Chuyện ghi lại ở bản Mông

15/01/2015 14:50

Nhìn mấy chục con trâu, bò, dê quấn quýt bên vợ chồng anh Giàng A Lử trên đồi cao lộng gió, trong cái nắng mùa đông vàng óng ả, tôi tin, người nông dân chân chính đã trở lại với anh Lử. Câu chuyện về những tháng ngày nghiện hút và buôn bán ma túy, sẽ chỉ còn là quá khứ…

Hàng trăm con nghiện ở một xã nghèo

Đến xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa công tác, tôi tình cờ được biết đến câu chuyện của anh Giàng A Lử và chị Thào Thị Cá ở bản Khằm 3. Câu chuyện đã thôi thúc tôi vượt nhiều ki lô mét đường đồi núi để tận mắt chứng kiến những thành quả mà anh Lử và chị Cá đã đạt được sau nhiều thử thách.

Dẫn đường cho tôi là anh Thao Duy Lênh - Chính trị viên Đồn Biên phòng Trung Lý. Anh Lênh cho biết, xã Trung Lý có 16 bản, nhưng có tới 12 bản có 100% đồng bào Mông sinh sống. Phần lớn đều là các hộ gia đình từ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái di cư vào từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mặc dù nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước, cũng như sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhưng đến nay, đời sống của bà con ở đây vẫn rất khó khăn.

Với 6km đường viên giáp biên giới với bản Na Hàm, cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, nhiều năm nay, hầu hết ma túy vào Trung Lý đều từ phía biên giới Lào. Ma túy qua đây khá sẵn, giá lại không đắt nên các đối tượng nghiện ngập, buôn bán thường lợi dụng địa hình đồi núi trải dài ở đường biên để qua lại, mua bán ma túy…. 

Những thông tin của anh Lênh phần nào đã lý giải giúp tôi hiểu vì sao, đến thời điểm hiện tại, Trung Lý tới hơn 100 con nghiện có hồ sơ quản lý. Và giữa môi trường như vậy, câu chuyện cai nghiện thành công của anh Giàng A Lử lại càng đặc biệt…

Dùng thuốc phiện để… giảm đau

Vượt qua rất nhiều chặng đường nhỏ hẹp, quanh co, khúc khuỷu, giữa trưa mùa đông mà lưng áo đẫm ướt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được ngôi nhà nhỏ nằm biệt lập trên đồi cao của vợ chồng anh Lử. Thật may vì Chính trị viên Lênh cũng là người dân tộc Mông, nên câu chuyện với gia đình anh Lử bắt đầu khá tự nhiên, thoải mái.

 Căn nhà nhỏ hạnh phúc của vợ chồng anh Lử, chị Cá

Lý do đến với ma túy của anh Lử thật tình cờ. Đó là vào năm 1994, sau một lần đi đốn cây, không may anh Lử bị cây đè gãy xương bả vai và 3 chiếc xương sườn. Thiếu hiểu biết, xa bệnh viện lại nghèo khó nên anh Lử chỉ biết nằm nhà, vật vã với những con đau thấu xương. Nhìn tình cảnh của anh, ông trưởng bản liền bày cho anh cách giảm đau bằng…thuốc phiện. “Thời gian đó, ở Mường Lát vẫn có nhiều hộ lén lút trồng thuốc phiện lẫn trong nương rẫy. Tôi cũng theo mọi người, đổi ngô lấy 1 bát nhựa thuốc để trong nhà. Nên nghe ông Cao nói, tôi dùng thử ngay. Sau khi hút thuốc phiện, đúng là cảm giác đau đớn đỡ hẳn. Cứ thế, trong suốt một tháng ròng, mỗi lần lên cơn đau, tôi lại lấy một ít thuốc phiện ra hút” - anh Lử nhớ lại.

Sau một tháng, vết thương trên cơ thể đã lành, nhưng anh Lử lại mang vết thương khác - đau đớn và hành hạ không chỉ bản thân anh, mà cả gia đình anh: Anh Lử đã nghiện thuốc phiện…

8 năm anh Lử nghiện thuốc phiện là 8 năm gia đình nhỏ của anh khổ sở với những cơn đói dày vò, tài sản trong nhà không có gì trị giá mấy chục ngàn đồng. Để có tiền mua thuốc hút, sau này là chích, anh Lử theo bạn bè đi bộ cả nửa ngày lên biên giới để mua thuốc phiện về bản bán lại cho các con nghiện khác, tiền lãi để nuôi những cơn nghiện của bản thân. Trung bình mỗi ngày anh Lử mất khoảng 100.000 đồng để mua ma túy về sử dụng… Năm 2003, trong một lần đang mang ma túy từ biên giới về, anh Lử bị cán bộ Đồn biên phòng Trung Lý phát hiện và bắt giữ.

