Đà Nẵng: Vận động người nghiện tích cực tham gia điều trị Methadone

25/03/2015 16:44

Hiện nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài dành cho chương trình điều trị nghiện bằng Methadone đang bị cắt giảm mạnh. Vì vậy, chương trình điều trị đang có xu hướng chuyển sang xã hội hóa. Tuy nhiên, để vận động người nghiện tham gia tích cực chương trình điều trị này, TP. Đà Nẵng quyết định hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho người điều trị và tăng cường công tác tư vấn, xét nghiệm HIV cho những người điều trị.

 

Để vận động người nghiện tham gia tích cực chương trình điều trị này, TP. Đà Nẵng phấn đã quyết định hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho người điều trị - Ảnh minh họa

Điều trị nghiện heroin bằng thuốc Methadone được coi là “phao cứu sinh”, giúp người nghiện, gia đình và xã hội thoát gánh nặng về tài chính. Chính vì vậy, toàn quốc hiện đang nỗ lực để đạt được mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 80.000 người nghiện tham gia điều trị.

Tính đến ngày 20/3, Đà Nẵng có 355 người nghiện đang được điều trị tại cơ sở điều trị Methadone số 1 (91 Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê) và cơ sở điều trị Methadone số 2 (163 Hải Phòng, quận Hải Châu). Thành phố luôn tạo mọi điều kiện để người nghiện heroin có cơ hội tham gia điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Đà Nẵng được sự tài trợ của dự án hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế - Dịch vụ con người Hoa Kỳ (VAAC-US.CDC) nên bệnh nhân được điều trị miễn phí. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, dự án chỉ hỗ trợ thuốc Methadone và dừng hỗ trợ các chi phí khác.

Để tiếp tục duy trì hiệu quả và bảo đảm tính bền vững của chương trình, trong năm 2015, Đà Nẵng quyết định đầu tư 1,2 tỷ đồng chi trả toàn bộ kinh phí điều trị, bao gồm: Xét nghiệm cơ bản ban đầu, khám sàng lọc ban đầu, xét nghiệm nước tiểu thường xuyên và các chi phí thường xuyên khác như nước uống, cốc uống thuốc sử dụng một lần, bảo quản thuốc...

Nhờ có chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, nhiều người nghiện đã làm lại cuộc đời, cải thiện sức khỏe, sống lành mạnh và tái hòa nhập với cộng đồng. Điển hình như chị Phan Thu T, tham gia chương trình điều trị Methadone từ năm 2012, đến nay sức khỏe của chị đã được cải thiện rất nhiều, chị đã tìm được công việc ổn định và có thể nuôi sống bản thân. Không chỉ là một trong những thành viên điều trị tích cực mà chị còn giới thiệu nhiều người cùng tham gia điều trị.

Theo Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng Phạm Thị Đào, với sự hỗ trợ kinh phí từ thành phố, việc điều trị Methadone cho người nghiện heroin trên địa bàn không bị giới hạn. Ngược lại, hai cơ sở Methadone luôn tiếp tục tạo niềm tin, điều kiện để những người nghiện được tham gia chương trình. Thêm vào đó, sẽ tăng cường công tác xét nghiệm, khám sàng lọc, tư vấn… cho người bệnh.

Chị N.T.T.L (SN 1988, quận Hải Châu) tham gia chương trình từ tháng 6/2011 chia sẻ: “Năm trước, nghe thông báo người bệnh sẽ chịu một phần kinh phí, chúng tôi lo lắm. Nay được thành phố quan tâm hỗ trợ toàn bộ, tôi vừa mừng, vừa thấy có động lực để phấn đấu điều trị tốt, không bao giờ quay trở lại con đường cũ”.

Như vậy, đây có thể coi là giải pháp tích cực không chỉ khích lệ những người nghiện trên địa bàn thành phố yên tâm tiếp tục duy trì điều trị mà còn vận động những người nghiện khác tìm hiểu và tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Top