Con đường phạm tội của 2 chị em ruột và bức thư thấm đẫm nước mắt

06/01/2015 14:39

“Em à! Chị đã tự tay đào mồ chôn vùi tuổi thanh xuân của chị và em, khép lại tương lai rộng mở đang chờ phía trước, khép lại những năm tháng miệt mài ngồi trên giảng đường đại học. Khi cánh cửa trại giam đóng sầm lại là lúc bóng tối ập đến, báo hiệu cho sự kết thúc, một kết thúc buồn của cuộc đời hai chị em sinh viên đại học vướng vào đường dây vận chuyển ma tuý của một tổ chức buôn bán ma tuý xuyên quốc gia”. Đây là những lời tâm sự đong đầy nước mắt của phạm nhân Trần Hà Duy gửi đến em gái là phạm nhân Trần Hạ Tiên.

Hà Duy viết thư cho em gái

Bí mật từ chiếc va ly hai đáy

Ngày 18/7/2011, chuyến bay quốc tế mang số hiệu QR 688 từ Ấn Độ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Trong dòng người nhập cảnh có cô gái trẻ mang tên Trần Hạ Tiên (quê ở Lâm Đồng, sinh viên trường Đại học Văn Lang). Qua quá trình kiểm tra hành lý, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất nhận thấy có nhiều dấu hiệu khả nghi trong valy đựng đồ của Tiên. Khi tổ công tác kiểm tra thì phát hiện dưới tấm lót của đáy valy hành lý là một bao nylon màu đen đựng loại chất rắn màu trắng dạng tinh thể bên ngoài được quấn băng keo có trọng lượng 4,1kg. Qua công tác giám định cơ quan chức năng xác định đó chính là ma túy. Từ đây cơ quan công an đã khám phá ra một đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia cho Trần Hạ Duy (sinh viên trường Đại học Hồng Bàng, chị ruột của Hạ Tiên) cầm đầu.

Theo hồ sơ của cơ quan công an, năm 2008, trong một lần đi xe bus từ trường về nhà, Hạ Duy đã quen với một người đàn ông ngoại quốc tên Francis. Trong khi trò chuyện, người đàn ông ngoại quốc nói đang muốn tìm một người giỏi tiếng Anh để mang hàng mẫu ra nước ngoài. Do cũng sắp ra trường muốn tìm việc làm nên Hà Duy ngỏ ý muốn nhận công việc này. Sau khi trao đổi số điện thoại, Francis hứa khi nào cần người sẽ gọi cho cô.

Sau 2 năm chờ đợi, tháng 8/2010, Hà Duy mới nhận được cuộc gọi từ Francis. Người đàn ông đó nói đang cần 1 người vận chuyển hàng mẫu là giày dép ra nước ngoài. Tuy nhiên, do lúc đó Hà Duy đang bận ôn thi nên đã từ chối và hẹn để lần sau. 2 tháng sau người đàn ông đó lại tiếp tục gọi và đề nghị cô vận chuyển hàng mẫu là giày dép và quần áo cho công ty của ông ta. Tiền công vận chuyển là 500USD/ chuyến sang Malaysia, và 1.000USD/chuyến sang Cotonou/Benin (một nước cộng hòa của Tây Phi) không kể tiền vé máy bay và ăn ở. Không để vụt mất cơ hội, Hà Duy đã đồng ý. Những lần đầu Hà Duy ngây thơ tin rằng đó chỉ là hàng mẫu. Tuy nhiên đến lần thứ 3 cô đã nhận ra chiếc valy người đàn ông đưa không chỉ đơn thuần là hàng mẫu mà trong lớp đáy thứ 2 là toàn ma túy. Biết vậy, nhưng cám dỗ của đồng tiền và trước sức ép của tổ chức mafia quốc tế, cô không dừng bước lại được. Cô còn kéo theo cả người em gái là Nguyễn Hạ Tiên (SN 1991, là sinh viên trường Đai học Văn Lang) vào đường dây vận chuyển ma túy quốc tế.

Đến khi Hà Tiên bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất, lúc đó Hà Duy mới tỉnh ngộ. Mặc dù đang ở Campuchia để “nhận hàng” mang về bay về Việt Nam. Cô đã tìm cách bỏ trốn rồi theo cha lên cơ quan công an đầu thú. Tại cơ quan công an cô khai nhận, cho đến ngày bị bắt cô đã cùng các đối tượng khác vận chuyển cho Francis tất cả là 11 lần. Trong đó, Duy vận chuyển 7 lần với tổng số ma túy là 7,5kg. Còn Tiên vận chuyển 2 lần với số ma túy là 4,1kg. Riêng số đối tượng khác vận chuyển 1 lần nhưng không biết đó là ma túy nên không bị truy tố.

Day dứt lương tâm vì đưa em gái vào đường dây vận chuyển ma túy

Những ngày tháng cải tạo tại trại giam Thủ Đức (Z30D, Bộ Công an), chưa giây phút nào Hà Duy không thôi tự trách móc mình vì đã tự tay đào mồ chôn vùi tuổi thanh xuân của em gái. Trong lá thư “gửi lời xin lỗi” gửi đến Hạ Tiên, Hà Duy viết:

Chị không nhớ rõ đây là lá thư thứ mấy chị viết cho em. Thư gởi đi cũng đã nhiều rồi mà chị vẫn chưa nhận được hồi âm của em. Phải chăng em còn giận chị hay những cánh thư kia chưa đến được tay em. Đã hơn 3 năm rồi, kể từ ngày chị em mình xa nhau, chị không lúc nào không thôi nghĩ về em và nghĩ về lỗi lầm của mình. Bao nhiêu lần chị đặt bút viết thư cho em là bấy nhiêu lần chị rơi nước mắt. Chị khóc vì nhớ thương em và khóc vì hối hận về những việc làm của mình.