Nhọc nhằn đường về bản…

Lần bị bắt đó và bản án 9 năm từ giam không ngờ đã trở thành lối thoát cho anh Lử. Vào tù, anh Lử không chỉ cai nghiện được ma túy mà sau 6 năm 6 tháng, anh Lử đã được ra tù sớm do tích cực cải tạo. “Ngày ra tù, tôi nhớ nhất câu nói của bác sỹ đã điều trị cho tôi: 6 năm 6 tháng nhưng ma túy vẫn ở trên ngọn tóc của anh. Nếu anh không quyết tâm, ma túy có thể quay lại bất cứ lúc nào”.

Ra tù, tài sản còn lại của anh Lử là những nương rẫy hoang hóa, lâu ngày không có người cầy cấy, cha mẹ già, 3 con nhỏ dại phải nhờ người thân chăm sóc. Nhưng đau đớn hơn cả là trong thời gian anh đi tù, vợ anh ở nhà nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của một người đàn ông, tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy và bị kết án 5 năm tù…

“Vào thăm vợ, tôi hỏi, ra tù, cô ấy có về với tôi không, nếu đồng ý, hai người sẽ cùng nhau làm lại từ đầu. Và cái gật đầu của cô ấy đã cho tôi quyết tâm để lên đây dựng nhà, lập trang trại, chăn nuôi, trồng trọt…”- anh Lử nhớ lại.


 Gia tài trâu, bò, dê của nhà anh Lử, chị Cá

Từ con gà con đi xin, con trâu, con bò có được nhờ việc nuôi bò thuê, những chú lợn lai giống từ lợn rừng…, sau 5 năm nỗ lực, vợ chồng anh Lử đã có 9 con trâu, 8 con bò, chục con lợn lớn, nhỏ, vài chục con dê; ngan gà không đếm hết; con cái anh chị cũng đã được học hành. Vợ chồng anh cũng đã tìm lại được hạnh phúc tưởng như đã mất.

Thực tế cho thấy, số người cai nghiện ma túy thành công và không tái nghiện “đếm trên đầu ngón tay”. Anh Lử lại sống trên địa bàn xã có tới cả 100 con nghiện, sự cám dỗ có ở khắp nơi…, chính vì vậy, tận mắt chứng kiến những thành quả lao động của gia đình anh Lử, tôi thực sự khâm phục và rất mừng cho vợ chồng anh. Chia sẻ với những suy nghĩ của tôi, anh Lử kể: Ra tù, vừa về tới bản, đã có người anh em bên bản Khằm 1 mang thuốc phiện tới mời, nhưng anh kiên quyết từ chối. “Nếu lần đó tôi dùng lại, chắc chắn sẽ không có ngày hôm nay. Cai nghiện không khó, nhưng tái nghiện còn dễ hơn nhiều. Cai về rồi, đừng có đi ngó, đi thử nữa, không là nghiện lại ngay. Thật lòng, tôi không muốn là con nghiện thêm một lần nữa”.

Quyết tâm của anh Lử còn được minh chứng bằng việc, mặc dù đã mua được hai xe máy cho các con, nhưng anh Lử nhất định không sắm xe máy cho mình. “Có xe thì đi lại nhiều, ra ngoài gặp bạn bè, anh em. Một phút ngã lòng, có thể sẽ mất đi tất cả”.

Lên đồi xem chuồng nhốt trâu bò đang được anh Lử dựng khá kiên cố, tôi càng mừng hơn khi thấy những thay đổi trong tư duy và nhận thức của người đàn ông dân tộc Mông chưa đọc thông, viết thạo này. Anh Lử bảo, làm con nghiện lúc nào cũng chỉ nghĩ tới thuốc phiện, đi không dám ngẩng cao đầu. Bản làng có cỗ bàn, dọn rượu mà không có thuốc thì không ăn được vì người mệt mỏi, rã rời. Cai được rồi, không những được mời lên xã trao đổi kinh nghiệm, còn được cán bộ xã chúc rượu động viên. Mừng vô cùng…

***

Chia tay anh Lử, trên đường về, chốc chốc tôi lại ngoái lại nhìn, cho đến khi ngôi nhà của vợ chồng anh Lử chỉ là một chấm nhỏ giữa bao la núi đồi của bản Khằm 3. Trong lúc Nhà nước ta đã bỏ biết bao công sức, tiền của để thực hiện việc cai nghiện ma túy, nhưng đến nay, tỷ lệ tái nghiện có những nơi vẫn lên đến 95%..., thì câu chuyện của anh Lử thiết nghĩ cũng là một minh chứng khẳng định: Nếu có bản lĩnh, có quyết tâm, con đường trở về sẽ luôn rộng mở với những người đã từng sa ngã.

Top