Cùng nhau hướng thiện

19/02/2015 07:57

Cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ Hướng Thiện tại thôn Thọ Sơn, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh do anh Nguyễn Ngọc T, người từng một thời nghiện ma tuý làm chủ, là một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm cho người sau cai nghiện. Bảy lao động tại cơ sở này đều là những người sau cai nghiện ma tuý có quyết tâm “hướng thiện”.

Cơ sở Hướng Thiện được bắt nguồn từ mô hình vườn ao chuồng. Ảnh minh hoạ

Kể về quá trình nghiện ma tuý của mình, anh Nguyễn Ngọc T, chủ cơ sở Hướng Thiện cho hay, anh sinh năm 1984, là con thứ hai trong gia đình có ba chị em, đồng thời là cháu đích tôn của dòng họ nên tuổi thơ của anh gắn liền với sự chiều chuộng, thương yêu hết mực của gia đình. T được bao bọc như một chàng công tử, được bố mẹ cho ăn học đầy đủ.

“Lẽ ra như những người khác, sẽ lấy đó làm nền tảng để xây dựng nên những viên gạch đầu tiên của sự thành công, nhưng với tôi thì không như vậy. Vào năm cuối của Đại học, cũng bởi cái mác “công tử” mà tôi muốn thể hiện đẳng cấp của mình, tôi bắt đầu chơi với những đứa bạn ăn chơi, mà người ta vẫn nói là cùng “đẳng cấp”, cứ như thế, tôi lao vào ma túy như con thiêu thân”, T kể.

Khi biết chuyện, bố mẹ và gia đình T. dường như chết lặng bởi chính sự sa ngã của anh. Bố anh đưa anh đi làm tại một nơi rừng rú, xa thành phố để mong anh có thời gian suy nghĩ làm lại cuộc đời. Nhưng ma túy như một thứ không thể thiếu đối với một người đã sử dụng và lệ thuộc vào nó, và anh, cũng không ngoại lệ. Anh từng đi bộ vài cây số đường rừng để tìm đến nơi có thể mua ma túy. Và công cuộc tự cai nghiện không thành công.   

Vì muốn cứu lấy T, cả gia đình đã quyết định nhờ chính quyền địa phương làm hồ sơ cho đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh. Trong thời gian gần 2 năm, anh đã cố gằng hết mình, chấp hành tốt quy trình cai nghiện, quy định của Trung tâm, kết quả anh được giảm thời hạn cai nghiện về địa phương sớm hơn quy định. Trong khoảng thời gian ở Trung tâm, T. đã học được một điều mà có lẽ trước khi đi cai anh chưa bao giờ nghĩ tới, đó là “ma túy đã làm đánh mất tất cả: danh dự, sức khỏe, tương lai … và cách duy nhất để có thể thắng nổi nó là bản lĩnh của chính mình”, chính thời gian cai nghiện tại Trung tâm đã giúp anh lấy lại quyết tâm, làm lại cuộc đời.

Về cộng đồng, trước sự kỳ thị của cộng đồng nơi mình sinh sống, T. chỉ biết lao vào làm việc. Không ai tin anh. Nhưng có lẽ, chính đó cũng là một lý do khiến anh muốn khẳng định cho tất cả một điều: anh sẽ quyết tâm cai nghiện.

T. bắt đầu suy nghĩ về cách làm kinh tế, bắt đầu từ chính khu vườn của gia đình. Anh lấy những thứ học được từ trường, từ những ngày ở Trung tâm, tập trung cải tạo ao, xây chuồng nuôi lợn rừng, trồng 400 gốc cây cảnh, làm than tổ ong không khói … tất cả đều chỉ mang lại thu nhập rất ít ỏi, thậm chí nhiều khi còn không đủ để trang trải những nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt đời thường.

Sau 3-4 tháng làm việc không biết mệt mỏi, anh bắt đầu tính đến việc phải có thu nhập thay vì chỉ để giải quyết khâu nhàn rỗi của mình. Anh lao vào học, mong muốn trang bị thêm kiến thức về cách làm kinh tế cho cuộc trường sinh của mình. Rồi anh bắt đầu hình thành suy nghĩ lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại, và nung nấu mơ ước trở thành một doanh nghiệp sản xuất nho nhỏ.

Sau nhiều ngày loay hoay tìm lối đi cho mình, T gặp lại những người cùng cảnh ngộ như mình, khi nghe họ nói về cuộc sống sau khi ở các Trung tâm cai nghiện trở về, muốn làm lại cuộc đời nhưng đi đâu cũng nhận được sự dè bỉu, những cái lắc đầu khi xin việc kể cả những việc bình thường nhất như đóng than, dọn dẹp ở quán cơm. Cũng như họ nên T. hiểu hơn ai hết sự tuyệt vọng mà họ đang trải qua, nếu như không ai quan tâm chia sẻ thì việc tiếp tục bước theo con đường cũ là điều không thể tránh khỏi. Lúc đó trong đầu T nảy sinh suy nghĩ: mình phải giúp đỡ họ.

T. mời những người có cùng cảnh ngộ đến làm cho nhà mình, khi còn khó khăn họ chỉ cần có một công việc để làm, không cần trả lương. Ban đầu, có một số anh em, với bản tính chỉ thích chơi, lười lao động không chịu nổi cách quản lý của T, họ cũng xin nghỉ và cuối cùng chỉ còn lại những người thực sự muốn làm lại cuộc đời.

Sau gần 4 năm kể từ ngày từ Trung tâm Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh về, được sự động viên, giúp đỡ, sự quan tâm của chính quyền địa phương T. đã tự gây dựng cho mình một cơ sở sản xuất nhỏ, với các nghành nghề: Vườn- ao- chuồng; cơ khí, kinh doanh dịch vụ; đóng gạch xi măng siêu nhẹ, đóng than tổ ong không khói … phục vụ nhu cầu của thị trường tại địa phương. Mức lương trung bình của các công nhân ở cơ sở T. là 4.000.000 đồng/người/tháng.

Tất cả những người làm trong cơ sở của T. đều có một thái độ nhiệt tình, chăm chỉ. Bởi với họ, T. như một người bạn, người anh em thân thiết trong gia đình. Bằng kinh nghiệm của mình, anh chỉ ra cho họ cách vượt qua cám dỗ  của cuộc sống đời thường, cách làm “ngơ” với ma túy.

Anh T. chia sẻ, khó khăn lớn nhất với anh khi muốn trở thành một người làm ăn chân chính có lẽ là sự kỳ thị của cộng đồng xã hội. Thời gian qua đi, bằng chính sự cố gắng và những việc làm của mình, đến nay, mọi người cũng có cái nhìn tích cực hơn với T và những người bạn của anh. Từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng đến nay, T. đã mua được một căn nhà nho nhỏ, xây dựng được 20 phòng trọ cho sinh viên thuê, cuộc sống bớt phần khó khăn.

Hiện tại, T đã xây dựng một Đề án sản xuất kinh doanh với quy mô và ngành nghề đa dạng hơn, với mục tiêu chung của đề án này là giải quyết công ăn việc làm cho vài chục lao động là những người từng lầm lỡ.

Top