Cộng đồng trị liệu-Một liệu pháp cai nghiện ma túy có hiệu quả

26/06/2015 09:09

Lâu nay trong hoạt động cai nghiện cho người nghiện ma túy ở nước ta vẫn có khái niệm về cai nghiện tại cộng đồng (tức là cai nghiện tại khu dân cư, tại xã phường). Do vậy có nhiều người đã ngộ nhận về liệu pháp Cộng đồng Trị liệu của Tổ chức Daytop Quốc tế (Hoa Kỳ) cũng là hình thức cai nghiện tại cộng đồng như của Việt Nam. Thực chất đây là một mô hình cai nghiện mang nội dung và hình thức khác hẳn hình thức trên đây ở nước ta. Nhân ngày Quốc tế Phòng, chống ma túy và cũng là ngày Toàn dân phòng, chống ma túy 26/6/2015 sắp tới, xin giới thiệu với bạn đọc về liệu pháp cai nghiện độc đáo này.

     

Ảnh minh họa

 1. Khái niệm về Cộng đồng Trị liệu 

 

       Cộng đồng Trị liệu (tiếng Anh là Therapeutic Communities, viết tắt là T.C)  là hoạt động cai nghiện ma tuý bằng phương pháp dùng cộng đồng người nghiện tự giúp đỡ lẫn nhau với phương châm "Trợ giúp để người nghiện tự giúp đỡ chính bản thân". Đây là liệu pháp điều trị, phục hồi dựa trên nguyên lý tự giúp đỡ lẫn nhau của chính bản thân những người nghiện ma tuý trong một cộng đồng (tập thể) người nghiện dưới sự hướng dẫn quản lý của các chuyên gia và trợ giúp về chuyên môn của các nhân viên cai nghiện, phục hồi chuyên nghiệp. Như vậy T.C vừa là một tổ chức, một mô hình và đồng thời là một liệu pháp cai nghiện ma tuý. Hiện nay tại Hoa Kỳ đã thành lập Tổ chức Daytop Quốc tế (một tổ chức NGO của Hoa Kỳ) chuyên đào tạo về T.C cho các nước trên thế giới muốn áp dụng liệu pháp này.

       Về tổ chức, T.C hình thành các cơ sở điều trị chứng nghiện ma túy bằng liệu pháp Cộng đồng Trị liệu với cái tên là “Làng Daytop” (Daytop Village). Có thể nói Làng Daytop là một mô hình cai nghiện đặc biệt do ở đây đã tạo ra một môi trường điều trị, học tập, rèn luyện và sinh hoạt lành mạnh đối với những người nghiện tình nguyện tham gia chương trình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người tự xoá bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân và hình thành niềm tin, nghị lực để làm lại cuộc đời. Chính vì vậy mà ngày nay T.C đã được nhiều quốc gia đưa vào áp dụng có hiệu quả không chỉ ở các trung tâm cai nghiện tập trung hoặc ở các cơ sở cai nghiện tại cộng đồng mà còn ở các trại giam tù nhân, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng cho người chưa thành niên.

         Với hơn 60 năm hoạt động tính từ khi ra đời, ngày nay đã có hơn 60 quốc gia áp dụng liệu pháp T.C và một Hiệp hội Cộng đồng Trị liệu Thế giới (viết tắt

bằng tiếng Anh là WFTC) đã được thành lập và cứ 2 năm Hội nghị Quốc tế về liệu pháp Cộng đồng Trị liệu lần lượt được tổ chức tại các nước thành viên của Hiệp hội. Tại Châu Á cũng có Hiệp hội Cộng đồng Trị liệu Châu Á (AFTC). Việt Nam hiện chưa phải là thành viên chính thức của Hiệp hội nên thường được WFTC hoặc AFTC mời 1-2 đại biểu tham dự Hội nghị với tư cách là khách mời - quan sát viên. Tại Hội nghị Quốc tế của WFTC lần thứ 24 tổ chức tại Lima, thủ đô của Peru (Nam Mỹ), từ ngày 6-10/2/2009, chương trình tập huấn và áp dụng liệu pháp T.C của Việt Nam những năm gần đây đã được báo cáo tại Hội nghị và được nhiều đại biểu đánh giá cao.

