Chuyển hướng hoạt động trung tâm cai nghiện bắt buộc

26/11/2015 16:59

Sau hơn một năm triển khai Nghị định 221 của Chính phủ về việc đưa người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm, số lượng người nghiện ma túy đưa vào các trung tâm cai nghiện đã giảm mạnh. Nhiều trung tâm gần như bỏ không. Vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng là sớm quy hoạch lại hệ thống các trung tâm này.

Điều trị cai nghiện ma túy tại trung tâm cai nghiện bắt buộc

Khó đưa người đi cai nghiện

Theo phản ánh của các trung tâm cai nghiện bắt buộc, từ khi triển khai Nghị định 221, việc đưa một người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc rất khó khăn. Trước tiên, để lập hồ sơ đưa người đi cai nghiện phải qua cơ quan y tế xét nghiệm, xác định dương tính với ma túy. Sau đó chuyển cho công an lập hồ sơ, chuyển sang phòng Tư pháp thẩm định rồi chuyển đến phòng LĐTBXH và cuối cùng phải chờ phán quyết của Tòa án. Với nhiều thủ tục như vậy nên số lượng người nghiện đi cai bắt buộc ngày càng giảm.

Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội Thái Nguyên với 60 cán bộ nhân viên, nhưng hiện chỉ quản lý 20 người nghiện, bằng 1/25 sức chứa của trung tâm. Hầu hết các phòng ở đây đều bỏ trống và đóng cửa, thậm chí sang năm có thể trung tâm này sẽ không còn học viên.

Theo ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội Thái Nguyên, khi Nghị định 221 và Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (năm 2014), số người đưa vào cai nghiện bắt buộc giảm đi. Trong khi tỉnh Thái Nguyên có trên 5.600 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, thì 6 trung tâm Chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội của tỉnh mới chỉ tiếp nhận 215 học viên cai nghiện.

Tương tự, Trung tâm Giáo dục dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh được đầu tư gần 100 tỷ đồng khá khang trang. Thế nhưng, trong 8 tháng đầu năm, trung tâm mới chỉ tiếp nhận được 13 học viên. Do đó, 4/5 dãy nhà ở đây đang trong tình trạng xuống cấp, vì không có người ở.

Ông Nguyễn Bá Chanh, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Trung tâm Giáo dục dạy nghề, hướng thiện tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Quy mô của trung tâm là khoảng 600 học viên, với 5 tòa nhà, nhưng hiện chỉ có dùng được 1 tòa nhà, với 90 học viên…”

Quy hoạch lại

Hiện cả nước có 123 trung tâm cai nghiện bắt buộc, với biên chế hơn 7.000 cán bộ, có khả năng tiếp nhận khoảng 60.000 người cai nghiện/năm. Nhiều cơ sở được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng việc thiếu vắng học viên cai nghiện. Thậm chí có 14 trung tâm không có người cai nghiện.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Việc thiếu vắng học viên đã gây lãng phí cơ sở vật chất, nên chúng tôi đang quy hoạch lại các trung tâm cai nghiện, như chuyển sang cai nghiện tự nguyện hoặc sang mô hình đa dạng hóa (cai nghiện methadone, tiếp nhận người nghiện cư trú không ổn định, tự nguyện, bắt buộc). Các địa phương cũng đang sắp xếp lại các trung tâm cai nghiện bắt buộc, trong đó có 10 trung tâm đã chuyển đổi sang cai nghiện tự nguyện. Các trung tâm khác đang từng bước chuyển đổi dựa trên thực tế từng địa phương”.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Việt Nam đã coi nghiện ma túy là một loại bệnh và cần có phương pháp điều trị thích hợp. Do đó, Việt Nam chuyển hướng cai nghiện ma túy bắt buộc sang cai nghiện tại cộng đồng, tự nguyện và cai nghiện thay thế bằng methadon. Số lượng cai theo hình thức này đã tăng lên 35.000 người.

“Đặc biệt, đối tượng nghiện ma túy tổng hợp tăng lên và chưa có thuốc điều trị. Do đó, chúng ta tập trung giáo dục ý thức, thay đổi hành vi và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cộng đồng. Chúng ta thay thế trung tâm cai nghiện bắt buộc sang hình thức tư vấn, hỗ trợ tại các trạm xá và cộng đồng”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Bên cạnh đó, để giải quyết vướng mắc thủ tục đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, năm 2015, Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế đã ban thành thông tư liên tịch tháo gỡ khó khăn về việc xác định người nghiện, nhất là những đối tượng có hồ sơ từng nghiện ma túy và nếu phát hiện dùng ma túy thì sớm hoàn tất hồ sơ chuyển qua Tòa án xử lý. Do đó, trong 8 tháng qua, số người nghiện theo hình thức cai nghiện bắt buộc tăng hơn 4.500 lượt. “Hiện vẫn còn sự vênh giữa Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Luật Phòng chống ma túy về điều kiện, yếu tố đưa vào cai nghiện bắt buộc. Do đó, Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất sửa 2 luật này”, ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết.

Top