, bắt giữ 28 vụ, 39 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy.

Số vụ đã phát hiện, bắt giữ tiếp tục gia tăng

Qua đó các lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 2,3 kg ma túy tổng hợp (trong đó có 304,7g thuốc lắc; gần 1,2 kg ma túy dạng “đá”; 142,7g Ketamin; 0,156g thuốc lắc và nhiều tang vật khác). Trong 28 vụ đã phát hiện, bắt giữ có 27 vụ liên quan đến ma túy tổng hợp, chỉ có 01 vụ liên quan đến heroin.

Tang vật mà Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) thu giữ hôm 12/11 khi bắt trùm ma túy Đoàn Mạnh Cường (sinh năm 1964, trú tổ 30, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng) chuyên vận chuyển ma túy từ Campuchia về Đà Nẵng tiêu thụ (Ảnh do Công an quận Thanh Khê cung cấp)

Tính chung từ ngày 28/4/2014 đến 20/11/2015, các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã bắt giữ 139 vụ với 201 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy. So với cùng kỳ, số vụ đã phát hiện, bắt giữ nhiều hơn 5 vụ (chiếm tỉ lệ 21,73%) và tăng 05 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy.

Đặc biệt, sau 6 tháng tập trung các biện pháp nghiệp vụ điều tra xác minh, giám sát, ngày 19/10/2014, Phòng PC47 Công an Đà Nẵng đã triển khai lực lượng khám phá chuyên án 124N, bắt Phạm Thị Nga (sinh năm 1971) và Phạm Thị Bích Hường (sinh năm 1992, cùng trú tổ 45 phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Lực lượng chức năng đã thu giữ của hai “nữ quái” này 2.508 viên thuốc lắc và 2,139kg ma túy đá, 07 cây kiếm, 01 cây súng bắn điện cùng nhiều giấy tờ giao dịch tiền lên đến hàng chục tỉ đồng có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy.

Tiếp đó, ngày 25/12/2014, tại phường Thanh Khê Tây, Công an quận Thanh Khê bắt quả tang Nguyễn Vũ Hòa (sinh năm 1990, trú tổ 4B phường Thọ Quang) về hành vi bán trái phép chất ma túy. Đấu tranh mở rộng, lực lượng chức năng bắt tiếp 4 đối tượng trong đường dây, thu giữ hơn 31g ma túy đá; 4,7g thuốc lắc và 1,74g heroin.

Qua phối hợp với lực lượng Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng giám sát đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy từ sân bay Nội Bài đến sân bay Đà Nẵng, Công an Đà nẵng cũng đã khám phá thành công vụ Lê Ngọc Duy cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 35g ma túy đá, 108 viên thuốc lắc, 2 gói heroin cùng nhiều tang vật khác…

Đối tượng tại chỗ cấu kết với đối tượng từ phía Bắc hình thành đường dây liên tỉnh


Theo Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an Đà Nẵng, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn TP hiện chủ yếu liên quan đến ma túy tổng hợp (chiếm tỉ lệ 96,42%). Lượng ma thu thu giữ được tăng đột biến, đặt biệt là heroin và ma túy tổng hợp; riêng ma túy cần sa thu giữ được giảm mạnh. Số đối tượng tham gia phạm tội hầu hết nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên…

Được biết, UBND TP Đà Nẵng vừa có Tờ trình số 234/BC-UBND gửi kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII sắp diễn ra trong 3 ngày 8-10/12 về công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy năm 2015 trên địa bàn TP. Trong đó cho biết, tội phạm ma túy vẫn đang diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng tinh vi, xảo quyệt, hành vi phạm tội diễn ra nhanh chóng.

Đáng chú ý, thời gian qua các lực lượng chức năng của Đà Nẵng đã phát hiện một số đối tượng tại chỗ cấu kết với các đối tượng từ các tỉnh phía Bắc hình thành đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh vào địa bàn TP để tiêu thụ; một số đối tượng chọn khu vực giáp ranh giữa thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) với quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) làm nơi cư trú, hoạt động để dễ dàng tránh né các lực lượng chức năng.

Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện toàn TP có khoảng 2.400 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý (chưa kể số tiềm ẩn trong cộng đồng chưa bị phát hiện) làm cho tình hình sử dụng trái phép chất ma túy tại TP càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong đó phổ biến là tình trạng lợi dụng quán bar, karaoke và các dịch vụ kinh doanh lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ…) để núp bóng hoạt động.

Đơn cử, lúc 5h ngày 18/4/2015, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận Sơn Trà phối hợp với Công an phường Thọ Quang kiểm tra hành chính khách sạn TV New Day đã phát hiện tại các phòng 101, 102, 401, 403 có 10 nam, nữ và quản lý khách sạn có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra thử test đã phát hiện, xử lý hành chính 09 đối tượng dương tính với ma túy, thu giữ 03 gói ma túy dạng “đá”.

Nhiều quy định đang “trói tay” lực lượng chức năng

Trong khi đó, công tác giải quyết người nghiện thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ quy định mới của Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ khiến số người nghiện ngoài cộng đồng ngày càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm ma túy phát sinh, phát triển.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, trong Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định “chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” có một số quy định gây khó khăn, bất cập cho quá trình tổ chức thực hiện.

Trong đó, việc chỉ quy định Chủ tịch UBND cấp xác mới có quyền hạn ra quyết định giao người nghiện ma túy không có nơi cư trú cho các tổ chức xã hội mà không quy định quyền cho Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tôi phạm về ma túy thuộc Công an tỉnh, thành và Trưởng Công an quận, huyện là chưa hợp lý.

Quy định phải có tài liệu chứng minh đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã tạo sơ hở, không xử lý được các trường hợp vi phạm khi chưa chấp hành xong biện pháp này. Quy định phải có giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cũng gây không ít khó khăn do các biện pháp cai nghiện này thường không mang lại hiệu quả nên nhiều địa phương không áp dụng…

Ông Võ Duy Khương cũng cho hay, Nghị định 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường; trong đó tại điểm d, Điều 4 quy định thời hiệu áp dụng đối với người nghiện ma túy đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định là 03 tháng nhưng chưa quy định thời hiệu áp dụng biện pháp này đối với trường hợp người nghiện không có nơi cư trú ổn định nên đang gây lúng túng cho các cơ quan thi hành.

Top