        2. Bản chất của liệu pháp T.C

        Theo quan điểm của T.C, nghiện ma tuý như là một bệnh mãn tính, khó chữa, nhưng có thể chữa được nếu chúng ta sớm điều trị, phục hồi các rối loạn của cơ thể người nghiện cả về tâm, sinh lý (do họ sử dụng tới mức nghiện ma túy) để họ trở lại trạng thái bình thường ban đầu. Để người nghiện từ bỏ được ma túy, quá trình cai nghiện đòi hỏi phối hợp đồng thời và đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau: từ liệu pháp y tế đến các liệu pháp điều trị tổng hợp đối với người cai nghiện như hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, học tập, tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, văn hoá, thể thao…Theo lý thuyết về Cộng đồng Trị liệu, hoạt động cai nghiện phục hồi chỉ có hiệu quả và thành công khi chúng ta làm chuyển biến nhận thức và từ đó dẫn tới làm thay đổi hành vi của người nghiện để họ tiến tới từ bỏ, đoạn tuyệt với  ma tuý. Như vậy, các hoạt động quản lý, giáo dục nâng cao nhận thức và làm chuyển đổi hành vi, phục hồi nhân cách của người nghiện ma tuý vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu rất quan trọng trong liệu pháp T.C nhằm giúp cho họ từng bước rèn luyện, thay đổi sự lệch lạc trong nhận thức, quan điểm và dần hình thành ý thức trách nhiệm, tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sinh hoạt có nề nếp và lối sống lành mạnh, lương thiện lâu nay người nghiện chưa từng có hoặc đã đánh mất để trở thành người công dân tốt, có ích cho xã hội. Trong Làng Day top, có 3 nguyên tắc phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt là: “Không ma túy, không bạo lực và không có tình dục” và các thành viên tham gia chương trình T.C là hoàn toàn tự nguyện, phải luôn tôn trọng, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau, coi nhau như anh em trong một gia đình.

        3. Việc áp dụng mô hình này ở Việt Nam

Từ năm 1997, Tổ chức Daytop Quốc tế đã tiến hành 5 khoá tập huấn đầu tiên cho một số cán bộ, nhân viên y tế của các cơ sở chữa bệnh và 1 số xã, phường ở 25 tỉnh, thành phố với hơn 80 học viên, kể cả một số học viên của 3 cơ quan: Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Viện Sức khoẻ tâm thần (Bộ Y tế) và Văn phòng Thường trực phòng, chống ma tuý (Bộ Công an). Nội dung chương trình tập huấn tập trung vào những nguyên lý cơ bản của tổ chức mô hình Cộng đồng Trị liệu; những nguyên tắc, nội dung hoạt động của T.C và một số kỹ năng cụ thể trong công tác điều trị, phục hồi cho người nghiện ma tuý. Những nội dung bài học đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội và nhân viên chuyên nghiệp trực tiếp làm công tác cai nghiện, phục hồi là hết sức mới mẻ nhưng hết sức bổ ích và thiết thực. Qua 5 khoá đào tạo đầu tiên, các học viên đã được trang bị nhiều kiến thức mới về phương pháp cai nghiện theo mô hình T.C. Sau khi trở về, phần lớn các học viên đã áp dụng những kiến thức thu nhận được vào công việc hàng ngày ở các trung tâm và đều thấy rằng có lợi ích, hiệu quả rõ ràng.