Em gái chị thật ngây thơ, em như một tờ giấy trắng vậy, chị là một người chị hư, đã nghịch lọ mực để rồi vấy bẩn lên trang giấy trắng ấy. Chị tìm mọi cách để tẩy đi vết bẩn đó nhưng đã quá muộn màng. Kể từ giây phút nhìn thấy tấm ảnh và bài báo đăng hình em với cặp còng số 8 xiết chặt đôi tay bé nhỏ, chị biết rằng chị đã mắc sai lầm, sai lầm lớn nhất trong cuộc đời chị khi để cho em đi vận chuyển chuyến hàng định mệnh đó. Tại sao không phải là chị đi chứ mà lại là em, đứa em gái mà chị hết mực thương yêu. Tất cả các trang báo đều đăng tải hình em bị bắt với 4kg ma tuý. Chị không còn tin vào mắt mình, tim chị như thắt lại, nước mắt lả chả tuôn rơi, chị bấm điện thoại gọi cho cha: Cha ơi, cứu em, cứu em đi cha... Con đã hại em rồi..

Ngày ra Toà, ngồi trên chiếc xe bít bùng, em nắm chặt tay chị và động viên: “Chị Hai đừng sợ, chị em mình sẽ không sao đâu mà!”. Đáng lẽ ra người an ủi, động viên phải là chị mới đúng. Phải chăng em gái của chị rất cứng rắn và dũng cảm, hay em không biết chuyện gì sẽ đến với mình?

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến ngày xử phúc thẩm, chị buồn nhiều vì trước đó nhận được kháng nghị của VKSND đề nghị tăng lên hình phạt Tử Hình, chị không còn tâm trí đâu để hát cho em nghe. Lấy tay quệt nước mắt, chị gọi “Chị hát cho em nghe nhé, chị sợ sau này không còn cơ hội hát cho em nghe nữa”. Chị không nghe tiếng em trả lời lại, nhưng chị biết đứng sau cánh cửa sắt, em chị đang khóc. Cả khu giam giữ như lặng im, cùng hoà theo cảm xúc trĩu nặng từ giọng hát ngân vang của một người chị sắp xa em gái mãi mãi.

Em biết không, khi con người ta đứng giữa sự sống và cái chết, mọi thứ trở nên thật mờ nhạt và không còn ý nghĩa gì. Ngày Toà tuyên án tử hình, chị đã trải qua cảm giác đó, phút giây đó mọi vật hiện hữu trước mắt chị đều tan biến cả. Chị nhìn thấy cha mẹ đứng trước mặt và giơ tay đón chị, thấy em đang mặc bộ lễ phục cử nhân tung bó hoa dự lễ tốt nghiệp ra trường, chị lại thấy bé Nhi và cu Bin đang vui đùa, chạy nhảy. Tất cả những hình ảnh đó hoà vào làm một bức tranh thật đẹp. Nhưng bức tranh ấy bị xé toạt ra khi chị nghe “Toà tuyên án,bị cáo Trần Hà Duy cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, mức án tử hình.

Thấm thoát mà cũng đã hơn 3 năm rồi em nhỉ, ngần ấy thời gian không ngắn, nhưng cũng đủ dài để chị nhìn lại đoạn đường đã qua, nhìn lại quá khứ và lỗi lầm của mình để từ đó xác định lại tư tưởng và tiếp tục con đường đi phía trước. Chị hứa với em chị sẽ sống tốt, học tập và cải tạo thật tốt để mai sau quay về sẽ làm lại con người mới, cuộc đời mới. Ở nơi traị giam xa xôi này, lúc nào chị cũng nhớ về em, đêm đêm nhìn lên bầu trời, chị vẫn âm thầm cầu nguyện cho em gái chị được khoẻ mạnh và bình an.

Hãy vững tin em nhé, cuộc đời này sẽ không bất công với chị em mình đâu. Khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra mà thôi. Em gắng giữ gìn sức khoẻ, cải tạo tốt chờ ngày phép màu sẽ đến với chị em mình. Như lời một bài hát ưa thích của chị em mình” There can be miracle when you believe....you will when you believe...”Khi niềm tin hiện hữu phép màu sẽ xuất hiện...

Ngày 27/3/2012, tại phiên sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Trần Hà Duy mức án tù chung thân, còn Trần Hạ Tiên (em ruột Duy) 20 năm tù về tội “vận chuyển ma túy trái phép”.

Tuy nhiên, đến ngày 20/6/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị tăng án của VKSND TP.HCM tăng hình phạt đối với bị cáo Trần Hà Duy từ chung thân lên tử hình về tội “vận chuyển ma túy trái phép”. Sau đó Trần Hà Duy đã được chủ tịch nước ký lệnh ân xá giảm từ án tử hình xuống án chung thân.

Top