Từ cuối năm 1998 đến tháng 3/2001, được sự tài trợ, giúp đỡ của Chương trình Kiểm soát ma tuý của Liên hợp quốc- UNDCP (nay chuyển thành UNODC), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ liên quan đã triển khai thực hiện Dự án "Phân tích tình hình lạm dụng ma tuý và huấn luyện, điều trị, phục hồi cho người nghiện dựa vào cộng đồng", mã số AD/VIE/98/B93 tại 7 địa phương đại diện cho 3 miền đất nước gồm Hà Nội, Yên Bái, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án đã lồng ghép một chương trình đào tạo, tập huấn về Cộng đồng Trị liệu và áp dụng một số chương trình thí điểm về T.C cả ở các trung tâm và cộng đồng tại nhữmg địa phương tham gia Dự án. Với những nội dung hoạt động theo phương pháp Cộng đồng Trị liệu của Tổ chức Daytop huấn luyện, các Trung tâm đã có những công việc và hoạt động mới đa dạng, phong phú như lập kế hoạch điều trị cho từng cá nhân; tổ chức giao ban buổi sáng cho các học viên ở Trung tâm; áp dụng các hình thức tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn gia đình người nghiện; tổ chức các hoạt động lao động sản xuất để giáo dục, trị liệu bằng lao động và rèn luyện sức khoẻ, phục hồi và nâng cao  kỹ năng lao động… Đồng thời các Trung tâm đã tổ chức tốt một số hình thức sinh hoạt văn hoá, thể thao, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ v.v. góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị, phục hồi trong thời kỳ đối tượng ở Trung tâm. Ở những xã, phường thực hiện Dự án, mô hình T.C cũng được áp dụng sáng tạo và linh hoạt đã đem lại những chuyển biến mới. Đặc biệt, sau khi Dự án kết thúc, riêng thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục phát huy kết quả đạt được của Dự án: đã thành lập từ 5 Câu lạc bộ thí điểm ban đầu đến nay đã lên tới trên 100 Câu lạc bộ được gọi là Câu lạc bộ B93 (mang tên Dự án) nhằm tiếp tục quản lý; tư vấn, giúp đỡ và giám sát các đối tượng sau khi cai từ trung tâm trở về hoặc cai tại gia đình, cộng đồng chuyển sang.

         Từ tháng 11/2005 đến tháng 10/2006, Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam tiến hành Dự án đào tạo, tập huấn về phương pháp cai nghiện ma túy dựa vào liệu pháp Cộng đồng Trị liệu do Tổ chức Daytop Quốc tế thực hiện. Chương trình gồm 8 khoá tập huấn với 177 học viên của 26 Trung tâm ở cả 2 miền Bắc- Nam. Đây là khoá đào tạo có quy mô lớn về chương trình TC và cũng là khoá tập huấn có nội dung đồng bộ, phong phú nhất cho tới nay ở Việt Nam.

       4. Các kết quả bước đầu thu được

       Các chương trình đào tạo của Tổ chức Daytop Quốc tế về TC đã góp phần  tạo bước chuyển biến mới, tích cực đối với các hoạt động cai nghiện ở các Trung tâm được tập huấn. Với quy trình và phương pháp điều trị theo mô hình Cộng đồng Trị liệu mới được áp dụng, chất lượng công tác điều trị, phục hồi ở các Trung tâm cũng như ở cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt . Từ chỗ các Trung tâm nặng về công tác quản lý hành chính đối tượng, tiến hành giáo dục, rèn luyện học viên bằng những bài học chính trị cứng nhắc tới nay các Trung tâm đã dần mở rộng các hoạt động, biện pháp giáo dục học viên: tổ chức điều trị, phục hồi sức khoẻ, giáo dục hành vi nhân cách cho đối tượng, tiến hành các liệu pháp tư vấn, tâm lý trị liệu, tổ chức lao động (vừa là trị liệu và là sản xuất), dạy nghề hướng nghiệp, giải quyết việc làm và chuẩn bị tốt quá trình tái hoà nhập cộng đồng cho người nghiện.

 Mặt khác, các hoạt động điều trị, phục hồi được áp dụng trong quá trình thí điểm đã liên kết các hoạt động ở Trung tâm với quá trình tái hoà nhập cộng đồng của các đối tượng với sự hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp của cộng đồng, kể cả sự tham gia tích cực của gia đình đối tượng. Nhiều hoạt động và mô hình mới phong phú và đa dạng được tổ chức trong quá trình triển khai các chương trình cai nghiện tại cộng đồng như hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng, tổ chức các câu lạc bộ sau cai, tiến hành các buổi giao ban, sinh hoạt văn hoá, thể thao, mạn đàm chuyên đề… đã làm cho mô hình cai nghiện tại cộng đồng đạt chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Những Câu lạc bộ B93 của Hà Nội áp dụng tốt một số hoạt động của mô hình Cộng đồng Trị liệu đã có chuyển biến rõ rệt và tỷ lệ tái nghiện giảm nhiều so với những nơi không có Câu lạc bộ.

        Qua chương trình đào tạo về TC, các nhân viên chuyên nghiệp về điều trị, phục hồi, kể cả ở trung tâm và cộng đồng, trong và ngoài ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã được nâng cao cả về kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ thuật và một số kỹ năng trong công tác điều trị, phục hồi. Tất cả mọi người sau khi tham gia Dự án đều cho rằng Dự án có ích lợi rất thiết thực, hiệu quả đối với công việc hàng ngày của họ và sau một thời gian thực hiện Dự án, chất lượng và hiệu quả công việc của họ được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, phòng chống tệ nạn ma tuý nói riêng, cụ thể trong lĩnh vực giảm cầu, cai nghiện ma tuý đã được nâng cao nhận thức nhiều mặt về sự hiểu biết về ma tuý, về cơ chế gây nghiện của các loại ma tuý, về bản chất của quá trình nghiện cùng các yếu tố liên quan, nguyên nhân dẫn tới nghiện ma tuý. Từ đó họ được nâng cao kiến thức và nắm vững các chuyên môn, nghiệp vụ của công tác điều trị, phục hồi. Nhiều bài học và kinh nghiệm đã được đúc rút, tích luỹ trong quá trình tham gia thực hiện Dự án.

  Đặc biệt, những người nghiện ma tuý tham gia các chương trình thí điểm T.C những năm qua có nhiều biến chuyển tích cực, tự giác phấn đấu và tin tưởng hơn vào hiệu quả của chương trình điều trị, phục hồi mà họ được tham gia. Sau khi các Dự án T.C kết thúc, kết quả đánh giá của các chuyên gia Tổ chức Daytop Quốc tế cho thấy tỷ lệ tái nghiện sau từ 6 - 12 tháng ở những Trung tâm, những xã phường thí điểm so với trước đây hoặc so đối chứng với những nơi khác đã giảm rõ rệt. Nhiều đối tượng đã từ bỏ hẳn ma tuý, được tạo công ăn việc làm ổn định và thực sự hoàn lương. Một số khác trở thành cộng tác viên tích cực của Dự án thí điểm. Tất cả điều đó cho thấy là họ đã được hưởng một chương trình điều trị, phục hồi tốt hơn, phong phú và hiệu quả hơn. Đây là những kinh nghiệm tốt, quý giá của việc áp dụng chương trình Cộng đồng Trị liệu trong quá trình chúng ta triển khai công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma tuý, một công việc vô cùng khó khăn, nặng nề đầy phức tạp và cam go.

Trong thời gian tới, theo tinh thần Quyết định 2596/QĐ-TTg ngày27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, chúng ta sẽ thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng… Với chủ trương trên, việc áp dụng mở rộng phương pháp điều trị, phục hồi theo mô hình Cộng đồng Trị liệu cả ở các Trung tâm cai nghiện tập trung cũng như tại cộng đồng là điều cần thiết, có ý nghĩa từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này, phấn đấu ngày càng có nhiều người nghiện từ bỏ được ma túy, trở lại với cuộc sống bình thường, đem lại yên ấm cho các gia đình yên ấm và bình an cho cả xã hội./.

Top